Đứng trên bờ bến cảng Bạch Đằng, ai cũng thấy rất nhiều rác thải nổi lềnh bềnh trên sông, tấp vào bờ, ngoài những dề lục bình và cành cây gãy ra thì còn nhiều rác thải sinh hoạt như hộp xốp, chai nhựa, bàn ghế nhựa, túi ni lông, thậm chí cả những bộ giường, tủ gỗ ép khổng lồ.
Thật ra, việc sát thương sông Sài Gòn không phải chỉ là rác thải mà nguy hại hơn chính là nước sông bị ô nhiễm. Mỗi ngày, 13 triệu dân TP.HCM đang sử dụng 1,8 triệu m3 nước sạch mà 94% nguồn nước thô đầu vào đang khai thác là từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Sông Sài Gòn dài 225km, chảy qua địa phận năm tỉnh là Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM (đoạn qua TP.HCM dài 80km). Tuy nhiên, vì thành phố nằm cuối lưu vực nên không thể kiểm soát được mọi hoạt động liên quan đến môi trường sông ở thượng lưu, nhất là vấn đề nguồn nước đang bị ô nhiễm.
Hầu như các con sông lớn chảy qua nhiều địa phận quốc gia, vùng miền bao giờ cũng có một ủy ban hay hội đồng quản lý nhằm kiểm soát và điều phối mọi hoạt động trên và quanh cơ thể dòng sông đó, không phải ai muốn xây dựng gì, ném cái gì xuống sông cũng được. Do chưa có một hội đồng như thế nên mỗi khi có sự cố liên quan đến sông Sài Gòn là chỉ có một mình TP.HCM phải gồng lên và lãnh đủ.
Còn nhớ năm 2018, nhờ có sự đấu tranh kiên quyết của TP.HCM mới dẹp bỏ được một trang trại nuôi heo rộng 14.000m2 được xây dựng trên đầu nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và phát tán dịch bệnh nguy hiểm.
Mặc dù đã có Luật Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Giao thông đường thủy, nhưng Đông Nam Bộ vẫn cần tính đến một quy định riêng cho sông Sài Gòn nhằm kiểm soát và chế tài các tổ chức và cá nhân để bảo vệ con sông như các nước đã thực hiện.
Trong đó có các quy định rõ ràng về mức phạt cho từng hành vi và quy mô làm sát thương dòng sông, thậm chí có thể có những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kèm theo đó là hệ thống kỹ thuật như camera, các cảm biến chuyên dụng, các trạm quan sát nhằm phát hiện rác thải, ghi nhận những hành vi xả rác vào ban ngày và ban đêm để không bỏ sót bất cứ hoạt động nào làm tổn hại dòng sông.
Khách du lịch Việt Nam thường hỏi sao sông ở các nước sạch thế, chẳng hạn như sông Matxcơva, sông Hoàng Phố, sông Hàn, vịnh Marina... Xin thưa, họ có hẳn một thể chế bảo vệ sông. Trước dịch COVID-19, tôi có dịp đưa 30 sinh viên tham dự tour du lịch sông Chaophraya của Bangkok. Trước khi bước chân xuống tàu, chủ tàu đã nói ngay là tuyệt đối không xả rác, nếu xả rác sẽ bị phạt 10.000 baht (khoảng 6 triệu đồng Việt Nam).
Cuối cùng, điều quan trọng nhất quyết định đến số phận con sông Sài Gòn chính là ý thức của mỗi người dân sống quanh dòng sông. Người dân Sài Gòn chắc ai cũng yêu dòng sông này như nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã ngân nga "Sông cũng như người ấy", cho nên "Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình".
Yêu thương thì phải ra sức bảo vệ dòng sông - nguồn sống vật chất và tinh thần của mỗi chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận