19/10/2017 09:43 GMT+7

Lo chảy máu chất xám ở công viên khoa học

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Theo chuyên gia, việc cải thiện các hoạt động khoa học, công nghệ tại TP.HCM là yếu tố thiết yếu với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Lo chảy máu chất xám ở công viên khoa học - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM vào tháng 8-2015 - Ảnh: D.PHAN

Sau 5 năm, TP.HCM lại đăng cai tổ chức hội nghị thường niên Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á. Năm nay, hội nghị sẽ xoay quanh chủ đề "Công viên khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia".

Trong quan điểm của GS David Ogden Dapice (ĐH Harvard, Mỹ) - chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, TP.HCM đang nằm trong nhóm 1/4 cuối cùng về xếp hạng kinh tế (trong số 120 thành phố trên thế giới), và dự đoán thành phố vẫn thuộc nhóm đó cho tới... năm 2025! 

Theo GS Dapice, để tạo thêm sức hấp dẫn cho thành phố, cần có một cơ chế tài chính tốt hơn và sử dụng công nghệ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc cải thiện các hoạt động khoa học, công nghệ tại TP.HCM là yếu tố thiết yếu với sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Quan tâm tới vai trò và tương lai của công viên khoa học trong hợp tác với các cộng đồng địa phương, GS Duck Ryul Hong của ĐH Daegu (Hàn Quốc) cho rằng mặc dù ông đồng tình với quan điểm nên tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - 4.0 tập trung vào tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT)..., nhưng ông cũng như nhiều học giả khác tin rằng ý nghĩa đích thực của cuộc cách mạng này sẽ chỉ đạt được khi sự tiến bộ xã hội được hỗ trợ trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và giáo dục.

Theo GS Duck Ryul Hong: "Công viên khoa học, vốn đã phát triển, trở thành một vị thế vững chắc trong khu vực" sẽ "chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tốt nhất", thông qua việc tập trung vào quá trình tạo ra những giá trị tương lai, dựa trên tính cạnh tranh khu vực. 

Nói theo vị giáo sư Hàn Quốc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gắn liền với những từ khóa như "thông minh" và "kết nối".

Quan sát 37 năm phát triển của các công viên khoa học ở Đài Loan, TS Yeong Junaq Wang - tổng giám đốc Công viên khoa học Tân Trúc - cũng chia sẻ về những thách thức mà các công viên khoa học ở Đài Loan đang đối mặt. 

Theo đó, do sự thay đổi liên tục của môi trường toàn cầu, những biến động bên ngoài và cả xu thế gia tăng toàn cầu hóa, các nguồn lực và tài năng chất xám cũng có sự luân chuyển linh hoạt, dễ dàng hơn. Vì vậy, các công viên khoa học đang đối mặt với vấn đề chảy máu chất xám, thiếu hụt năng lực nghiên cứu và phát triển.

Hội nghị thường niên của Hiệp hội các khu công viên khoa học châu Á (ASPA) lần thứ 21 diễn ra từ ngày 19 đến 21-10 tại TP.HCM, với sự tham gia của 400 đại biểu, trong đó có 90 đại biểu đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đây là lần thứ 2 TP.HCM đăng cai hội nghị thường niên ASPA với sự tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Tại hội nghị sẽ có 28 tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước, trình bày ở phiên toàn thể và 5 phiên song song.

Trong tháng 10, lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ được tổ chức vào sáng 29-10, tại Nhà văn hóa Lao động Khu công nghệ cao.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên