Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long ngày 21-12.
Điện Kính Thiên là danh dự quốc gia?
So với hội nghị một năm trước, các ý kiến tại hội nghị năm nay hầu hết nghiêng về ủng hộ việc phục dựng điện Kính Thiên, từ các nhà khoa học tới các chuyên gia của UNESCO, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Duy nhất một ý kiến trong hội nghị của TS Nguyễn Viết Chức - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - phát biểu "không ủng hộ việc vội phục dựng điện Kính Thiên".
Lý do là "khi muốn đề cao giá trị này, có thể phải hy sinh giá trị khác; cụ thể muốn phục dựng điện Kính Thiên thì phải hạ giải nhà Cục tác chiến và nhà Pháo binh".
Trong khi đó, ông Chức nhấn mạnh Hoàng thành Thăng Long là di sản lịch sử cách mạng, không chỉ có cung vua phủ chúa mà còn có những tòa nhà Pháp gắn với hoạt động của bộ chỉ huy quân sự của ta trong kháng chiến chống Mỹ.
Còn lại các ý kiến trong hội nghị đều đồng thuận cần phục dựng điện Kính Thiên cho dù phải hạ giải hai tòa nhà Pháp.
PGS.TS Phạm Mai Hùng - nguyên giám đốc Bảo tảng Lịch sử quốc gia Việt Nam - nói việc phục dựng điện Kính Thiên chính là nguyện vọng của công dân thủ đô và cả nước.
GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - thì gay gắt hơn, nhấn mạnh "việc khôi phục không gian điện Kính Thiên là danh dự, trách nhiệm của chúng ta, nếu không làm được là chúng ta có tội với quốc gia, dân tộc, với con cháu".
Ông Ngọc khẳng định điện Kính Thiên là biểu tượng quốc gia dân tộc Việt Nam, là bộ mặt của đất nước, là danh dự quốc gia, chứ không phải tòa nhà Cục tác chiến hay nhà Pháo binh. Thậm chí nhà Pháo binh do người Pháp xây dựng chính là đang "đè lên tổ tiên của chúng ta".
Ông Ngọc kết luận "bằng mọi giá phải khôi phục điện Kính Thiên". Ông cũng phản biện những người cho rằng chúng ta chưa có mấy hiểu biết về điện Kính Thiên, bởi "cả một thế hệ" đã nghiên cứu điện này.
Đã thuyết phục được các chuyên gia UNESCO
Bà Phạm Thị Thanh Hường - quyền trưởng Văn phòng UNESCO Hà Nội - đánh giá những kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm nay và từ năm 2011 đến nay là rất lớn, tạo ra cơ sở đề xuất một tầm nhìn tổng thể hơn cho toàn bộ trục chính tâm Hoàng thành Thăng Long.
Bà Hường nói những kết quả khảo cổ học mới đây giúp các nhà khoa học có cơ sở và niềm tin để mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị với "các yếu tố mang tính chất rào cản". Cụ thể bà Hương nói đến hai tòa nhà Pháp.
"Các chuyên gia của UNESCO cũng nhận định trong báo cáo kết thúc chuyến công tác tư vấn gần đây, rằng nhà Pháo binh và nhà Cục tác chiến tạo ra sự cản trở du khách có được cảm quan đầy đủ về không gian toàn vẹn của khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long, một phần cản trở cộng đồng thực hành nghi lễ tại khu vực không gian thiêng này", bà Hường nói.
Theo chuyên gia này, những bước tiến trong nghiên cứu, khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long đã thuyết phục được về mặt khoa học các cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO rằng các tòa nhà kia là "yếu tố mang tính chất rào cản".
Hiện UNESCO đang yêu cầu Hà Nội báo cáo kế hoạch chi tiết, phương án xử lý với những rào cản đó.
Ông Trần Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - cũng tán đồng quan điểm rằng những kết quả khảo cổ mới được nghiên cứu giúp các cơ quan liên quan có thêm cơ sở để quyết định hạ giải hay không hạ giải nhà Cục tác chiến và nhà Rồng (nhà Pháo binh).
Câu trả lời tưởng rất rõ ràng, khi kết quả nghiên cứu khảo cổ cho thấy giá trị lịch sử của những tòa nhà này "lép vế" hơn hẳn những tầng văn hóa của cha ông ta đang bị vùi dưới nền đất sâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận