02/11/2022 08:55 GMT+7

Cần chấm dứt cảnh 'cha chung không ai khóc'

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Dù các bộ ngành đã mổ xẻ nguyên nhân, bất cập để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng, nhưng chuyện ứng xử trong quản lý mặt hàng này cho thấy đã đến lúc cần có một cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện an ninh năng lượng.

Đã có hàng loạt câu hỏi, đề nghị được nêu ra tại kỳ họp Quốc hội suốt hai tuần qua liên quan trách nhiệm quản lý, điều hành xăng dầu. Băn khoăn của các đại biểu Quốc hội cũng là mong mỏi của người dân, làm sao để các bộ ngành cùng ngồi lại với nhau tìm giải pháp khả thi nhất, chấm dứt tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung xăng dầu diễn ra dai dẳng tại các tỉnh phía Nam suốt từ đầu năm đến nay.

Sự sốt ruột đó càng thấy rõ khi đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề trách nhiệm và thẳng thắn chỉ ra "đang có sự lúng túng trong điều hành, xử lý của các bộ ngành", trong khi đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) thì đề nghị các bộ ngành cần "rút ra bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành".

Thế nhưng, câu trả lời cho vấn đề trách nhiệm và giải pháp mà bộ ngành đưa ra có vẻ vẫn chưa thể được sáng tỏ và thuyết phục. Từ phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 23-10 cho đến phiên giải trình trước Quốc hội ngày 28-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên luôn khẳng định xăng dầu là mặt hàng chiến lược nên quản lý xăng dầu không chỉ là Bộ Công Thương mà còn có sáu bộ ngành và các địa phương.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lại chứng minh rằng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu do các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đã không đáp ứng đủ nguồn cung theo kế hoạch được giao. Thậm chí, ông Phớc còn đề nghị sửa đổi quy định để giao hoàn toàn quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương làm một đầu mối. Còn tư lệnh ngành ngân hàng thì phân trần rằng đã cấp tín dụng, cung ứng ngoại tệ cho doanh nghiệp xăng dầu nhưng doanh nghiệp mới chỉ sử dụng khoảng 50% mức tín dụng đã cấp...

Mỗi bộ đều có quan điểm riêng, nhưng người dân cần hơn hết là trách nhiệm và tiếng nói chung để đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ. Đúng như lời của đại biểu Tạ Thị Yên - phó Ban Công tác đại biểu - khi nói rằng cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu lúc này không chỉ là chính sách tài khóa thông qua thuế phí, mà cần phải "làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan".

Xăng dầu là mặt hàng an ninh chiến lược, có liên quan đời sống người dân và cả nền kinh tế. Đây cũng là mặt hàng chịu tác động lớn từ biến động giá, cung cầu của thế giới, khi Việt Nam phải nhập khẩu dầu thô và xăng dầu từ thế giới một lượng lớn. 

Do đó trong bối cảnh quản lý xăng dầu vừa đảm bảo nguyên tắc cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước thì không thể để một mặt hàng an ninh chiến lược ở trong tình cảnh "cha chung không ai khóc", cần thiết phải có một bộ ngành chịu trách nhiệm chính trong quản lý, để thống nhất về giải pháp điều hành.

Và khi đã ý thức được rõ trách nhiệm của một bộ ngành làm đầu mối quản lý, chắc hẳn lúc đó việc quản lý thị trường xăng dầu mới đảm bảo tính thống nhất từ cung cầu, giá cả cho đến vận hành thị trường. Điều này cũng để tránh tình trạng khi xảy ra đứt gãy, biến động mà vẫn không rõ trách nhiệm, không thể "bắt bệnh" để trị bệnh, cứ vòng vo loanh quanh thì tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ sẽ vẫn còn kéo dài dai dẳng như vừa qua mà không thể "trị" tận gốc.

Giá xăng dầu tăng: vẫn chưa Giá xăng dầu tăng: vẫn chưa 'gỡ' được bài toán đứt gãy nguồn cung

TTO - Dù giá xăng dầu tăng nhưng các doanh nghiệp xăng dầu vẫn cho rằng chưa giải quyết được bài toán đứt gãy nguồn cung hàng cục bộ phía Nam và đang lan ra phía Bắc.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên