08/09/2022 18:25 GMT+7

20 năm giải mã Hoàng thành Thăng Long: từ ‘đống gạch vỡ’ tới di sản thế giới

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Các nhà khoa học còn nhớ, những cuộc khai quật khảo cổ học đầu tiên ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long, một số người đã cho rằng nó là ‘đống gạch vỡ’. Gần 10 năm sau nó được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới.

20 năm giải mã Hoàng thành Thăng Long: từ ‘đống gạch vỡ’ tới di sản thế giới - Ảnh 1.

Nhóm du khách miền Nam tham quan Hoàng thành Thăng Long ngày 8-9 - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngày 8-9, các nhà sử học, khảo cổ học trong nước và quốc tế đã tham gia hội thảo khoa học quốc tế 20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội tại chính di tích này.

Hội thảo cho thấy thành quả nghiên cứu rất lớn của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế trong 20 năm qua để giải mã Hoàng thành Thăng Long - một di tích rất độc đáo, thể hiện sự nối tiếp, liên tục trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, trung tâm chính trị quan trọng bậc nhất trong hệ thống các kinh đô của Việt Nam, nơi hội tụ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc ta qua hàng ngàn năm lịch sử.

Là nhà khoa học trẻ phát biểu tại hội thảo, TS Phạm Lê Huy (Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết ông rất xúc động khi nhìn thấy thành quả nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này trong 20 năm qua, từ một di tích trước đây được đánh giá là "đống gạch vỡ" đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Ông Huy nhấn mạnh đây không phải công lao của cá nhân riêng rẽ mà là nỗ lực của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu và cả các nhà ngoại giao, nhà chính trị, trong đó có những người đã không còn nữa như GS Phan Huy Lê, TS khảo cổ Nguyễn Tiến Đông.

20 năm giải mã Hoàng thành Thăng Long: từ ‘đống gạch vỡ’ tới di sản thế giới - Ảnh 2.

Cảnh thăm dò khai quật đầu tiên tại di tích Hoàng thành Thăng Long - Ảnh tư liệu được trưng bày tại hội thảo

TS Phạm Lê Huy góp ý kiến nêu nhiều hướng nghiên cứu di tích này trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh ngoài nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là tập trung nghiên cứu về thời Lê, phục dựng điện Kính Thiên, thì cũng cần tiếp tục nghiên cứu các giai đoạn khác ở di tích này như nghiên cứu thời Lý - Trần, di tích hành cung Long Thiên thời Nguyễn, thời kỳ tiền Thăng Long (thời Tùy Đường), hay thời thuộc Minh.

Ông Huy cho rằng tuy thời Tùy Đường, thuộc Minh là những giai đoạn chúng ta chịu sự đô hộ của nước ngoài, ít được nghiên cứu, nhưng đó vẫn là giai đoạn lịch sử mang tính cơ hữu của di tích này, giúp chúng ta làm rõ tính chất liên tục của di tích - điều mà UNESCO đánh giá cao nhất ở di tích này.

Ông Huy cũng đặt hy vọng thời gian sắp tới Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình 3D về di tích này để người dân bình thường cũng có thể tiếp cận, hình dung về di tích hơn, bởi tới nay vẫn có không ít người chỉ nhìn di tích vô giá này như "đống gạch vỡ" ở các hố khai quật.

Ngày mai, 9-9, hội thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tối 31-7-2010 theo giờ địa phương, tức rạng sáng ngày 1-8-2010 theo giờ Việt Nam, tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới ở Brasilia, thủ đô của Brazil, di tích khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

Trước đó, di tích khảo cổ đặc biệt này đã được phát hiện tình cờ khi khai quật khảo cổ trước khi xây dựng Nhà Quốc hội vào năm 2002.

Các kết quả khai quật từ năm 2002 đến 2004 đã phát lộ dấu tích kiến trúc cung điện cùng vô số loại hình hiện vật phong phú và đa dạng của Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.

Phát hiện quan trọng này đã minh chứng sinh động cho lịch sử Hà Nội và lịch sử kinh thành Thăng Long khoảng 1.300 năm từ các thời kỳ tiền Thăng Long qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn và thành Hà Nội thời Nguyễn.

Tháng 10-2003, Bộ Chính trị đã quyết định hoãn xây dựng tòa nhà Quốc hội mới tại Quảng trường Ba Đình. Tháng 6-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận nhất trí chủ trương bảo tồn lâu dài toàn bộ khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu.

Nhận xét về Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, bà Irana Bokova, tổng giám đốc UNESCO giai đoạn 2009 - 2017, nói: "Rất ít nước trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1.000 năm trước mà không bị mai một theo thời gian. Tôi rất ngưỡng mộ các bạn vì điều này".

Hà Nội sắp có bảo tàng khảo cổ ngoài trời trị giá 33 triệu USD Hà Nội sắp có bảo tàng khảo cổ ngoài trời trị giá 33 triệu USD

TTO - Bảo tàng khảo cổ ngoài trời trị giá 792 tỉ đồng (khoảng 33 triệu USD) sẽ được xây dựng ở khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, thuộc di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, hoàn thành vào năm 2025.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên