22/03/2013 09:30 GMT+7

"Chạy trốn" thất bại

ĐINH TUẤN ÂN
ĐINH TUẤN ÂN

TT - Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện, lúc đó là thời gian tôi hoàn thành năm học thứ ba của đại học và được nghỉ hè.

Q665LI0e.jpgPhóng to
Nhìn những ánh mắt phụ huynh này mới hiểu được nỗi lo và sự khát khao một chỗ trên giảng đường đại học cho con em mình ra sao - Ảnh: Như Hùng

Kỳ 1: Giá như tôi biết điều này trước khi học đại học Kỳ 2: Chán nản trên ghế giảng đường Kỳ 3: Những viên đá đặt sẵn

Như mỗi buổi chiều ngày hè trong lành khác, hôm đó sau khi chạy bộ trên bờ biển dài gần nhà, tôi bất ngờ gặp một người bạn cũ, lâu rồi chúng tôi không gặp nên nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng không khí, niềm vui đó bỗng như khựng lại khi người bạn bảo với tôi: “Mày có nghe chuyện thằng nhỏ học Trường Lê Khiết tự tử không?”. (Ở Quảng Ngãi quê tôi, chỉ cần nói đến Trường Lê Khiết là nghĩ ngay đến những học sinh “trùm” - tức là học rất giỏi).

“Con không dám đối diện với ngày mai”

Và những ngày sau đó, tôi tìm hiểu thực hư câu chuyện. Nó cứ ám ảnh tôi. Tôi thật sự muốn làm một điều gì đó, rồi cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối khi biết rõ hơn về câu chuyện người bạn trẻ. Tôi tin rằng đây là bài học kinh nghiệm, hồi chuông cảnh báo - đã hiện hữu từ lâu - về cách nhìn nhận khó khăn, thất bại trong cuộc sống của thế hệ trẻ chúng ta.

“Mỗi cây mỗi hoa...”

Thật mỉa mai, bản thân tôi từng sống trong “lời biện hộ” cho hoàn cảnh của mình mỗi lúc tôi gặp khó khăn. Đến khi tôi xa nhà vào TP.HCM, bước vào môi trường đại học, tiếp xúc với bạn bè từ tứ xứ, đứa giàu, đứa nghèo, quả thật tôi nhận ra rất nhiều điều mà ngày trước tôi không hề biết hay nghĩ lệch lạc. Điều quan trọng nhất tôi nhận ra, dù xuất thân trong gia đình giàu sang hay nghèo khó thì đứa nào cũng có khó khăn riêng của mình, đứa thì chuyện gia đình, đứa thì chuyện tiền bạc, đứa thì chuyện tình cảm lứa đôi... đúng như câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Đó là một bạn học sinh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi, cách nơi tôi ở không xa. Suốt thời gian học tiểu học, trung học cơ sở, rồi thi và đậu, trở thành học sinh chuyên toán của Trường chuyên Lê Khiết, bạn ấy luôn đạt thành tích cao trong học tập. Trong lớp, bạn học rất giỏi nhưng rất hiền lành và hòa đồng nên luôn được nhiều bạn bè yêu mến. Năm ấy, bạn đăng ký dự thi khối A Trường đại học Kinh tế TP.HCM và khối B Trường đại học Y dược TP.HCM, địa điểm thi ở tại cụm thi thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Ngày thi, bạn đi cùng ba vào Quy Nhơn. Kết thúc môn toán của đợt thi đầu tiên khối A, bạn còn nói với ba: “Đề như thế này thì quá dễ”. Ba bạn kể lại: “Trên đường cháu rất bình thường. Thế nhưng về đến nhà, cầm đáp án trên báo và dùng máy tính nhẩm tính kết quả, cháu có biểu hiện thất vọng, không liên lạc hay nghe điện thoại của bạn bè, nằm úp mặt xuống gối”...

... Rồi một buổi sáng, bạn đã vào rẫy và kết thúc cuộc đời mình bằng chai thuốc rầy, để lại sau đó là những giọt nước mắt tuyệt vọng trên đôi gò má gầy gò, sương gió của ba mẹ già, để lại nỗi đau đớn tột cùng cho những người yêu thương bạn, đang ngày ngày hi vọng vào bạn. “...Khi đọc được những tin nhắn này thì có lẽ con đã đi về thế giới khác, không giọng nói, không tiếng cười... Cuộc sống của con vốn chẳng có niềm vui, giờ lại rớt đại học nữa, con không dám đối diện với ngày mai. Con xin lỗi...”. Những dòng chữ cuối cùng bạn để lại cho ba mẹ mình.

Ba bạn nghẹn ngào kể lại: “Nhà chỉ có sáu sào ruộng nên hai vợ chồng tui lam lũ, tằn tiện nuôi hai anh em nó. Nghèo nhưng tài sản và niềm tự hào nhất của gia đình là hai đứa con. Vậy mà!...”.

Áp lực nghèo khó

Bản thân tôi cũng là một học sinh nghèo và ngày ngày chứng kiến bạn bè, các anh chị đi trước nên tôi rất hiểu cảm giác ấy. Với học sinh nghèo ở quê tôi, được đi học không phải dễ dàng gì, khi gia đình đang chật vật với cái ăn hằng ngày. Cuộc sống của học sinh nghèo quê tôi (mà có lẽ là dù ở đâu đi nữa), được học là một điều may mắn. Học sinh nghèo luôn chịu áp lực rất lớn, bởi vì các bạn hiểu một điều rằng “để mình được đi học như bao bạn bè khác, gia đình đã phải cực khổ như thế nào”.

Khi đã đến hạn chót nộp học phí ở trường mà trong nhà thì không có tiền, cũng không có gì để bán, hay không có ai để mượn tạm đỡ trong những lúc khó khăn ấy, cảm giác của bạn sẽ ra sao? Rồi cũng không thể tránh lúc vì thiếu tiền mà ba mẹ cãi vã nhau, gia đình lạnh vắng. Nếu bạn trong hoàn cảnh đó bạn sẽ làm thế nào?

Tôi tin ai cũng sẽ thấu hiểu cảm giác thật sự rất chán nản lúc ấy. Nhưng trên tất cả, học sinh nghèo phải cố gắng hết mình, bố mẹ đã phải đánh đổi rất lớn để chúng tôi được đi học, được đến trường. Dường như học sinh nghèo không có sự lựa chọn nào khác, nếu muốn đền đáp gia đình, muốn thay đổi cuộc đời nghèo khổ ấy, là chúng tôi “phải thi đậu đại học”. Ngày ngày trôi qua là nỗi lo, áp lực và vùi đầu bên đống sách vở.

Không đáng để đánh đổi cuộc đời

Có lần khi tôi chia sẻ khó khăn về bản thân, những gì tôi đã trải qua và khó khăn của học sinh nghèo ở quê tôi với một người bạn học xuất thân trong gia đình rất khá giả, tôi rất bất ngờ khi người bạn ấy nói với tôi rằng: “Tui ước gì có thể trải nghiệm khó khăn đó như ông nhỉ. Như thế chắc tui sẽ có nhiều động lực hơn, và cảm nhận cuộc sống tốt hơn”. Các bạn học sinh nghèo thấy đấy, khó khăn, và có lúc tôi xem đó là thiệt thòi của mình so với các bạn học sinh giàu bỗng chốc giờ trở thành một điểm mạnh, và biến tôi thành “người từng trải”.

Và bây giờ, dù bạn là một học sinh đang học rất tốt, hay là một học sinh bình thường, dù bạn được sinh ra trong một gia đình nghèo hay bạn may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả... Tất cả đều không quan trọng. Tôi muốn hỏi bạn rằng: “Nếu bạn sinh ra trong gia đình nghèo, bạn chẳng may thi rớt đại học. Đó có phải là lý do để chúng ta tự mình đánh mất cuộc đời, và vô tình kết thúc cả cuộc sống tươi đẹp đang chờ phía trước không?”.

Nói về câu chuyện người bạn trẻ, bản thân tôi vô cùng đau xót trước “bi kịch” của bạn ấy. Thật khó để tưởng tượng bố mẹ bạn ấy sẽ phải đối diện với thực tế đó như thế nào. Nhưng cùng với nỗi xót xa đó, tận đáy lòng mình, tôi cảm thấy điều đó hoàn toàn dại dột và không đáng để bạn ấy phải đánh đổi cả cuộc đời mình.

Tôi không muốn khơi dậy vết thương trong mỗi chúng ta bởi cuộc sống ai cũng muốn tràn đầy niềm vui, hạnh phúc. Nhưng tôi vẫn bắt buộc phải đưa các bạn về với một thực tại rất đau lòng hiện nay: những câu chuyện học sinh, sinh viên tự tử còn rất nhiều, và trong thực tế câu chuyện đau lòng ấy vẫn cứ tiếp diễn...

_________________

Nếu bạn có khả năng đậu đại học hay cao đẳng, trung cấp để theo đuổi niềm đam mê của mình thì đó là một điều tốt. Nhưng có một câu hỏi rất thực tế dành cho bạn...

Kỳ tới: Nếu bạn thi rớt thì sao?

ĐINH TUẤN ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên