Kết quả thăm dò trên TTO tính đến 9g10 sáng 12-12 |
Còn nhiều năm trở lại đây, dạy thêm dần biến thành “dịch vụ” được nhiều giáo viên ở tiểu học hay những bộ môn chính ở cấp THCS, THPT tận dụng nhằm vừa giải quyết áp lực tỉ lệ thành tích, vừa cải thiện thu nhập ngoài lương.
Điều đó khiến việc dạy thêm trở thành một “biến tướng” hay “hiện tượng tiêu cực” làm phần đông phụ huynh, giáo viên và các giới trong xã hội có cái nhìn gay gắt, thiếu thiện cảm.
Vẫn còn nhiều giáo viên mượn lý do này kia để ép học sinh học thêm. Và nhiều giáo viên tìm cách “chạy” vào những ngôi trường có điều kiện để dạy thêm nhằm kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Điều này thật đáng trách và cần phải chế tài, xử phạt hoặc kỷ luật theo đúng những quy định đã có của ngành.
Cũng thật đáng trách khi còn nhiều phụ huynh không quyết tâm dành nhiều thời gian cho con em sau giờ chính khóa, hướng dẫn con em tự học ở nhà, tự bồi đắp tri thức bằng nhiều sân chơi bổ ích khác, để rồi ỷ lại, giao phó chuyện học ngoài giờ cho thầy cô với niềm tin cho con học thêm để được thầy cô quan tâm, được điểm cao và đậu vào ĐH...
Nhưng cũng cần có cái nhìn công bằng với chuyện dạy thêm - học thêm hiện nay. Không phải cứ dạy thêm là tiêu cực, mờ ám, bởi nhu cầu học thêm ngoài giờ chính khóa là có thật.
Các em học sinh muốn luyện tập thêm sau lượng kiến thức chuẩn trong giờ học ở những thầy cô thật sự tài năng.
Phụ huynh cũng muốn con em mình được học thêm ở những thầy cô có uy tín của nhiều trường khác nhau, mà giờ học chính khóa chưa thể giải quyết nhu cầu này.
Các thầy cô dạy thêm vừa hỗ trợ việc học, vừa quản lý giờ giấc cho các em sau khi học tại trường giúp phụ huynh an tâm.
Mặt khác, hoạt động dạy thêm cũng đã được cơ quan quản lý quy định rất rõ ràng quy trình, về mức thu, về công tác tổ chức lớp học, thời gian và định mức kiến thức...
Sẽ rất mừng nếu chúng ta thấy giáo viên sống được bằng chính nghề của mình một cách minh bạch như thế.
Ngoài bậc tiểu học, không phải giáo viên môn nào trong trường phổ thông cũng có thể dạy thêm. Ngay cả ở những môn chính, không phải thầy cô nào cũng mở lớp dạy thêm.
Vì thế, sau giờ dạy các thầy cô cải thiện cuộc sống bằng nhiều hình thức lao động vất vả nhưng chính đáng: có thầy cô may gia công, có người bán tạp hóa, có người làm xây dựng... Việc làm thêm của giáo viên đều đáng trân trọng khi cuộc sống viên chức ngành giáo dục còn rất eo hẹp.
Thiết nghĩ, chỉ khi nào học sinh thoát khỏi áp lực khoa cử, phụ huynh thoát khỏi suy nghĩ con em mình học để đậu đại học, người đứng lớp thoát khỏi cơ chế tổ chức, tuyển dụng, áp lực thành tích và có được đồng lương xứng đáng thì lúc ấy chuyện dạy thêm - học thêm sẽ không còn là “vấn nạn” mà trở thành một hoạt động đầy trách nhiệm và ân tình của người lớn đối với con em chúng ta.
[poll width="400px" height="202px"]98[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận