22/08/2016 10:32 GMT+7

​Bớt gánh nặng cho dân

MINH LUẬN
MINH LUẬN

TTO - Một bạn đọc ở Cần Thơ than thở: “Bây giờ cứ ra khỏi thành phố là phải qua trạm thu phí, đi ngã nào cũng không thoát”.

Còn bạn đọc ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết ở đây có sáu ngã đường để đi ra khỏi Biên Hòa thì đường nào cũng dính trạm thu phí. 

Vì vậy, không ít người thấy lạ khi Bình Dương chủ trương làm đường không thu phí (Tuổi Trẻ ngày 20-8).

Một bạn đọc ở Cần Thơ than thở: “Bây giờ cứ ra khỏi thành phố là phải qua trạm thu phí, đi ngã nào cũng không thoát”.

Còn bạn đọc ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết ở đây có sáu ngã đường để đi ra khỏi Biên Hòa thì đường nào cũng dính trạm thu phí. Vì vậy, không ít người thấy lạ khi Bình Dương chủ trương làm đường không thu phí (Tuổi Trẻ ngày 20-8).

Bình Dương đã xóa sổ các trạm thu phí bằng cách mua lại của các chủ đầu tư BOT và chuyển đổi đầu tư một số dự án từ thu phí sang không thu phí.

Với quyết định này, trạm thu phí An Phú (đường ĐT743) bị xóa sổ, còn dự án đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, đường ĐT746, ĐT747B sẽ không thu phí khi đưa vào hoạt động.

Cách làm của Bình Dương là điểm sáng nhưng nhân rộng thế nào còn tùy thuộc vào túi tiền của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nó cũng gợi lên cho mọi người suy nghĩ và cũng là yêu cầu cho các bộ ngành và địa phương, đó là nếu chưa làm được như Bình Dương cũng phải làm gì đó để bớt đi gánh nặng cho dân khi lưu thông trên đường, không thể làm hạ tầng theo hình thức BOT bằng mọi giá.

Muốn vậy, phải thay đổi cách thức về tính toán suất đầu tư, lập dự án và huy động vốn theo hướng thị trường, quản lý chặt tổng mức đầu tư, đúng giá thành xây dựng, từ đó có mức thu hợp lý, vừa với túi tiền người dân.

Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là chủ trương đúng trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp.

Nhưng đừng để người dân khi ra đường phải kêu ca, than phiền do việc quy hoạch các dự án BOT thiếu tầm nhìn, triển khai không minh bạch trong đấu thầu...

Chưa kể, nhiều dự án BOT chỉ nhìn trước mắt chứ chưa có quy hoạch vùng nên mới có chuyện trạm thu phí ra sau chồng lên trạm ra trước.

Quốc lộ 1 từ TP.HCM đi Trảng Bom (Đồng Nai), chỉ khoảng 50km nhưng có đến 3 trạm thu phí, trong khi quy định các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km.

Có lý do để người ta ví BOT giao thông như “chùm khế ngọt” đầy hấp dẫn được chi trả bằng túi tiền người dân như nhiều dự án chỉ “tân trang” những con đường sẵn có thành đường BOT.

Hàng loạt tuyến đường huyết mạch được Nhà nước xây dựng nhưng do thiếu kinh phí phải tạm dừng đã được doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp, sau đó thu phí đến vài chục năm...

Những tồn tại trong thực hiện các dự án BOT giao thông đã được chỉ ra. Nhưng điều mà người dân trông chờ là việc khắc phục những tồn tại đó để bớt gánh nặng khi ra đường.

Việc giảm phí ở một số tuyến đường BOT chỉ là giải quyết chuyện đã rồi. Quan trọng hơn là phải rà soát, không để mọc thêm những dự án BOT vượt quá khả năng chi trả của người dân.

Đừng để người dân đi trên những con đường tốt nhưng phải than: BOT như chiếc bánh có hai phần ngọt - đắng, phần ngọt nhà đầu tư hưởng còn phần đắng dân “ôm”.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải, các địa phương cũng nên rà soát lại các dự án giao thông và túi tiền của mình để có thêm những tuyến đường miễn phí cho người dân nhờ. Bình Dương làm được, sao nơi khác thì không?

MINH LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên