13/12/2021 06:30 GMT+7

Cần giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Tổng thu ngân sách 11 tháng vượt dự toán cả năm. Theo các chuyên gia, điều này cho thấy gánh nặng thuế vẫn lớn với người dân, doanh nghiệp. Để kinh tế phục hồi, cần giảm thuế, trong đó thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cần giảm mạnh.

Cần giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Gói hỗ trợ mới cần giảm mạnh thuế cho doanh nghiệp, người dân. Trong ảnh: người dân làm thủ tục tại cơ quan thuế - Ảnh: Ngọc Phượng

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Theo TS Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia cao cấp về thuế, suốt 2 năm qua, do COVID-19, nước nào cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân. VN cũng có mấy gói hỗ trợ DN nhưng chủ yếu là giãn hoãn thuế vài tháng, vừa áp dụng thì DN đã phải trả nợ rồi.

Nên giảm ít nhất một nửa tiền thuế TNCN

Chị Bích Vân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay năm 2021 dịch kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của bản thân chị nói chung và gia đình nói riêng. Các khoản thưởng bị cắt, lương cũng giảm. Thế nhưng tháng nào nhận bảng kê thu nhập cũng bị khấu trừ thuế TNCN. 

"Dịch nên thu nhập của chồng tôi bị ảnh hưởng. Một mình tôi choàng gánh chi tiêu cho cả gia đình trong bối cảnh giá cả leo thang. Đành rằng ngành thuế lý luận thu nhập của tôi vẫn "cao" vì ở ngưỡng phải nộp thuế TNCN nhưng trên thực tế tôi đã phải rất chật vật để gói ghém trong mức lương hạn hẹp. Chưa kể trong bối cảnh DN, hộ kinh doanh đều được đề xuất các chính sách hỗ trợ thì người làm công ăn lương như tôi thấy rất chạnh lòng" - chị Bích Vân nói.

Nhiều người làm công ăn lương cũng đồng cảm và cho hay thấy mệt mỏi vì dịch bệnh khó khăn, nhưng thuế TNCN hầu như hiếm khi nào được miễn giảm. "Những người đóng thuế TNCN thuộc diện nộp thuế cần mẫn nhất, nên cần khoan thư sức dân cho chúng tôi đỡ mệt mỏi lúc này" - một phó giám đốc doanh nghiệp tại Hà Nội nói.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, cần giảm ít nhất 50% tiền thuế TNCN năm nay và năm sau cho người làm công ăn lương để đỡ gánh nặng thuế. Bởi thu nhập của người lao động bị sụt giảm, thậm chí mất việc làm do đại dịch mà tổng số thu từ sắc thuế này trong 11 tháng đầu năm vẫn đạt 107,7% so dự toán. Điều này cho thấy gánh nặng của chính sách thuế đối với thu nhập của người làm công ăn lương.

Ông Tú phân tích bậc thuế trong biểu thuế TNCN rất bất hợp lý khi mức thuế nộp giữa các bậc trên rất cao. Bậc thuế cao nhất có thuế suất lên tới 35%. Bên cạnh đó, như chứng khoán, lỗ vẫn phải nộp là vô lý. Đúng ra là thuế TNCN phải thu trên tiền lãi. Nhưng vì không quản lý được nên cứ đè ra thu 0,1% trên doanh thu giao dịch. Như vậy là lạm thu.

Tiền sẽ quay lại thị trường

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhấn mạnh dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến người làm công ăn lương mà tác động đến những người phụ thuộc. Do vậy ngành thuế nên có chính sách chia sẻ với họ thông qua chính sách giãn, giảm thuế thì sẽ thể hiện được tinh thần khoan sức dân và nhân văn hơn.

Ông Tú nhận định hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT, thuế TNCN là tiền sẽ quay trở lại thị trường ngay, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất. Việc được giảm thuế sẽ là nguồn động viên rất lớn, tạo tâm lý phấn khởi giúp người dân có thêm nguồn tài chính để mua hàng hóa, tiêu dùng, thậm chí đi ăn nhà hàng, du lịch... Chính vì vậy, số thu về tổng thể sẽ tăng chứ không giảm sau hỗ trợ người dân, DN bằng chính sách thuế.

Giảm thuế thu nhập cho tất cả DN

Thu 11 tháng vẫn vượt dự toán cả năm cho thấy dư địa về ngân sách hỗ trợ cho người dân và DN vẫn còn. TS Nguyễn Ngọc Tú đề nghị giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp năm 2022 cho tất cả các DN trừ một số lĩnh vực có lợi thế không ảnh hưởng bởi đại dịch. Điều kiện được giảm thuế là có tổng doanh thu từ 200 tỉ đồng trở xuống thực chất là cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Thực tế những DN này đâu có lợi nhuận để được giảm thuế. Nên tăng mức khống chế 200 tỉ lên.

Song song với tăng cung qua giảm thuế cho DN, ông Tú đề nghị phải có chính sách tăng tổng cầu, nghĩa là kích thích tiêu dùng. Cần kéo giá cả hàng hóa, dịch vụ xuống bằng cách giảm 30-50% thuế VAT cho tất cả các mặt hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Nhà nước thúc đẩy chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân, như người lao động tự do và người yếu thế ở vùng dịch.

Nghị quyết của Quốc hội: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân Nghị quyết của Quốc hội: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân

TTO - Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với 2019.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên