06/02/2023 15:57 GMT+7

Các vết nứt xuất hiện trong cuộc đua xây dựng ở dãy Himalaya

Hàng trăm ngôi nhà bị hư hại do sụt lún dọc các tuyến đường đang được xây dựng ở bang Uttarakhand phía bắc dãy Himalaya của Ấn Độ.

Các vết nứt xuất hiện trong cuộc đua xây dựng ở dãy Himalaya - Ảnh 1.

Ông Butola đứng nhìn những ngôi nhà bị bỏ trống do hư hại không thể ở được - Ảnh: REUTERS

Thúc đẩy xây dựng các con đường và đường sắt vào sâu dãy Himalaya, tạo điều kiện cho hàng triệu người đạo Hindu và đạo Sikh hành hương về nguồn sông Hằng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết các tuyến giao thông mới sẽ mang lại sự phát triển cho các vùng xa xôi.

“Kết nối hiện đại cũng là một sự đảm bảo cho an ninh quốc gia”, ông Modi tuyên bố.

Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp rắc rối và chính quyền địa phương buộc phải tạm dừng một số công trình trước sự phản đối của người dân bởi hàng trăm ngôi nhà bị hư hại do sụt lún khắp các con đường.

Phóng viên Hãng tin Reuters ghi nhận thực tế dọc các tuyến đường đang xây dựng này.

Các vết nứt xuất hiện trong cuộc đua xây dựng ở dãy Himalaya - Ảnh 2.

Một đứa trẻ đứng cạnh những vết nứt trên tường nhà bà ngoại, gần Maroda, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS

Những ngôi làng tổ tiên sẽ biến mất

Một buổi sáng cách đây 18 tháng, ông Jaswant Singh Butola thức dậy và thấy những vết nứt đã lan rộng trên tường.

Nhà ông nhìn ra một tuyến đường sắt đang được xây dựng để đưa những người hành hương đến các thánh địa trên dãy Himalaya ở Ấn Độ gần biên giới với Trung Quốc.

Từ đó, các vết nứt ngày càng rộng ra. Nhìn cây cột treo lủng lẳng trên tường, ông Butola, 55 tuổi, lo sợ rằng mình sẽ sớm phải rời bỏ Maroda, ngôi làng mà gia đình ông gọi là "cha truyền con nối".

“Đó là ngôi làng cổ, ngôi làng tổ tiên của chúng tôi", ông nói và nhìn chằm chằm vào công việc đào đắp đường sắt từ ngôi nhà xiêu vẹo của mình, xung quanh là những ngôi nhà đổ nát khác. “Đây là sự tận diệt”.

Các vết nứt xuất hiện trong cuộc đua xây dựng ở dãy Himalaya - Ảnh 3.

Cửa sổ bị vỡ và vết nứt bên trong một trung tâm thể thao, ảnh chụp tại Jaypee ngày 15-1-2023 - Ảnh: REUTERS

Phát triển khu vực này là một phần trong chiến lược đã nêu của chính quyền ông Modi, nhằm tái khẳng định sự hiện diện của Ấn Độ dọc biên giới phần lớn chưa được phân định ranh giới với Trung Quốc.

Một phần trong số đó đang bị tranh chấp và đã xảy ra các cuộc giao tranh quân sự những năm gần đây.

Các tòa nhà và đất bên dưới các ngôi nhà đã bị suy yếu - các nhà địa chất, người dân và quan chức cho biết - do quá trình xây dựng nhanh chóng ở vùng núi vốn không ổn định về mặt địa chất.

Văn phòng của bộ trưởng Uttarakhand và người phát ngôn của chính phủ liên bang không trả lời các yêu cầu bình luận về câu chuyện này.

Trong một chuyến đi vào tháng 1, phóng viên Reuters đã ghi nhận thiệt hại ở Maroda cùng 5 thị trấn và làng mạc khác gần tuyến đường sắt trị giá 2 tỉ USD và dự án đường cao tốc kết nối trị giá 1,5 tỉ USD.

Cả hai đều được đặt tên theo tuyến đường hành hương Char Dham.

Tại làng Maroda, thẩm phán quận cho biết trong một thông báo bằng văn bản với người dân: Công ty xây dựng của Bộ Đường sắt, RVNL, sẽ bồi thường cho dân làng bằng cách mua thêm đất bị ảnh hưởng bởi sụt lún.

Các vết nứt xuất hiện trong cuộc đua xây dựng ở dãy Himalaya - Ảnh 5.

Dự án thủy điện Tapovan-Vishnugandh 520mW đang diễn ra tại Tapovan, gần Joshimath - Ảnh: REUTERS

“Chúng ta sống trong rủi ro”

Ông Piyoosh Rautela, giám đốc điều hành của cơ quan quản lý thảm họa bang Uttarakhand, nói với Reuters kế hoạch xây dựng khu dân cư kém là nguyên nhân dẫn đến sụt lún ở các thị trấn.

Tuy nhiên, làng Maroda hầu như không phát triển hoặc thay đổi trong nhiều thập kỷ cho đến khi các kỹ sư đường sắt tiếp cận cụm nhà vào năm 2021. Họ bắt đầu xẻ đá bằng máy móc hạng nặng để chuẩn bị đào hầm, 9 cư dân nói với Reuters.

Tám trong số các gia đình lân cận ông Butola hiện đã rời làng bởi nhà họ đều nứt toác.

“Cả đêm công việc diễn ra bên dưới đường sắt và xi măng từ trần nhà, tường nhà cứ rơi xuống. Chúng tôi sống trong rất nhiều rủi ro”, một cư dân làng Munni Devi cho biết. “Mọi người sẽ không tồn tại ở đây nữa. Chỉ còn lại những con đường mới được làm”.

Các vết nứt xuất hiện trong cuộc đua xây dựng ở dãy Himalaya - Ảnh 6.

Chiếc máy xúc dọn đá hai bên quốc lộ trước khi mở rộng đường, cách Joshimath, Ấn Độ khoảng 30km - Ảnh: REUTERS

Tình hình ở bang Uttarakhand đã thu hút sự chú ý của cả nước Ấn Độ vào tháng 1, sau khi các vết nứt phát triển ở hơn 800 ngôi nhà thuộc thị trấn Joshimath, xa hơn về vùng núi có ngôi làng Maroda và cách biên giới với Trung Quốc 100km.

Xây cầu đường sắt trên dãy HimalayaXây cầu đường sắt trên dãy Himalaya

Cần biết - Các kỹ sư Ấn Độ đang làm việc khẩn trương trên núi Himalaya để xây dựng một cây cầu đường sắt cao nhất thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên