23/09/2021 09:03 GMT+7

Cần tạo điều kiện lưu thông hàng hóa

TIẾN THẮNG - NGỌC AN  - TUẤN PHÙNG
TIẾN THẮNG - NGỌC AN - TUẤN PHÙNG

TTO - Dù Thủ tướng, Phó thủ tướng đã có những chỉ đạo quán triệt về việc lưu thông hàng hóa, nhưng không ít địa phương vẫn viện lý do an toàn phòng dịch đặt ra các quy định gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Cần tạo điều kiện lưu thông hàng hóa - Ảnh 1.

Kiểm tra xe tải thông chốt qua app khai báo y tế từ Long An vào TP.HCM tại chốt kiểm soát tỉnh lộ 10 (huyện Bình Chánh, TP.HCM), trưa 22-9 - Ảnh: TỰ TRUNG

Hôm 21-9, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT rà soát, yêu cầu bãi bỏ các văn bản của địa phương trái với quy định của Chính phủ và Thủ tướng về lưu thông hàng hóa, các địa phương không được ban hành các giấy phép con.

Chỉ riêng đợt dịch thứ tư này, đây là lần thứ ba Thủ tướng chỉ thị cho ngành GTVT và các địa phương phải đảm bảo cho hàng hóa được lưu thông thông suốt trên toàn quốc và không được đặt ra các giấy phép con và các quy định "ngăn sông cấm chợ". 

Thế nhưng, không ít địa phương viện lý do an toàn phòng dịch mà đặt ra các quy định gây khó cho người dân, doanh nghiệp.

Xét nghiệm cả xe và hàng hóa

Sở Y tế Hải Phòng ngày 22-9 tiếp tục ban hành hướng dẫn tạm thời biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó quy định lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng RT-PCR trong vòng 72 giờ kể từ lúc lấy mẫu. 

Ông Trần Anh Cường - giám đốc Sở Y tế - cho biết quy định này là thực hiện theo đúng chỉ đạo của UBND TP, nhằm ngăn chặn tốt hơn nguy cơ dịch xâm nhập, bởi xét nghiệm bằng RT-PCR cho kết quả chính xác hơn. 

Ngoài ra, theo ông Cường, xét nghiệm bằng phương pháp này đối với mẫu gộp giá thành cũng rẻ hơn so với test nhanh kháng nguyên.

Tương tự, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu lái và phụ xe tải, xe container chở hàng hóa liên tỉnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với COVID-19 nhưng chỉ chấp nhận kết quả trong tối đa 48 giờ kể từ giờ lấy mẫu. 

Ngoài ra, những tài xế và phụ xe chở hàng hóa đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái khi đến trạm kiểm cửa ngõ vào TP Móng Cái phải làm test nhanh, nếu kết quả âm tính thì lực lượng chức năng niêm phong cabin mới cho tài xế đưa hàng vào bãi tập kết. Sau đó, các tài xế và phụ xe sẽ phải xét nghiệm RT-PCR trước khi rời khỏi địa phương.

Sau khi phía Trung Quốc thông báo tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long qua cửa khẩu Móng Cái do phát hiện trên bao bì có virus SARS-CoV-2, Quảng Ninh quy định từ ngày 22-9 áp dụng thêm biện pháp xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và xe vận chuyển tại khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lối mở cầu phao km3+4 Hải Yên. 

Vị trí lấy mẫu sẽ gồm tay nắm cửa xe, vôlăng, thành trong container, bề mặt bao bì, bao gói hàng hóa, hàng hóa... 

UBND TP Móng Cái giao Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái là đầu mối lập danh sách xe, hàng hóa đến từ vùng dịch cần phải xét nghiệm tầm soát trên cơ sở danh sách sắp xếp xe thông quan, đồng thời thông báo và đề nghị doanh nghiệp, cư dân biên giới biết để thực hiện xét nghiệm.

Theo ông Hồ Quang Huy - chủ tịch UBND TP Móng Cái, việc lấy mẫu xét nghiệm đối với hàng hóa và xe đến từ vùng dịch là biện pháp để địa phương này chủ động tầm soát, kiểm soát an toàn môi trường xuất nhập khẩu, từ đó đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa của các doanh nghiệp, cư dân biên giới hoạt động xuất khẩu.

Cần tạo điều kiện lưu thông hàng hóa - Ảnh 2.

Kiểm tra giấy tờ xe tải trên quốc lộ 13 hướng từ TP.HCM đi tỉnh Bình Dương trưa 22-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khổ đủ đường vì "giấy phép con"

Theo ông Trần Văn Hào - giám đốc Công ty vận tải Thái Việt Trung chuyên vận tải thiết bị công nghiệp qua lại giữa cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và cửa khẩu Móng Cái, doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn bởi yêu cầu xét nghiệm của Quảng Ninh. 

Tại Lạng Sơn chỉ có một bệnh viện xét nghiệm RT-PCR và chỉ lấy mẫu từ 8h - 11h và 16h hôm sau mới trả kết quả. Khi nhận được kết quả đã mất từ 12 - 30 giờ, chỉ còn lại thời hạn rất ngắn để chạy hàng trăm cây số từ Lạng Sơn sang Móng Cái. 

"Việc này có thể phát sinh rủi ro rất lớn nếu như tài xế gặp trục trặc, xe hỏng thì không thể kịp thời gian quy định, không kịp giao hàng" - ông Hào cho hay.

Theo ông Hào, tài xế đưa xe vào cửa khẩu để cẩu hàng chỉ mất 1 - 2 giờ nhưng phải ăn ở tập trung, chờ đến tối mới được lấy mẫu xét nghiệm PCR rồi chờ thêm 6 - 10 tiếng mới có kết quả. 

"Chúng tôi có khoảng 70 tài xế, mỗi lần vận chuyển theo quy trình như vậy chi phí phát sinh thêm khoảng 400.000 đồng/chuyến, tức mỗi ngày 50 chuyến thì mất thêm 20 triệu đồng. Mất tiền là một việc, nhưng lớn hơn là mất thời gian chờ đợi, nguy cơ giao hàng chậm tiến độ và tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh khi tài xế phải ăn ở tập trung và xét nghiệm" - ông Hào nói.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận chuyển cho biết tài xế chở hàng từ Quảng Trị đi các địa phương khác đều phải có xét nghiệm âm tính, nhưng đến Lạng Sơn thì tỉnh này vẫn yêu cầu phải test lại với lý do "đi từ vùng dịch về", dù giấy xét nghiệm tại Quảng Trị mới cấp ngày hôm trước.

Giải quyết triệt để ách tắc trong lưu thông hàng hóa

Ngày 21-9, Bộ GTVT đã ban hành văn bản đề nghị các sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh, TP chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong lưu thông hàng hóa; ban hành chính sách hỗ trợ chủ xe, tài xế để giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp; ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho tài xế, nhân viên bốc xếp hàng hóa.

Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương có cửa khẩu chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu; đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống. 

Đồng thời chỉ đạo chính quyền các cấp trên địa bàn không ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện trái với quy định của Chính phủ, Thủ tướng và của các bộ ngành về lưu thông hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - cho biết vận tải hàng hóa đường bộ đến nay cơ bản thông suốt, hai tuần qua không thấy doanh nghiệp, tài xế phản ảnh với hiệp hội những khó khăn, vướng mắc như địa phương ra thêm những quy định trái với chỉ đạo của Chính phủ. 

Theo ông Quyền, thời gian qua một số địa phương yêu cầu tài xế xét nghiệm nhiều lần, thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm ngắn hơn quy định của Bộ Y tế thì Bộ Y tế cần có ý kiến để các địa phương thực hiện thống nhất, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa.

Doanh nghiệp "vùng xanh" vẫn gặp khó vì giấy đi đường

Ông Nguyễn Ngọc Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM) - cho hay quy định lưu thông hàng hóa với xe container đã "dễ thở" hơn nếu doanh nghiệp đầy đủ giấy tờ, đặc biệt giấy xét nghiệm âm tính.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở "vùng xanh" quận 7 đang được thí điểm sản xuất trở lại khá nhộn nhịp thì các doanh nghiệp ở Củ Chi vẫn gặp khó khăn về giấy đi đường, số lượng nhân viên làm việc tại nhà máy.

Ông T.V.H. - tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô - bức xúc dù đã đăng ký giấy đi đường cho doanh nghiệp ở quận huyện khác đến nhà máy ở Củ Chi nhưng vẫn chưa được cấp khiến dây chuyền nhà máy ngưng trệ. Trong khi đó, nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin và Củ Chi là "vùng xanh" nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khi hoạt động.

Theo ông H., dây chuyền lắp ráp ôtô là một chuỗi liên tục, từng bộ phận vận hành đúng kỹ thuật chuyên môn. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp chỉ có 15 nhân viên hoạt động, chẳng khác nào "ngồi chơi xơi nước".

CÔNG TRUNG

Bộ Giao thông vận tải nói gì?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, thời gian qua bộ đã ban hành công điện, văn bản đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định của Chính phủ, Thủ tướng về tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa, không được đưa ra những quy định trái chỉ đạo gây ách tắc vận chuyển hàng hóa. Bản thân Thủ tướng, phó thủ tướng đã có những chỉ đạo quán triệt việc này.

Hiện nay các địa phương thực hiện các hướng dẫn tổ chức vận tải tạm thời do Bộ GTVT ban hành, không có vướng mắc về khâu tổ chức vận tải. Tình hình giao thông cả nước cơ bản ổn định, không xảy ra ùn tắc kéo dài. Bộ GTVT tiếp tục theo dõi, phối hợp các bộ ngành, địa phương trong tổ chức vận tải đảm bảo thông suốt.

Tuy nhiên, cá biệt một số ít địa phương chưa thống nhất về cách thức, thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế với người vào địa bàn tỉnh. Nhưng các tỉnh này cũng có hướng dẫn, tổ chức thực hiện để không bị ùn tắc kéo dài tại các chốt kiểm soát.

Muốn ra vào Đà Nẵng phải được chủ tịch TP đồng ý

muon ra vao da nang phai duoc chu tich tp cho phep

Cán bộ trực chốt cửa ô Hòa Phước, TP Đà Nẵng kiểm tra giấy đi đường của người dân sau khi TP thực hiện quy định đi lại mới - Ảnh: TẤN LỰC

Theo hướng dẫn Sở Y tế Đà Nẵng vừa ban hành, người vào Đà Nẵng phải có giấy tờ chứng minh lý do công vụ, vận chuyển hàng thiết yếu, làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh được phép hoạt động hoặc cần can thiệp y tế.

Ngoài các trường hợp trên, muốn vào Đà Nẵng phải có văn bản của UBND TP cho phép. Người đến từ địa phương không có dịch phải cung cấp giấy xác nhận của địa phương nơi đi.

Người rời khỏi Đà Nẵng phải có văn bản xin rời khỏi TP có xác nhận của UBND cấp xã, phường. Sau đó, UBND quận, huyện đề xuất và dự thảo văn bản trình chủ tịch UBND TP xem xét quyết định, trả lời người dân.

Ngoài ra, người dân muốn rời Đà Nẵng đi các tỉnh khác phải có sự đồng ý tiếp nhận của chính quyền địa phương nơi đến.

Tại các chốt kiểm dịch ngoại ô Đà Nẵng, rất nhiều người dân phải quay về vì không có văn bản cho phép của lãnh đạo TP.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hà Nam - chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng - cho biết từ khi áp dụng hướng dẫn đi lại mới, TP nhận được rất nhiều đơn và công văn xin phép ra vào TP của các cơ quan, tổ chức và người dân.

Hiện nay văn phòng đang báo cáo lãnh đạo TP xin chủ trương rà soát phương án phù hợp với tình hình dịch.

TẤN LỰC

Xe hàng đã thông suốt nhiều tỉnh miền Tây

xehanghoacantho

Có đầy đủ giấy tờ, cánh tài xế giao hàng hóa vào Cần Thơ - Ảnh: CHÍ CÔNG

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 22-9, tình hình vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh miền Tây đa số đều đã thông suốt.

Tại Long An, xe hàng từ ngoài tỉnh vào chỉ cần quét mã QR hoặc khai báo y tế, kèm theo giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 còn thời hạn theo quy định chung. Các loại xe chở hàng hóa đã bắt đầu lưu thông nhiều trở lại trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất.

Tại Vĩnh Long, các chốt kiểm soát dịch COVID-19 không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với tài xế và nhân viên đi cùng trên tàu, xe vận chuyển hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh, TP đang cùng thực hiện chỉ thị 15 và 16. Các chốt kiểm soát dịch chỉ kiểm tra các xe có dấu hiệu vi phạm về phòng chống dịch và an toàn giao thông.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết các xe vận tải hàng hóa từ Trà Vinh, đi Đồng Tháp, Cần Thơ... có dán mã QR nhận diện từ xa đều được tạo điều kiện nhanh chóng ra vào Vĩnh Long.

Tương tự, tại Cần Thơ, 11 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ vào Cần Thơ cũng chỉ kiểm soát nhanh mã QR, giấy chứng nhận xét nghiệm của tài xế. Đối với xe chở hàng hóa quá cảnh, tài xế phải cung cấp giấy tờ chứng minh không giao hàng thuộc địa bàn TP và ký cam kết theo mẫu quy định thì lực lượng chức năng mới phân luồng cho xe qua chốt.

Còn ở Hậu Giang, ông Mai Văn Tân - giám đốc Sở Giao thông vận tải - cho biết người lái phương tiện thủy cần cung cấp lịch trình đi theo tuyến thay cho mã QR, cùng với giấy xét nghiệm âm tính là được lưu thông qua chốt.

An Giang: tài xế test trước khi vào tỉnh

Chiều 22-9, trung tá Nguyễn Đức Hậu - trưởng Công an TP Long Xuyên - cho biết chốt kiểm soát của Công an TP Long Xuyên giáp với Cần Thơ mỗi ngày có từ 1.500 - 1.700 xe tải các loại vào An Giang.

"Mỗi ngày có ít nhất 2 trường hợp dương tính COVID-19 được phát hiện. Bây giờ nguồn lây bệnh COVID-19 chủ yếu là cánh tài xế đường dài. Nếu không test thì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nữa. Dù test như vậy nhưng đơn vị luôn quán triệt anh em không để ùn ứ kẹt xe tại chốt" - trung tá Hậu nói.

Lãnh đạo Công an TP Long Xuyên cho biết các tài xế khi đến chốt kiểm soát đều phải test nhanh COVID-19. Nếu đông xe, tài xế được cấp giấy đã lấy mẫu và để lại thông tin, số điện thoại và phải cam kết suốt quá trình di chuyển không ghé nơi nào.

"Sau đó, nếu có kết quả dương tính thì chúng tôi sẽ gọi cho tài xế và yêu cầu phải dừng xe đứng yên, lực lượng truy vết sẽ đến ngay lập tức. Còn trong thời gian 30 phút mà lực lượng không gọi, xem như ổn. Long Xuyên nhờ làm vậy mà số ca nhiễm COVID-19 đã kiểm soát được" - trung tá Hậu nói thêm.

Tương tự, huyện Chợ Mới cũng yêu cầu tài xế khi qua lại giữa tỉnh này và tỉnh Đồng Tháp phải phải test nhanh mẫu gộp 3 hoặc 5 người, trường hợp tài xế có yêu cầu thì được test riêng.

"Test gộp như vậy thì mỗi người chỉ cần trả 50.000 - 60.000 đồng/người thôi. Nhờ vậy mà nhiều ngày qua, địa phương kịp thời phát hiện các trường hợp dương tính COVID-19 tại chốt này" - một lãnh đạo huyện Chợ Mới nói.

S.LÂM - C.HẠNH - B.ĐẤU - L.DÂN

TP.HCM yêu cầu tạo điều kiện tối đa cho xe vận tải quân sự lưu thông TP.HCM yêu cầu tạo điều kiện tối đa cho xe vận tải quân sự lưu thông

TTO - UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở ngành về việc tạo điều kiện tối đa cho phương tiện vận tải quân sự thực hiện nhiệm vụ trong tình hình dịch COVID-19.

TIẾN THẮNG - NGỌC AN - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên