1. The Glory là bộ phim tâm lý kinh dị khai thác những sự trả thù nghiệt ngã về vấn nạn bắt nạt học đường. Trong bộ phim này, ngôi sao Song Hye Kyo vốn nổi tiếng với biệt danh "Nữ hoàng phim tình cảm" đã tỏa sáng với vai diễn khác biệt: giáo viên tiểu học Dong Eun, tìm cách trả thù kẻ bắt nạt mình trước đây.
Phần 1, khi phát hành tháng 12-2022, đã lọt vào top 10 phim bộ Netflix được xem nhiều nhất ở khoảng 60 quốc gia. Đây là phim truyền hình không phải tiếng Anh được xem nhiều thứ ba với 24 triệu giờ xem trên toàn thế giới, theo thống kê của nền tảng trực tuyến này trong tuần từ ngày 16 đến 22-1.
The Glory | Official Trailer | Netflix [ENG SUB]
Phần thứ hai, 8 tập, tiếp tục là kế hoạch trả thù mỹ mãn không có dấu vết của Dong Eun khi cảnh sát điều tra sự biến mất đột ngột của Myeong O sau khi anh ta tống tiền bạn bè. Phần 2 chỉ sau 24 giờ công chiếu lọt top 3 toàn cầu, top 1 ở 26 quốc gia...
Có thể thấy phim trả thù là đề tài quen thuộc của phim truyền hình Hàn Quốc.
Nhưng The Glory thu hút sự quan tâm của khán giả bởi diễn xuất của các diễn viên cùng những tình tiết gay cấn, hấp dẫn khó đoán. Trên hết, bộ phim gióng lên tiếng chuông báo động về nạn bắt nạt học đường tại Hàn Quốc.
Hình thức tra tấn dã man được miêu tả trong phim dựa trên một câu chuyện có thật ở một trường cấp II nữ sinh ở Cheongju, tỉnh Chungcheong Bắc, vào năm 2006. Những kẻ bắt nạt học sinh còn túm tóc và cào vào tay nạn nhân thậm tệ.
Nhà trường đưa những kẻ bắt nạt vào danh sách theo dõi để ngăn chặn hành vi phạm tội và không có biện pháp nào khác. Nạn nhân dù đã 17 năm trôi qua vẫn còn nguyên vết thương lòng.
2. Theo Korea Times, năm 2004 Đạo luật đặc biệt về phòng chống bạo lực học đường được ban hành tại Hàn Quốc. Từ đó, các ủy ban tại các trường phổ thông trên cả nước được thành lập để giám sát nạn bắt nạt. Những hành vi bạo lực đã được nhà trường kiểm soát, ít nhất là trên danh nghĩa.
Thế nhưng, thực tế nạn bạo lực học đường vẫn tràn lan. Mới đây, công tố viên - luật sư Chung Sun Sin, người được đề nghị làm chánh văn phòng điều tra quốc gia mới, đã từ chức chỉ sau một ngày bổ nhiệm do có tin con trai ông từng bắt nạt bạn cùng phòng ký túc xá vào năm 2017 khi đang theo học một trường trung học tư thục.
Một trong những vấn đề lớn nhất khiến các ủy ban phòng chống bạo lực học đường ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả là hầu hết các thành viên đều không có chuyên môn pháp lý. Phần lớn thành viên của ủy ban là phụ huynh.
Các giáo viên và quan chức chính phủ từ các văn phòng giáo dục địa phương cũng có mặt trong các ủy ban. Trong đó, tổng số khoảng 10 thành viên thì chỉ có hai hoặc ba người là chuyên gia pháp lý như luật sư.
Park Keun-byeong, chủ tịch Hiệp hội Giáo viên trường học Seoul, cho biết: "Nhiều chuyên gia pháp lý thậm chí không thường xuyên tham dự các cuộc họp của ủy ban vì đây là một vị trí không được trả lương".
Trong khi đó, "chiến lược" của kẻ bắt nạt lại là kéo dài cuộc tranh cãi đủ lâu để lịch sử bắt nạt của họ không bị ghi vào học bạ. Như vậy, quá trình tuyển sinh đại học của kẻ bắt nạt không bị cản trở.
3. The Glory kết thúc, kế hoạch trả thù của Dong Eun với những người hủy hoại thanh xuân của cô cũng có thể khép lại. Nhưng đó chỉ là câu chuyện trên phim ảnh.
Liệu ở ngoài đời, những nạn nhân của bạo lực học đường khao khát trả thù như Dong Eun có thật sự cảm thấy thanh thản, hay hậu quả là họ phải chìm đắm trong những năng lượng tiêu cực, bị tàn phá về tinh thần và thể chất.
Một xã hội công bằng phải chăng cần những giải pháp để "ngăn từ trong trứng nước", không để xảy ra những bi kịch như bạo lực học đường? Và sẽ không cần đến những câu chuyện báo thù, đó mới thật sự là bài học được rút ra từ bộ phim như The Glory.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận