09/10/2015 10:20 GMT+7

Cách chăm sóc trẻ mùa dịch bệnh

LÊ THANH HÀ ghi (lethanhha@tuoitre.com.vn)
LÊ THANH HÀ ghi (lethanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Hiện có ba loại bệnh đang xảy ra nhiều ở trẻ nhỏ là: bệnh đường hô hấp, sốt xuất huyết và tay chân miệng. Làm sao để trẻ không bị các bệnh này? Nếu trẻ mắc bệnh, phải chăm sóc thế nào?

Các bệnh nhi bị tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. TP.HCM        - Ảnh: T.T.D.
Các bệnh nhi bị tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - hướng dẫn: để trẻ không bị các bệnh này, người chăm sóc trẻ luôn rửa tay sạch sẽ, đặc biệt khi ra ngoài về thì phải rửa tay, thay quần áo rồi mới ẵm bồng chăm sóc trẻ.

Hầu hết trẻ mắc các bệnh kể trên chỉ cần điều trị tại nhà và đa số tự khỏi. Chỉ một tỉ lệ nhỏ có biến chứng nặng cần nhập viện điều trị kịp thời.

1. Bệnh đường hô hấp

Bệnh đường hô hấp đang xảy ra rất nhiều ở trẻ nhỏ và thường kéo dài. Trẻ bị bệnh đường hô hấp dễ bị biến chứng, bội nhiễm do vi trùng, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Để phòng bệnh, trẻ cần được bú đủ, ngủ đủ. Nếu thiếu ngủ, ăn không đủ, sức đề kháng giảm khiến trẻ dễ mắc bệnh.

Trong sinh hoạt bình thường, phải tránh nóng, tránh lạnh cho trẻ. Nếu nóng quá bé ngủ không được cũng dễ sinh bệnh, lạnh quá cũng không tốt. Khi trẻ mới sổ mũi phải nhỏ mũi liền. Khi người lớn bị bệnh cần mang khẩu trang, rửa tay khi chăm sóc trẻ.

Với thời tiết hiện nay, trẻ mắc bệnh đường hô hấp nên hạn chế ra ngoài đường nếu không thật sự cần thiết. Với trẻ dưới 3-4 tháng tuổi, mùa này không nên cho tiếp xúc với người lớn nhiều, rất dễ bệnh. Trẻ lớn hơn, khi ra đường cần mang khẩu trang tránh bụi, khói, không khí lạnh.

Cho trẻ uống đủ nước để thông đàm, tiêu đàm, nếu không đàm sẽ bị khô làm bệnh trẻ nặng thêm. Cha mẹ cố gắng theo dõi nhịp thở và cách thở của trẻ. Nếu thấy trẻ thở nhanh, ngực thở co lõm bất thường, bỏ bú, cần đưa đi bệnh viện sớm. Khi trẻ nóng sốt không nên lấy khăn, mền trùm lại, không tự ý mua thuốc kháng sinh, long đờm cho trẻ uống. Không nên dùng dụng cụ rửa mũi kém vệ sinh.

2. Bệnh tay chân miệng

Luôn chăm sóc bàn tay trẻ sạch sẽ, trẻ phải được ăn sạch, uống sạch; sàn nhà nơi trẻ sinh hoạt, đi học phải lau chùi sạch sẽ... Trẻ đi học mà bị bệnh tay chân miệng phải cho nghỉ học khoảng 10 ngày. Ngoài ra, phụ huynh cần báo cho nhà trường để vệ sinh môi trường, kịp thời phát hiện ca bệnh mới, thực hiện cách ly tốt tránh lây lan bệnh cho trẻ khác.

Khi trẻ bệnh tay chân miệng, đa số sẽ tự khỏi và chỉ cần điều trị ngoại trú. Nếu thấy trẻ sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình là có nguy cơ biến chứng nặng, cần cho trẻ đến bệnh viện sớm. Phụ huynh không tự ý bôi thuốc ngoài da vào các vết bóng nước ở người trẻ vì dễ làm bội nhiễm, làm bác sĩ khó theo dõi bệnh hơn.

3. Sốt xuất huyết

Để phòng bệnh, mỗi gia đình cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày. Người dân cần tập thói quen nếu thấy trong nhà có muỗi là chắc chắn có lăng quăng ở đâu đó, cần tìm và diệt ngay. Có nhiều ổ chứa cho lăng quăng sinh sống mà người dân hay bỏ quên là những vật dụng nhỏ rải rác xung quanh nhà như chậu bông, hòn non bộ, ly nước cúng trên bàn thờ...

Khi trẻ mắc sốt xuất huyết, phải cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh vận động mạnh, cho trẻ uống nước nhiều. Thông thường, vào ngày thứ ba, ngày thứ năm trẻ dễ trở nặng nên cần theo dõi sát trẻ trong hai ngày này. Khi trẻ hạ sốt không nên chủ quan cho là trẻ lui bệnh, thật ra khi trẻ hạ sốt là lúc bệnh có thể nặng hơn, nhất là ngày thứ năm. Nếu thấy trẻ than đau bụng, than mệt, nôn ói, tay chân lạnh, xuất huyết ở mũi hay đi cầu ra máu - đó là những triệu chứng báo hiệu nặng nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Trẻ thích gì, cho ăn nấy

Theo bác sĩ Hữu Khanh, khi trẻ bệnh cần cho trẻ ăn những loại thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất dinh dưỡng sẽ mau hồi phục sức khỏe. Khi trẻ đòi ăn cái gì thì nên cho trẻ ăn cái đó để có thêm năng lượng. Vẫn nên tắm rửa bình thường vì trẻ sẽ ngứa ngáy ngủ không được càng bệnh thêm. Khi trẻ sốt quá cao, cần chú ý cho trẻ tắm nước ấm.

Nếu cho trẻ nằm phòng máy lạnh, nhiệt độ tốt nhất cho trẻ không bị bệnh là 27OC. Nếu trẻ đang sốt, gai gai người thì để 28OC. Nếu để nóng quá trẻ ngủ không được, lạnh quá trẻ bị bệnh. Nếu nằm quạt, không nên cho trẻ nằm sát đầu gần quạt, không để gió từ quạt thốc thẳng vào mặt trẻ.

L.TH.H.

Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tăng mạnh

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hiện mỗi tuần TP có 600 ca sốt xuất huyết và hơn 400 ca tay chân miệng. Số ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trong tháng 9 đều tăng cao so với tháng 8.

Trong tháng thứ 9, sốt xuất huyết tăng 39% so với tháng 8 và tử vong hai ca. Tay chân miệng tăng 110% so với tháng 8. Ngoài ra, TP cũng ghi nhận 6 chùm ca bệnh tay chân miệng trong trường học và hai chùm ca bệnh thủy đậu.

THÙY DƯƠNG

LÊ THANH HÀ ghi (lethanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên