Theo ông Mãi, qua báo cáo từ các sở ngành của hai địa phương về các giải pháp để kết nối giao thông liên vùng, đặc biệt là các đề xuất phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn của tỉnh Bình Dương, TP.HCM đồng thuận và sẽ giao các đơn vị liên quan rà soát, sớm thống nhất triển khai.
Cả hai địa phương sẽ cùng nhau phát huy vị trí thuận lợi ở dọc sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phía TP.HCM sẽ nhanh chóng kiểm tra tình hình hiện tại ở hai bên bờ sông Sài Gòn và trình UBND TP. Phía Bình Dương cũng thực hiện như vậy.
Sau đó, hai địa phương sẽ cập nhật và thông báo kế hoạch phát triển cụ thể, lên phương án thống nhất.
Cuối tháng này, chủ tịch của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ sẽ cùng nhau thảo luận, nghe ý kiến và các phương pháp quy hoạch dọc sông Sài Gòn… Sau đó, các tỉnh sẽ tiếp tục bàn đến chuyện phát triển đô thị hai bên bờ sông trong thời gian tới.
Ông Mãi cho biết thêm, đối với những đề xuất liên kết đồng bộ giao thông đường bộ của tỉnh Bình Dương với TP.HCM (như quốc lộ 13), nếu Bình Dương tính toán không ảnh hưởng đến TP thì cứ làm trước. TP.HCM sẽ ủng hộ và có văn bản chấp thuận.
Dự án nào Bình Dương triển khai trước mà TP chưa thể theo ngay thì TP cũng sẽ không làm chậm bước của Bình Dương.
"Theo báo cáo của các sở ngành, một đoạn quốc lộ 13 ở Bình Dương dự kiến cuối năm nay sẽ thi công hoàn tất. Ở phía TP.HCM dù chưa thể làm ngay nhưng đã đưa dự án vào kế hoạch đầu tư, sẽ thi công trong thời gian tới", ông Mãi nói.
Tại buổi làm việc này, đại diện TP Thủ Đức (TP.HCM) và Công an TP Dĩ An (Bình Dương) cũng nói về tình hình an ninh ở khu vực giáp ranh hai địa phương.
Hai địa phương thống nhất thường xuyên trao đổi, cùng nhau phát triển xã hội, giữ gìn an ninh.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, vấn đề an ninh trật tự và an toàn giao thông ở khu vực giáp ranh TP Thủ Đức và Bình Dương hiện nay còn phức tạp, nhiều tội phạm ẩn náu.
"Nếu chúng ta cùng nhau phát triển giao thông, kinh tế sẽ khá hơn, đời sống người dân được nâng cao thì tội phạm chắc chắn sẽ giảm. Do đó, tôi rất mong lãnh đạo hai địa phương thường xuyên gặp nhau, cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc".
Nếu nghị quyết mới về cơ chế đặc thù cho TP.HCM sắp thông qua thì hai tỉnh thành cũng nên cân đối, bố trí thêm vốn phát triển giao thông, chăm lo an sinh vùng giáp ranh để giảm và ngăn tội phạm.
Đầu năm 2024, TP.HCM nâng tĩnh không hai cây cầu dọc sông Sài Gòn
Tại buổi làm việc ở trụ sở UBND thành phố Dĩ An (Bình Dương) về tiến độ, giải pháp thúc đẩy các dự án kết nối vùng chiều 15-6, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết TP.HCM đã phê duyệt việc nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1. Dự kiến triển khai thi công vào đầu năm 2024.
Thời gian qua, cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 chưa đáp ứng được tĩnh không thông thuyền theo quy hoạch (đa số các cầu ở sông Sài Gòn đạt từ 7m trở lên).
Do đó việc nâng tĩnh không hai cây cầu này là rất cần thiết, giảm thiểu nguy cơ tàu thuyền xảy ra va chạm với dầm và mặt cầu, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tăng cường kết nối vùng với Bình Dương và các tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận