18/02/2021 10:34 GMT+7

Cần vắc xin và 5K

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Sau thời gian chịu đựng đại dịch, loài người có vẻ sắp đuổi kịp kẻ thù vô hình nhờ hai "vũ khí" đơn giản: vắc xin và các biện pháp phòng dịch cơ bản.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố sáng 17-2 (giờ Việt Nam) rất tích cực: số ca nhiễm mới trên toàn cầu giảm 5 tuần liên tiếp, riêng tuần qua giảm 16% (hơn nửa triệu ca) còn 2,7 triệu trường hợp.

Truyền thông quốc tế phản ánh nhiều điển hình để nói lên xu hướng tích cực này. Ví dụ, xứ Wales, từng là nơi dịch bệnh tàn phá dữ dội nhất với tỉ lệ tử vong cao nhất ở Anh quốc, nay chứng kiến số ca nhiễm mới giảm mạnh, đến nỗi đội ngũ cấp cứu cảm thấy "bồn chồn tay chân" vì không có việc gì để làm. Thứ năm tuần trước, các nhân viên cấp cứu chỉ nhận 4 cuộc gọi từ người dân trong tổng dân số 400.000 người.

Điều này, theo Đài CNN, là nhờ xứ Wales đã hoàn tất chương trình tiêm chủng vắc xin sớm cho những đối tượng dễ bị tổn thương trước thời hạn, cũng như tiến hành phong tỏa sớm (trước Giáng sinh).

Hiệu quả tiêm chủng vắc xin có lẽ được thể hiện rõ nhất ở Israel, quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin toàn dân ở mức cao (72,9 liều/100 dân). Đài Skynews (Anh) mới đây dẫn nghiên cứu của Clalit, đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe lớn nhất tại Israel, kết luận số ca mắc COVID-19 có triệu chứng đã giảm 94% và số ca nặng giảm 92%, sau khi người dân được tiêm phòng hai liều vắc xin Pfizer-BioNTech.

Tại Mỹ, tình hình cũng có nhiều chỉ dấu tích cực kể từ sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và tập trung toàn lực chống dịch dựa theo khoa học. Theo dữ liệu của ĐH Johns Hopkins, số ca nhiễm kỷ lục trong một ngày ở Mỹ được ghi nhận vào ngày 2-1-2021 với 300.282 ca. Nhưng hôm thứ hai 15-2-2021, giảm xuống hơn 65.000 ca/ngày. 

Các chuyên gia dịch tễ lý giải là do người dân bớt tụ tập sau kỳ nghỉ mùa đông và nhờ chiến dịch tiêm chủng vắc xin quy mô lớn. Dù không đưa ra lời hứa chắc chắn, nhưng Tổng thống Biden tin rằng người Mỹ sẽ có một mùa Giáng sinh rất khác so với năm ngoái.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang "nóng" và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở Việt Nam, trong cuộc họp ngày 15-2 (mùng 4 tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ.

Theo Bộ Y tế, cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục, Việt Nam sẽ nhận 2 nguồn vắc xin: hơn 4,8 triệu liều từ chương trình COVAX và 117.000 liều nhập khẩu, cho mũi tiêm thứ nhất. Dự kiến sau 3 tháng nữa sẽ có 5 triệu liều khác để tiêm mũi thứ 2.

Thủ tướng cũng tiết lộ là nhiều doanh nghiệp, địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vắc xin. Việc xã hội hóa vắc xin để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiêm chủng vắc xin, nhất là người nghèo.

Cả nước đang vất vả để truy vết, khoanh vùng dập dịch. Dù chấp nhận trạng thái bình thường mới nhưng cũng phải sớm thoát ra khỏi cảnh này, trước mắt đó là 5K và sau nữa là vắc xin. Không chủ quan, trước khi vắc xin đến với rộng rãi người dân, mỗi người chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm ngặt 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). 

Nếu nắm chặt "vũ khí 5K", tức là mỗi người đã "tiêm vắc xin" phòng dịch cho bản thân và giúp ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước.

Philippines, Indonesia sắp nhận vắcxin từ COVAX Philippines, Indonesia sắp nhận vắcxin từ COVAX

TTO - Sau rất nhiều nỗ lực, COVAX - sáng kiến nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng vắcxin COVID-19 cho tất cả quốc gia trên thế giới - đã chính thức khởi động đầu tuần này với ít nhất 18 nước sẽ nhận được những lô vắcxin COVID-19 đầu tiên.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên