Bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, cùng các du khách treo cá chép, chuông, khánh bằng đất nung lên cây nêu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Đây là các nghi thức được thực hiện mỗi dịp tết đến, xuân về với tên gọi "Tống cựu nghinh tân" trong nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long.
Những nghi lễ này có ý nghĩa tiễn năm cũ qua đi và đón năm mới đang đến. Theo tục lệ xưa, các gia đình chỉ được tiến hành nghi lễ này tại tư gia khi nghi lễ tại hoàng cung đã kết thúc.
Trong vài năm trở lại đây, nghi lễ này đã được tái hiện nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đầu tiên, đoàn rước hành lễ tại khu vực thềm điện Kính Thiên trước khi thực hành lễ phất thức - mang ý nghĩa kết thúc năm làm việc.
Lễ phất thức - kết thúc một năm được thực hiện trước điện Kính Thiên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Nghi thức thả cá chép trong lễ ông Công ông Táo được chuẩn bị kỹ lưỡng, đoàn rước ăn mặc chỉnh tề trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp. Năm con cá chép đỏ được đựng trong chậu bằng đồng thau, sau khi làm lễ cúng được rước ra sông cổ tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu để phóng sinh.
Chia sẻ về nghi lễ truyền thống ý nghĩa này, PGS.TS Đặng Văn Bài, phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho biết: "Theo truyền thuyết dân gian, các ông Công ông Táo cưỡi cá chép về trời, tâu với thiên đình về những việc xảy ra dưới dân gian, truyền tải những mong muốn của người dân đến với Ngọc Hoàng.
Đây là một phong tục rất đẹp. Bên cạnh đó, việc chúng ta thả cá chép vào nước còn mang ý nghĩa phóng sinh, khuyến khích con người yêu thiên nhiên, yêu động vật".
Cá chép được rước và thả tại sông cổ thuộc khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Sau khi tiễn ông Công ông Táo về trời, đoàn rước trở về khu vực Đoan Môn tái hiện việc dựng cây Nêu ngày tết. Theo quan niệm dân gian, cây nêu được dựng nên để đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, đồng thời tập tục này còn mang ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi.
Ngoài ra, trong suốt thời gian Tết Nguyên đán, chương trình Tết Việt với chủ đề "Nét bút ngày xuân" cũng diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động văn hóa giúp du khách có cơ hội được tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Việc dựng cây nêu tại Hoàng thành Thăng Long ngoài ý nghĩa dân gian giúp xua đuổi ma quỷ, còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Không gian cử hành lễ phất thức trước điện Kính Thiên - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tất cả các thành viên đoàn rước đều phải ăn mặc chỉnh tề, đoàn rước di chuyển đến sông cổ để thả cá chép - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Hình tượng cá chép, chuông, khánh, đồng tiền bằng đất nung được treo lên cây nêu thay cho những ước nguyện của người dân trong năm mới - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận