20/04/2018 11:27 GMT+7

Cà phê trộn pin: Càng nghĩ càng thấy 'đắng lòng'

LƯU ĐÌNH LONG
LƯU ĐÌNH LONG

TTO - Hơn 1.000 phản hồi của bạn đọc về sự việc cà phê nhuộm pin bày tỏ nỗi bức xúc với kiểu làm ăn táng tận lương tâm này, đồng thời đòi hỏi luật pháp phải xử nghiêm hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm độc hại.

Cà phê trộn pin: Càng nghĩ càng thấy đắng lòng - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng bắt quả tang tại cơ sở sản xuất cà phê bột từ "phụ gia" pin Con Ó - Ảnh: C.A.

Tôi là một "tín đồ" của cà phê, vì mỗi ngày đều dùng, không chỉ là thói quen hay với mục đích chống cơn buồn ngủ, để làm việc tập trung hơn mà còn là để thưởng thức. Thật thú vị khi pha một tách cà phê phin, nhìn những giọt đen sóng sánh nhỏ xuống chiếc ly trong và nhâm nhi đọc một tờ báo...

Thời buổi kinh doanh trên mạng phát triển nhờ mạng xã hội, người người nhà nhà bán hàng online, trong đó có cà phê. Những quảng cáo như cà phê ngon, sạch từ xứ sở cà phê Đắk Lắk, Đắk Nông; cà phê nhà làm hay người quen sản xuất... cũng được nhiều người chọn mua với niềm tin: người bán ở xứ đó, quen biết thì sẽ làm đúng như cam kết. 

Tôi cũng hay mua cà phê qua kênh người quen được bảo đảm "nhà làm, rang thủ công, sạch...". Tất nhiên, vẫn là niềm tin dành cho nhau chứ làm sao có thể kiểm tra hết được, nên uống cứ uống.

Đến những ngày gần đây, cả nước lại dậy sóng vì có người sản xuất cà phê bột từ vỏ cà phê trộn pin. 

Người không uống cà phê bức xúc vì cách làm ăn bất chấp, độc ác vì không nghĩ tới tính mạng, sức khỏe người khác thì những "tín đồ" cà phê như tôi còn thêm phần lo lắng vì biết đâu trong những ly cà phê mình uống đâu đó dọc đường có nguồn gốc từ chính cơ sở được phát hiện vừa rồi.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi còn bao nhiêu chỗ làm cà phê không sạch và độc như thế, đã đưa vào thị trường bao nhiêu rồi? 

Ở Sài Gòn thì nhạy bén trong thay đổi thức uống theo hướng lựa chọn an toàn hơn nhưng nhiều vùng quê xa xôi khác, khi công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm không được thường xuyên, sâu sát thì những mẻ cà phê bẩn, độc đó sẽ hại biết bao nhiêu người? Càng nghĩ, càng thấy "đắng lòng"!

Và cứ mỗi vụ việc như thế được phát hiện lại bào mòn lòng tin của người tiêu dùng, cũng là phá đi sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp, cơ sở làm ăn chân chính. Trong câu chuyện này, nhiều người đề nghị xử những kẻ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, độc hại tội giết người hàng loạt. 

Đó là câu chuyện pháp lý, nhưng có một điều cũng phải đặt ra nữa - với cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm - là tại sao lại để cho những sản phẩm kiểu như cà phê từ pin, từ bắp và chất tạo bọt lọt ra thị trường một cách dễ dàng như vậy?

Vấn đề thực phẩm sạch và thuốc trị bệnh chất lượng - liên quan đến dân sinh, an ninh sức khỏe - chưa bao giờ ngừng nóng và cũng là vấn đề cần phải được làm tới nơi tới chốn, thường xuyên trên cả hai phương diện: quản lý lẫn thói quen tiêu dùng.

Khi đi đâu cũng thấy người bán treo bảng "sản phẩm chính hiệu", "sản phẩm sạch" thì lúc đó đồng nghĩa với những sản phẩm giả danh, sản phẩm bẩn, độc hại vẫn mỗi ngày mỗi trôi nổi trên thị trường, vào từng bữa ăn, thức uống của gia đình mỗi người. 

Ly cà phê khi đó không chỉ đắng như bản chất của thức uống này mà còn là nỗi ngậm ngùi vì lo lắng, vì những bản tin bên ly cà phê luôn có vị đắng của cái ác trong hoạt động kinh doanh.

Phải xử phạt nghiêm khắc

* Nhà sản xuất pin khuyến cáo không được bỏ pin thải loại vào thùng rác mà phải gom và xử lý công nghiệp, nghĩa là các hóa chất trong viên pin rất độc hại cho môi trường và sức khỏe. Thế mà có người lại dùng chất bột đen trong viên pin trộn vào cà phê cho đồng bào mình uống thì thật không còn gì để nói. Luật pháp cần có khung hình phạt thật nghiêm khắc để ngăn chặn những kẻ làm ăn táng tận lương tâm như thế này. (Nguyễn Việt Anh)

* Chừng nào chưa quy tội những kẻ làm thực phẩm giả là hành vi hủy hoại nòi giống và hủy hoại sức khỏe cộng đồng để xử lý hình sự ở mức cao nhất thì chừng đó tội phạm kiểu này không bao giờ giảm. Các nhà làm luật hãy cứu lấy dân tộc này trước khi quá muộn đi. Một thế hệ bệnh tật thì chẳng thể nào giúp đất nước đi lên được. (Trần Hiếu)

* Mong luật pháp hãy trừng phạt những hành vi sản xuất vô đạo đức, táng tận lương tâm như thế này. Hằng ngày tôi và nhiều người vẫn dùng cà phê dù biết có nhiều cơ sở rang xay bằng các hạt và hương liệu hóa chất, nhưng dùng bột pin nhuộm cà phê thì vô cùng độc hại. (An Thịnh)

* Nhiều người sản xuất hàng gian, hàng giả vì luật xử chưa mạnh tay thôi. Hãy xử từ 20 năm đến chung thân, tử hình thì mới mong làm cho người có ý định làm ăn bất chính kiểu này chùn tay. (Thu Đông)

* Trong khi rất nhiều người cật lực chăm sóc, vun vén và tạo dựng hình ảnh cà phê Việt Nam vươn ra thế giới thì lại có người chỉ vì lợi ích cá nhân mà phá hoại hình ảnh này, thật không thể chấp nhận được. Cà phê lại là thứ rất gần gũi và quen thuộc với rất nhiều người, nếu không có hình phạt nặng và đủ răn đe thì ai biết được sẽ còn bao nhiêu vụ việc tương tự như vậy nữa. (Đỗ Phúc Trình)

Làm sao để diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng? Xử lý bằng cách nào để đủ sức răn đe? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Đằng sau cà phê trộn pin là sự... thờ ơ? Đằng sau cà phê trộn pin là sự... thờ ơ?

TTO - Theo bạn đọc Khánh Hưng chính sự thờ ơ từ cả ba phía: người sản xuất, nhà quản lý và chính mỗi người chúng ta đã tiếp tay cho thực phẩm bẩn. Dưới đây là góc nhìn của anh gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

LƯU ĐÌNH LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên