Rất nhiều bạn đọc hy vọng đây sẽ là những bước đi để phát triển sông Sài Gòn cũng như TP.HCM xứng tầm là hòn ngọc Viễn Đông.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, sáng 25-6 (giờ Paris), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác cấp cao của TP.HCM đã khảo sát thực địa để học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine (Pháp).
Đây là một trong những hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao TP.HCM trong chuyến thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp từ ngày 24-6.
Từ sông Seine tới sông Sài Gòn
Dõi theo sự quan tâm của lãnh đạo TP.HCM đối với sông Sài Gòn, đặc biệt là cuộc 'Hiến kế phát triển sông Sài Gòn' do báo Tuổi Trẻ tổ chức hồi tháng 5-2022 được sự hưởng ứng nhiệt tình của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cùng giám đốc các sở ngành tham dự, nhiều bạn đọc tin tưởng rằng chuyến đi sang Pháp khảo sát thực địa để học tập kinh nghiệm quy hoạch bờ sông Seine lần này sẽ mang lại những kết quả thiết thực.
"TP.HCM đi học hỏi là điều rất cần thiết, sau chuyến học hỏi này hy vọng các anh đóng góp nhiều ý kiến bổ ích và mời đúng chuyên gia có tâm, có tầm làm cho TP.HCM đúng với tầm vóc hòn ngọc Viễn Đông" - bạn đọc Vũ Ngọc Tình kỳ vọng.
Cùng cho rằng đây là bước đi cần thiết và đúng đắn của lãnh đạo TP.HCM, bạn đọc có nick name than***yahoo.com viết: "Ba bốn chục năm nay, chỉ mới là những hội thảo, góp ý, khảo sát sông Sài Gòn. Nhưng dù gì thì nay lãnh đạo qua Pháp khảo sát sông Seine, với trăn trở phát triển sông Sài Gòn là điều rất vui".
Nhìn thấy được tiềm năng của sông Sài Gòn như nét tương đồng với sông Seine của Pháp, bạn đọc Hoan bày tỏ: "Sông Sài Gòn rất đẹp, độ sâu tốt, lượng nước dồi dào.
Nếu khai thác tốt sông Sài Gòn để làm du lịch thì đem lại nguồn lợi rất lớn. Rác trên sông, cảnh quan hai bên bờ rất quan trọng.
Hy vọng chuyến khảo sát của lãnh đạo TP sẽ nhanh chóng mang lại bước chuyển mới cho sông Sài Gòn và TP.HCM".
Cần tôn trọng nét riêng sông Sài Gòn
Góp thêm ý kiến chi tiết hơn, bạn đọc Phong Vũ bổ sung: "Tôi từng góp ý rằng sông Seine là mô hình lý tưởng để hiện đại hóa sông Sài Gòn. Cách họ xây bờ kè hai bên sông, cách dành đất hai bên bờ sông hoặc ít nhất một bên cho các dải công viên xanh, cách bao bọc các cù lao như Île de la Cité với từng viên đá chi tiết trông thật hoàn hảo...
Hơn 30 cây cầu bắc ngang nhìn bên trên mặt đường và đi dưới dòng sông đều thể hiện các lối kiến trúc hài hòa mỹ thuật... Nhìn từng chi tiết và xem toàn cảnh đều cảm thấy những kiến trúc gia và thợ xây của họ đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết, rất yêu quý và tự hào với thành phố của họ".
Tuy nhiên, theo bạn đọc Phong Vũ, học cái hay của người Pháp, còn sông Sài Gòn của TP.HCM cũng có những cái riêng, chứ không phải áp dụng y chang như vậy.
Cụ thể, bạn đọc Phong Vũ hiến kế thêm: "Cách thành phố Paris phát triển đường bộ thì theo tôi không tối ưu. Mô hình các vòng tròn đường vành đai từ nhỏ lên to dần, và nhiều ngã năm ngã bảy với vòng xoay, tạo ra các bát quái trận đồ cực khó nhớ đường và di chuyển luôn phải đi vòng kém hiệu quả.
Các vòng đường dạng bát quái dù là nhỏ đơn giản mới phát sinh, ví dụ như các bạn thử lên Lâm Đồng xem hạt nhân thành phố mới chớm phát triển với đường phố theo dạng vòng bát quái thì đi một hồi chắc chắn là bị lạc, lộn xộn rất chóng mặt...".
Góp thêm một góc nhìn, bạn đọc Nông Văn Tuấn viết: "Muốn bảo vệ sông Sài Gòn thì TP phải làm được hệ thống thu gom xử lý nước thải trước khi đổ ra sông.
Hai bên bờ sông từ Nhà Bè đến Bình Dương phải được trả lại hành lang bảo vệ, mấy khu biệt thự có hồ bơi sát bờ sông phải bị giải tỏa để làm đường chạy dọc bờ sông. Không giải quyết được hai vấn đề này thì rất khó để làm những việc tiếp theo".
Trong khi đó, bạn đọc Duc Nguyen đưa ra giải pháp khác khi viết: "Theo tôi, nên mời người Pháp ở Seine sang Việt Nam thiết kế các đặc trưng du lịch dọc sông Sài Gòn. Đó là cách đỡ mất thời gian rút kinh nghiệm truyền kỳ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận