
Các nhân vật vừa là nạn nhân vừa là tội nhân trong xã hội lựa chọn im lặng
Chính trong những lúc như vậy, bên cạnh những tiếng nói kịp thời của công luận, cần những lời an ủi của nghệ thuật, một nghệ thuật trực diện, đại chúng như điện ảnh.
Những cuộc đời câm lặng
Trong dòng tác phẩm điện ảnh lấy đề tài bạo lực học đường ra rạp thời gian gần đây, Mặc sát của Trung Quốc là bộ phim đáng chú ý hơn cả. Không ngạc nhiên khi Mặc sát trở thành hiện tượng phòng vé của năm vừa rồi, dù nội dung không phải phù hợp với thị hiếu của số đông khán giả.
Tính chân thật, "cận nhân tình" của phim phần nhiều nhờ diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên chính. Sự xuất hiện của Ngô Trấn Vũ, Trương Quân Ninh có thể nói đã bảo chứng cho tác phẩm này. Chưa kể tài năng của diễn viên trẻ Trương Thánh Địch khi hóa thân thành cô nữ sinh bị bạn bè bắt nạt cũng là một điểm cộng của phim.
Mặc sát đặt bối cảnh tại một tỉnh lỵ, với những con người thân thuộc đến mức tưởng ai cũng quen biết nhau. Đồng thời xa lạ đến mức ai cũng có thể giương mắt nhìn những chuyện trái khoáy xảy ra với những người xung quanh mình.
Ở đó có một ngôi trường trung học, nơi thầy cô không ngừng rao giảng đạo đức, luân lý nhưng lại làm lơ, thậm chí bao che khi thấy học sinh của mình bị bắt nạt.
Một ngôi trường khép kín, trong một xã hội khép kín và xa cách đã nuôi dưỡng mầm mống của cái xấu, cái ác.
Cái ác trong Mặc sát là cái ác bản năng. Nữ sinh này bắt nạt nữ sinh khác, hành hạ bạn, dẫn đến cái chết của bạn.
Nếu chứng kiến những màn tra tấn của các thiếu nữ mới mười mấy tuổi đầu trút lên bạn học của mình, hẳn khán giả sẽ không khỏi rùng mình.
Nó không phải vì báo thù hoặc xả giận. Chỉ đơn giản là học đường đã biến thành một môi trường thuận lợi để con người thả xích cho con quỷ trong mình xổng ra thế gian. Để chứng tỏ quyền lực không bị kiềm tỏa.
Điều tất yếu khi con người đánh mất khả năng kiểm soát tính ác: bi kịch sinh ra. Một nữ sinh qua đời, vụ điều tra bị bưng bít. Một người cha tuyệt vọng quyết tâm báo thù. Lớp mặt nạ của những con người đạo mạo bị trôi ra, bong tróc dưới thứ nước mưa thanh tẩy.
Trong phim có nhiều cảnh mưa, như thể con người bị chôn vùi dưới cơn mưa đó. Những cơn mưa phủ trùm lên không gian một màu xám xịt, đầy đe dọa.
Không chỉ nạn nhân qua đời không còn tiếng nói. Bạn bè của nữ sinh này cũng câm lặng. Nhà trường câm lặng. Mọi người xung quanh thờ ơ với công cuộc tìm kiếm sự thật về cái chết của một thiếu nữ ngây thơ vô tội.
Có thể nói Mặc sát đã dựng lên một thế giới của những người không có tiếng nói vì chọn lựa cá nhân hoặc đã bị tước đoạt tiếng nói.

Trương Thánh Địch hóa thân thành cô nữ sinh bị bạn bè bắt nạt
Có chăng một lối thoát khác
Cái tên Mặc sát có thể hiểu nôm na là "giết trong im lặng". Với nội dung phim, điều này có thể hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cô nữ sinh con một lao công (Trương Quân Ninh thủ vai) bị khiếm khuyết không có khả năng nói. Chính vì vậy mà cô bị những nữ sinh giàu có hơn bắt nạt. Ngay cả vậy, cô cũng không thể chia sẻ với mẹ mình, người cũng có một bí mật động trời.
Từ những nạn nhân đến kẻ sát nhân đều giữ trong mình một câu chuyện không thể chia sẻ. Cả người nắm công lý trong tay là viên cảnh sát (Ngô Trấn Vũ đóng) cũng có một bí mật cần giấu. Họ đều là nạn nhân của hoàn cảnh, nạn nhân của sự câm lặng mang tính xã hội.
Nữ sinh chết vì hành vi bạo lực học đường nhưng nhìn rộng hơn, em đã chết vì sự câm lặng của mọi người.
Mang dáng dấp của một phim trinh thám, kịch bản của Mặc sát đã làm rất tốt trong việc đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thêm vào đó là việc xây dựng một không khí căng thẳng khiến khán giả cuốn theo mạch phim nhanh, tình tiết dồn dập suốt gần hai giờ.
Cho nên thành tích thu được 700 triệu NDT (hơn 2.400 tỉ đồng) sau chín ngày công chiếu của Mặc sát là điều dễ hiểu. Nó cho thấy một mô típ cũ, một chủ đề không mới vẫn tạo được sức hút đối với công chúng.
Trong Mặc sát không chỉ xoay quanh một sự kiện. Một cái chết chỉ là duyên cớ để lộ ra những hành động bạo lực học đường, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em.
Bộ phim đã cho thấy những điều trên chỉ có thể diễn ra khi cá nhân trong xã hội đã lựa chọn phớt lờ, im lặng, đứng ngoài những điều xấu xa xung quanh. Theo cách đó, "mặc sát" còn có thể hiểu là "giết bằng sự im lặng".
Phim kết thúc, vụ án có thể được giải nhưng còn nhiều số phận trong phim vẫn bỏ ngỏ. Ta tự hỏi nếu như ngay từ đầu cái xấu không được nuôi dưỡng, bao che, làm ngơ, liệu bao nhiêu cuộc đời bị hủy hoại đến vậy?
Phải chăng vẫn tồn tại một lựa chọn khác, một hướng giải quyết khác khi các cá nhân yếm thế, chịu bất công trong cuộc sống tìm được một điểm tựa cho mình?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận