26/03/2013 08:45 GMT+7

Cái giá của thành công

ĐINH TUẤN ÂN
ĐINH TUẤN ÂN

TT - Thế là tôi bắt tay vào kế hoạch của mình. Trước tiên, tôi nghĩ chè thì có rất nhiều món chè, phở có rất nhiều kiểu phở, cà phê cũng có rất nhiều loại cà phê. Thế vì sao tàu hủ lại chỉ có mỗi một loại?

Cái giá của thành công

WF2rLUq1.jpgPhóng to
Một góc cửa hàng tàu hủ HAT - Ảnh: Như Hùng

Tôi nghĩ ngay đến việc biến một món tàu hủ giản đơn thành các món ăn khác nhau, thêm món phụ vào. Tôi lập danh sách món phụ sẽ thêm vào để tạo thêm hương vị mới lạ cho mỗi ly tàu hủ khác nhau. Nhưng vấn đề tiếp theo là tôi không biết nấu món đó như thế nào?

Cửa hàng tàu hủ HAT

Để trả lời điều này, trước hết tôi phải giải quyết vấn đề: “Tôi không có tiền”. Tôi biết điều rất thực tế nếu tôi không có tiền thì tôi sẽ chẳng thể làm được gì. Nhưng tôi lại nghĩ nếu lấy điều đó ra làm lý do để chùn bước thì tôi cũng không khác gì kẻ thất bại luôn tốn thời gian để than vãn rằng: “Tôi không có tiền để làm!” hay “nếu tôi có tiền thì...”. Tôi không cho phép bản thân mình biện hộ bởi lý do này. Tôi phải nghĩ cho ra cách. Tôi nhẩm tính nếu một mình tôi làm hết mọi thứ sẽ rất khó khăn, nhưng nếu tôi có thêm bạn cùng làm thì vấn đề sẽ đơn giản hơn.

Tôi quyết định thuyết phục hai người bạn thân. Thế nhưng người bạn thân từ thời cấp III và học cùng trường đại học của tôi đã thẳng thắn từ chối, và người bạn này xem những điều tôi dự định làm quá viển vông và ảo tưởng. Thế nhưng người bạn tôi rất tin tưởng chơi từ thời cấp II đã không làm tôi thất vọng, bởi bạn cũng đã từ lâu nung nấu ý định làm một điều gì đó, và tôi đã thuyết phục đúng người. Thông qua người bạn thân này, tôi thuyết phục một người bạn tôi rất tâm đắc mà trước đó tôi chỉ gặp một vài lần. Thế là ba người chúng tôi cùng nhau lên kế hoạch thực hiện kế hoạch của mình.

Và cửa hàng với cái tên tàu hủ HAT ra đời, ghép tên ba chữ cái đầu tiên của chúng tôi (Nguyễn Lê Hận, Đinh Tuấn Ân, Mai Thanh Tùng). Vấn đề về sản phẩm phụ mà tôi gặp rắc rối trước đó cũng được giải quyết khi tôi thuyết phục được chị của người bạn thứ hai của tôi, là người nấu những món này rất giỏi và đang thất nghiệp với ngành kế toán của mình. Khó khăn về tiền lúc này cũng được hai người bạn chia sẻ nhiệt tình. Bản thân tôi đã vay mượn từ bạn bè cũ và dành hết số tiền mà ba mẹ tôi cho để mua máy tính phục vụ việc học đại học vào việc thành lập cửa hàng đầu tiên.

Cửa hàng tàu hủ HAT đầu tiên của ba chúng tôi với sự giúp đỡ của rất nhiều bạn bè đã nhanh chóng khai trương với phương châm “Phong cách mới, hương vị mới”. Khoảng hai tuần đầu tiên, lượng khách hàng rất đông đến nỗi không có chỗ ngồi, có lẽ bởi sự hiếu kỳ, tò mò của khách hàng, vì đây là cửa hàng tàu hủ đầu tiên được thiết kế khá sang trọng và rất nhiều loại tàu hủ, với cách ăn bằng ly thay vì trong chén. Tất cả khiến khách hàng đông hơn. Tôi và hai người bạn dường như cảm nhận sự thành công đang đến. Bao đêm thức trắng, quần quật làm việc từ sáng sớm đến khuya đã được đền bù. Tôi nghĩ giấc mơ của tôi càng lúc càng đến gần. Chỉ hai tuần đầu tiên chúng tôi đã có khoản doanh thu gần 50 triệu - một số tiền mơ ước đối với sinh viên nghèo như chúng tôi.

Nhưng rồi sự tò mò hiếu kỳ của khách hàng qua đi, số lượng khách cứ ngày qua ngày giảm mạnh một cách đáng sợ, doanh thu tụt dốc.

Trả giá bằng thất bại

Tôi điều tra thì biết sản phẩm của chúng tôi không ngon như tàu hủ của các cô bán dạo. Đó là cái giá cho việc chúng tôi chưa đầu tư kỹ lưỡng vào sản phẩm. Lúc này tôi vẫn chỉ là một người mới vào nghề, tập nấu tàu hủ từ thím và các món phụ từ chị người bạn tôi. Lòng tin của mọi người trong cửa hàng bắt đầu mất dần. Kết quả, chỉ một thời gian không lâu sau đó thím tôi và chị người bạn ra đi vì cảm thấy tương lai cửa hàng không có triển vọng như tôi thuyết phục họ lúc đầu.

Cửa hàng đầu tiên của chúng tôi đã bị phá sản và chúng tôi ôm một khoản nợ khá lớn.

Bấy giờ không phải là lúc nói suông về thất bại một cách triết lý như thế nào nữa, bởi tôi đang chứng kiến điều đó xảy đến với mình. Nhưng mỗi lúc như thế tôi lại nhớ bài học của những người thành công đều phải trả giá bằng bao lần thất bại, khó khăn. Tôi và hai người bạn thân thiết vẫn cố gắng trụ vững. Chúng tôi bắt đầu tập trung vào việc nghiên cứu sản phẩm. Sau gần năm tháng nghiên cứu, sau nhiều lần bán ven đường, sau nhiều lần thất bại ê chề tưởng chừng như bỏ cuộc, chúng tôi không chỉ chế biến được món tàu hủ truyền thống thừa sức cạnh tranh, mà còn phát hiện công thức tạo nên các sản phẩm tàu hủ đặc trưng không đâu có được.

Hiện chúng tôi có trên 22 loại tàu hủ, trong đó có nhiều sản phẩm ngon tuyệt chỉ có ở cửa hàng tàu hủ HAT. Đông đảo khách hàng, đặc biệt các bạn sinh viên ở làng đại học đón nhận nhiệt tình. Sau hơn một năm kể từ ngày bắt đầu “xông pha”, chúng tôi đã vượt qua được lần phá sản đầu tiên. Chúng tôi đã rút ra nhiều bài học quý giá để giờ đây có hai cửa hàng với tiềm năng lớn, mức đầu tư mỗi cửa hàng gần 100 triệu đồng vốn ban đầu, và một cửa hàng lưu động. Doanh thu mỗi tháng từ 180-200 triệu đồng.

Tôi biết phía trước còn có rất nhiều khó khăn đang chờ tôi và những người bạn đồng hành của mình, nhưng tôi luôn tin tưởng rằng chúng tôi sẽ vượt qua và tiến về phía trước. Ngẫm lại thời gian đầu khi tôi cùng nhóm bạn sáng lập nên chuỗi cửa hàng tàu hủ HAT, không ít bạn bè và người xung quanh nhìn chúng tôi như những gã khờ. Họ cho rằng chúng tôi là kẻ mơ mộng, dở hơi, hay “Ai lại học mấy năm đại học rồi bây giờ đi bán tàu hủ”... Nhưng bản thân mỗi chúng tôi đều biết mình đang làm gì. Tôi tin vào sự mách bảo của trái tim và tin vào những điều tôi đang theo đuổi.

Tôi tin rằng mỗi chúng ta có một cách khác nhau để đóng góp vào sự phát triển của nước nhà. Bản thân tôi, tôi muốn đưa những trăn trở, khát vọng và nỗi hổ thẹn với lịch sử vào chuỗi cửa hàng mang tên tàu hủ HAT. Tại đây, tôi muốn chia sẻ và học hỏi với những người bạn cộng sự, những người bạn trong tàu hủ HAT để tạo nên một bầu không khí đầy nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua định kiến hay giới hạn của xã hội.

Như tôi đã nói: ngành ngân hàng không phải là đam mê của tôi. Nhưng không phải tất cả những gì tôi học ở Trường ĐH Ngân hàng đều vô bổ, có nhiều môn học tôi rất thích và nó tạo một nền tảng giúp ích tôi rất nhiều trong công việc hiện nay.

Điều quan trọng hơn cả là bạn phải dũng cảm để có thể sẵn sàng đi theo một ngã rẽ mới, ngay khi điều đó không dễ dàng chút nào với bạn. Lúc nào bạn tìm kiếm được công việc đúng niềm đam mê của mình thì bạn có thể làm việc quên cả thời gian vì nó. Tôi chấp nhận phớt lờ những môn học tôi cảm thấy không hứng thú, và tôi tập trung học những môn tôi thích. Cũng như lúc đầu tôi và những người bạn lập cửa hàng tàu hủ HAT chúng tôi đã phá sản thảm hại, chúng tôi phải đi bán dạo ngoài đường trên quận 1... Nhưng tôi không bỏ niềm đam mê của mình, tôi tìm mọi cách để gầy dựng lại và đến hôm nay tôi có thể gọi là thành công.

Loạt bài này dự kiến kết thúc trong số báo hôm nay. Tuy nhiên, tòa soạn vừa nhận được email của một vị phụ huynh, với một tâm trạng rối bời...

Kỳ tới: Cháu tôi bỏ học giữa chừng...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Giá như tôi biết điều này trước khi học đại học Kỳ 2: Chán nản trên ghế giảng đường Kỳ 3: Những viên đá đặt sẵn Kỳ 4: “Chạy trốn” thất bại Kỳ 5: Nếu bạn thi rớt thì sao? Kỳ 6: Chuyện cô giáo tôi - Captain Bear Kỳ 7: Giấc mơ... tàu hủ của tôi

ĐINH TUẤN ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên