Nâng cao chất lượng chuyên môn ở bệnh viện công lập để thu hút, giữ chân đội ngũ y bác sĩ. Trong ảnh: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai lần đầu thực hiện ca mổ tim hở - Ảnh: A LỘC
Thời gian gần đây, tình trạng "chảy máu chất xám" tại các bệnh viện công lập trên địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước diễn ra phức tạp với hàng trăm bác sĩ, dược sĩ xin nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện, phòng khám tư nhân với mức lương cao hơn.
Đáng chú ý, trong số các bác sĩ đã nghỉ việc thời gian qua, có một số bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh, giữ chức vụ trưởng, phó khoa. Việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ y bác sĩ các bệnh viện công lập.
15 tháng, 125 bác sĩ nghỉ việc
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Phước, thời gian qua, toàn tỉnh có 23 bác sĩ nghỉ việc. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa tương xứng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu thực hành y khoa, môi trường công tác chưa thuận lợi, đặc biệt thu nhập quá thấp.
Vừa nghỉ việc tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước chuyển sang làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở thị xã Đồng Xoài, bác sĩ N.C.C. (46 tuổi), cho biết: "Tôi về Bệnh viện đa khoa Bình Phước công tác từ những ngày đầu bệnh viện thành lập (năm 1997) nhưng vừa rồi tôi quyết định nghỉ việc và đã được giải quyết theo nguyện vong.
Trước khi xin nghỉ tôi đã đắn đo, suy nghĩ cả năm trời. Cuối cùng, tôi phải đi đến quyết định rời đi bởi thu nhập quá thấp, cuộc sống quá khó khăn".
Cũng theo bác sĩ C., sau gần 20 năm công tác tại bệnh viện, lương hàng tháng ông nhận được chỉ gần 6 triệu đồng, cộng thêm tiền độc hại cũng chỉ được gần 7,1 triệu đồng, trong khi phải nuôi hai con ăn học.
"Cũng như nhiều bác sĩ khác, thời điểm tôi về Bình Phước công tác được lãnh đạo tỉnh hứa hẹn được ưu đãi mua đất, chỉ phải góp một khoản tiền nhỏ, để xây nhà nhưng gần 20 năm vẫn chưa chẳng thấy gì. Giờ ra ngoài bệnh viện tư làm việc mặc dù có gò bó hơn nhưng thu nhập tăng gấp đôi nên cuộc sống tương đối ổn", bác sĩ C. giãi bày.
Hiện nguồn nhân lực ngành y tế tỉnh Bình Phước chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Trong ảnh: Đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Bình Phước - Ảnh: NHẤT NGUYÊN
Cũng theo Sở Y tế Bình Phước việc thu hút nguồn nhân lực gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2016 đến nay, sở chỉ tuyển được 21 bác sĩ, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng lên tới 146 bác sĩ.
Tại Đồng Nai, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận tổng cộng 108 bác sĩ, dược sĩ nghỉ việc tại các cơ sở y tế trực thuộc sở. Trong đó, có 7 bác sĩ chuyên khoa 1 (CKI), 18 bác sĩ chuyên khoa 2 (CKII), 4 thạc sĩ bác sĩ, 73 bác sĩ. Riêng 3 tháng đầu năm 2018 có 22 bác sĩ nghỉ việc.
Trong số các bệnh viện "nhảy việc" nhiều nhất ở Đồng Nai là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với 23 bác sĩ nghỉ việc trong năm 2017, tiếp đến là Bệnh viện đa khoa Đồng Nai với 18 trường hợp.
Theo bác sĩ Phạm Văn Dũng - giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai, nguyên nhân chính các bác sĩ nghỉ việc là do "đồng lương thấp quá", số ít chuyển công tác do theo gia đình.
"Từ đầu năm 2017 đến nay bệnh viện thu hút khoảng chục bác sĩ về làm việc, nhưng cũng chưa đủ. Hiện bệnh viện đang cố gắng sao cho đảm bảo lương tốt hơn xíu, động viên về các mặt, tạo môi trường làm việc tốt hơn, tạo điều kiện chuyên môn tốt hơn để giữ chân y bác sĩ yên tâm ở lại làm việc", bác sĩ Dũng nói.
Trong khi đó, bác sĩ Ngô Đức Tuấn, giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết lượng bác sĩ nghỉ việc đa phần là các bác sĩ trẻ, hợp đồng ngắn ngày, do hoàn cảnh khó khăn nên muốn chuyển ra bệnh viện ngoài công lập với mức lương tốt hơn.
Lý giải về việc bác sĩ chuyển từ bệnh viện công lập ra ngoài công lập, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, cho biết nguyên nhân sâu xa thì có nhiều nguyên nhân nhưng cái chính vẫn là thu nhập. Một bác sĩ công lập chỉ có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng trong khi hệ thống ngoài công lập lương 20-50 triệu/tháng.
Cần giải pháp tổng thể để giữ chân bác sĩ công lập
Theo bác sĩ Vũ, mặc dù làm việc ở các bệnh viện, phòng khám ngoài công lập mức lương có cao hơn, giải quyết vấn đề trước mắt nhưng về lâu dài không có sự thăng tiến nghề nghiệp, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến. Điều kiện làm việc trong công lập lập tốt hơn rất nhiều.
Bác sĩ Vũ nhận định Đồng Nai hiện đang trong giai đoạn đầu của công cuộc dịch chuyển từ công sang tư với sự bùng lên của các bệnh viện, phòng khám đa khoa ngoài công lập. Tuy nhiên, chừng vài năm nữa các bệnh viện này sẽ bảo hoà, tình trạng bác sĩ dịch chuyển sẽ không còn.
Cũng theo bác sĩ Vũ, muốn giữ chân, thu hút bác sĩ ở lại bệnh viện công lập cần phải có một chính sách tổng thể, không thể manh mún rời rạc như đảm bảo chính sách thu hút các vùng miền khác, chính sách đào tạo phù hợp, cơ chế thích ứng…
"Đối với những bác sĩ làm việc ở trạm y tế xã phải đặc biệt hơn. Ngoài chính sách thu hút về y tế xã có thể có những chương trình khác như cấp đất xây nhà thì về lâu về dài, tuyến y tế cơ sở mới hùng mạnh được. Khi lực lượng bác sĩ đông đủ rồi, mình có đi công tác từ tuyến tỉnh, huyện về tuyến xã để phục vụ có thời hạn", bác sĩ Vũ đề xuất.
Tương tự, bác sĩ Tuấn khẳng định việc dịch chuyển trên không ảnh hưởng nhiều đến bệnh viện do bệnh viện hoạt động theo hình thức công – tư phối hợp. Những bác sĩ khó khăn có nhu cầu tăng thu nhập sẽ được tạo điều kiện sang bên dịch vụ làm việc để đảm bảo ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để giữ chân lâu dài đội ngũ y bác sĩ giỏi, bệnh viện đang tiếp tục phát triển các khoa, chuyên môn kỹ thuật cao, mở thêm khám dịch vụ khoa nhi… giúp bác sĩ có thêm thu nhập, yên tâm công tác.
Trong khi đó, Sở Y tế tỉnh Bình Phước kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần có chế độ, chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ về địa phương làm việc, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm các trang thiết bị, máy móc cho ngành y.
Bên cạnh đó, sửa đổi quy chế tuyển chọn cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng. Lãnh đạo trung tâm y tế các huyện, thị cũng kiến nghị cần giao quyền tự chủ thực hiện dịch vụ y tế để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên cũng như từng bước nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh của y tế tuyến cơ sở.
"Để có nguồn cung bền vững cần thiết phải có trường đào tạo bác sĩ trên địa bàn. Cụ thể, Đồng Nai có hơn 3 triệu dân nhưng chưa có trường về y khoa. Hiện các tỉnh miền Tây dân số thấp hơn nhưng có trường đào tạo bác sĩ từ lâu, còn ở đây nguồn lực phụ thuộc vào TP.HCM trong khi không cung cấp đủ bác sĩ cho cả miền Nam.
Do đó, tỉnh có kế hoạch sát nhập Trường CĐ Y tế Đồng Nai vào Trường ĐH Đồng Nai để đủ điều kiện đào tạo bác sĩ. Chẳng hạn, mỗi năm đào tạo cung cấp khoảng 50 bác sĩ sẽ làm việc ở Đồng Nai, khi đó sẽ có nguồn lực để đào tạo, chuyển giao thay thế đội ngũ bác sĩ về hưu", bác sĩ Phan Huy Anh Vũ – phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận