21/03/2013 08:07 GMT+7

Giá như tôi biết điều này trước khi thi đại học - Kỳ 3:

ĐINH TUẤN ÂN
ĐINH TUẤN ÂN

TT - Đôi khi bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng: Ngành nào sau này dễ kiếm việc làm? Ngành nào mà nghe thời thượng?

VB4NRn32.jpgPhóng to
Các bạn học sinh lớp 12 ở Long Khánh (Đồng Nai) chăm chú lắng nghe những lời khuyên rất chân tình của thầy Phạm Tấn Hạ (trưởng phòng đào tạo ĐH KHXH&NV TP.HCM) trong chương trình tư vấn tuyển sinh 2013 - Ảnh: MINH ĐỨC

Kỳ 1: Giá như tôi biết điều này trước khi học đại học Kỳ 2: Chán nản trên ghế giảng đường

Còn chuyện đi tìm niềm đam mê của bạn là gì, để chọn ngành yêu thích thì tốn thời gian và vô bổ. Tôi cũng nhận ra rất nhiều bạn còn không biết mình thích điều gì và điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta cũng không biết thi ngành nào.

Nơi nào sẽ thuộc về tôi?

Mỗi bạn học sinh hãy tự vấn mình rằng: “Tôi đã dành bao nhiêu thời gian cho việc chọn ngành nghề thi đại học?”, “Tôi đã đi tìm kiếm điều mà tôi thật sự đam mê chưa?”. Thực tế bấy lâu nay bạn đang bước trên những viên đá to lớn đã được đặt sẵn để bước trên dòng sông chảy xiết. Mỗi ngày, mỗi năm trôi qua bạn chăm chỉ học, vùi đầu vào đống sách vở ở trường thật ra đơn giản cũng giống như bạn đang làm công việc tìm ra những viên đá tốt nhất đã được đặt sẵn để bạn có thể bước trên dòng sông chảy xiết ấy một cách nhanh nhất và tốt nhất. Thế nhưng khi đến cuối dòng sông là biển lớn bao la và câu hỏi đặt ra cho mỗi chúng ta rằng: “Nơi nào sẽ thuộc về tôi?”.

Câu hỏi ấy có lẽ sẽ không có ai, không có hệ thống giáo dục nào có thể đặt sẵn cho bạn ngoại trừ chính bạn đi tìm kiếm và trả lời cho chính bạn. Điều đó có nghĩa khi bạn đang đứng trước cánh cửa đại học thì không ai ngoài bạn có thể lựa chọn tương lai, trả lời giúp bạn câu hỏi: “Niềm đam mê của tôi là gì? Tôi sẽ thi ngành nào?”. Sẽ không quá lời nếu tôi bảo rằng: trả lời hai câu hỏi ấy chính là trả lời cho tương lai của bạn, trả lời cho việc bạn sống phần đời còn lại của mình với công việc mình yêu thích hay không.

Bạn dần đứng giữa hai sự lựa chọn: bỏ học và thi lại ngành bạn thích, hay bạn sẽ tiếp tục học ngành đó? Tôi nhận ra phần lớn bạn bè tôi đều cố gắng để theo đuổi sự chán nản đó, tức là tiếp tục học. Bởi lẽ chúng ta phải thừa nhận một điều chúng ta chính là niềm hi vọng của bố mẹ. Những lúc như thế, niềm hi vọng của bố mẹ bạn, sự tự hào của họ về ngành bạn đang học sẽ khiến bạn không muốn làm bố mẹ bạn thất vọng, sự e ngại thay đổi... Điều đó sẽ tiếp tục níu giữ bạn thật chặt để phải học tiếp.

Thế nhưng bấy lâu các bạn học sinh chúng ta cứ mải mê đến chuyện học ở trường và không hề quan tâm đến việc đi tìm kiếm câu trả lời cho mình. Không có gì ngạc nhiên khi mãi đến lúc bạn đang đứng trước cánh cửa đại học và vẫn bối rối rằng bạn sẽ thi ngành nào và thật sự đam mê điều gì.

Tôi không có ý định phê phán việc bạn dành thời gian học ở trường lớp bao lâu. Vì quả thật điều đó rất ngớ ngẩn. Tôi chỉ mong bản thân mỗi chúng ta hãy so sánh xem thời gian chúng ta dành cho việc hiểu chính mình, tìm hiểu niềm đam mê của chính mình như thế nào. Nếu câu trả lời của bạn là: “Tôi chưa nghĩ đến điều đó” hay “Tôi dành cho nó ít đến nỗi tôi không còn nhớ cho đến khi tôi đứng trước cánh cửa thi đại học” thì bạn cũng đừng nên ngạc nhiên vì sao bạn vẫn đang bối rối khi chọn ngành.

Bạn cứ thử tưởng tượng sẽ như thế nào nếu mỗi sáng thức dậy bạn phải làm công việc mà bạn không thích, mỗi tối đi ngủ bạn bị ám ảnh bởi nó và cứ thế ngày qua ngày trong cuộc đời của bạn? Điều đó thật tồi tệ.

Hãy nhìn lại điều mà bạn hay thế hệ đàn anh, đàn chị lâu nay vẫn quan tâm khi chọn ngành thi đại học là gì? Có phải vì niềm đam mê của bản thân? Trong thực tế, chúng ta thường đặt lên trên cả việc mình yêu thích hay đam mê với những lý do có vẻ thuyết phục như: ngành đó sau này dễ kiếm việc làm, ngành đó lương cao, hay ngành đó do ba mẹ bạn chọn, ngành đó hiện nay đang “hot”, ngành đó nhiều bạn bè thi nên thi luôn cho vui...

Tất cả những điều đó đều nói lên rằng chúng ta chưa nhận thức được tầm quan trọng thật sự của việc chọn ngành nghề thi đại học. Dường như bấy lâu nay chúng ta mang trong mình niềm tin như một điều hiển nhiên, chỉ cần cầm được tấm bằng đại học là thấy ổn rồi: “Làm gì thì làm nhưng phải có cái bằng đại học trước đã”.

Rồi sẽ ra sao?

Khi bạn đậu đại học danh giá với một ngành mà bạn và gia đình, những người thân thiết của bạn đều cảm thấy tự hào, hãnh diện vì bạn. Thế nhưng bạn nhận ra bạn không thích ngành bạn đang học. Thực tế bạn phải đối mặt như thế nào?

Sự tự hào, sĩ diện của bạn và người thân như một liều thuốc giảm đau giúp bạn vượt qua khó khăn trong thời gian đầu tiên. Thế nhưng liều thuốc đó rồi cũng dần dần không còn tác dụng gì nữa, bởi căn bệnh gốc của bạn là không thích ngành bạn đang học.

Bạn sẽ cảm thấy chán nản, gượng ép, mọi thứ đối với bạn thật nặng nề. Những giờ học trên giảng đường đối với bạn như những giờ tra tấn khi bạn cố ép mình: “Hãy học đi! Học đi! Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi!”. Điều đó cũng giống như khi bạn đang tìm hiểu về người bạn đời tương lai của bạn và bạn dần dần nhận ra bạn không hề yêu, nhưng bạn vẫn cố gắng tự an ủi chính bạn rằng: “Hãy tìm hiểu đi! Hãy tìm hiểu đi! Rồi mình sẽ yêu thôi”. Như thực tế đến với nhiều người bạn của tôi, bạn dần sẽ học được cái tính “kiên nhẫn để tiếp tục chán nản” và luôn tự vỗ về bạn học tiếp. Tất nhiên, cũng sẽ đến lúc bạn nhận ra và tự thú nhận với chính bạn rằng: “Thật khổ sở khi học một ngành mà mình không thích”. Bạn sẽ cảm thấy mọi thứ thật tệ hại.

Điều tồi tệ hơn, dần dần cái tính tự tin của bạn một thời đã “bốc hơi”, thay vào đó là sự tự ti, chán nản chiếm trọn tâm hồn, chiếm trọn trái tim nhiệt huyết của một sinh viên như bạn. Tôi cũng cho bạn biết không phải lúc nào mọi thứ cũng đều thậm tệ đến thế.

Bởi bạn sẽ gặp những người bạn xung quanh mình cũng chán nản, cũng đang khổ sở với thực tế trên giảng đường và bạn sẽ tìm thấy được niềm vui đồng cảm để tiếp tục kiên nhẫn khi cùng họ đổ lỗi cho giảng viên, đổ lỗi cho môn học, trường học. Bạn dần dần cũng học cách tự ti về bản thân, bạn đang bị biến thành một con vẹt đáng thương từ sai lầm khi mỗi ngày bạn phải cố gắng tự ép bản thân nhồi nhét vào đầu điều bạn không hề yêu thích.

Lúc này, sau những năm trên giảng đường, bạn sẽ trở thành một người có kinh nghiệm “kiên nhẫn để tiếp tục chán nản” một cách đáng nể. Bạn nghĩ thời gian khổ sở, chán nản, tệ hại trên giảng đường đại học đã qua, thế nhưng tất cả chỉ là sự khởi đầu cho một tương lai tối tăm nếu bạn không thay đổi. Tương lai bạn sẽ cầm trên tay tấm bằng đại học và mang theo kiến thức bạn cố gắng nhồi nhét một cách chán nản đi làm.

Và điều đó sẽ trở lại với bạn khi bạn bắt đầu sống với công việc - “vị hôn thê” của mình, và có lẽ sự “kiên nhẫn để tiếp tục chán nản” của bạn sẽ giúp bạn chịu đựng và sống phần đời còn lại với “vị hôn thê” mà bạn không hề yêu.

Nếu bạn không tỉnh táo ngay từ bây giờ thì tương lai ấy sẽ là bạn.

_______________

Mọi chuyện bỗng như khựng lại khi người bạn bảo với tôi: “Mày có nghe chuyện thằng nhỏ học trường L tự tử không?”.

Kỳ tới: “Chạy trốn” thất bại

ĐINH TUẤN ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên