Thực trạng quản không được thì cấm diễn ra lâu nay ở nhiều lĩnh vực. Lệnh cấm đôi khi bị "lạm dụng" và được coi như "bảo bối" giúp cơ quan chức năng "dễ thở" hơn trong quản lý.
Thậm chí trước đây có những ý tưởng cấm đã phải dừng lại khi nhận nhiều áp lực từ dư luận như cấm "ngực lép lái xe", cấm mua nhầm mũ bảo hiểm dỏm, cấm xe biển số chẵn đi ngày chẵn và biển số lẻ đi ngày lẻ, cấm đi xe không chính chủ...
Dù vậy, lệnh cấm vẫn tràn lan trong nhiều lĩnh vực.
Bài học từ Uber và Grab
Các chuyên gia luôn nhắc bài học cách đây nhiều năm khi các ứng dụng công nghệ như Uber, Grab bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam và nhận được sự đón nhận của người dân bởi sự tiện lợi và giá cả minh bạch mà nó mang lại. Tuy nhiên, các tài xế xe truyền thống lại phản đối bởi không cạnh tranh được về giá, dịch vụ phục vụ...
Nhiều địa phương đã tìm các cách để quản lý các loại xe công nghệ này. Không tìm được giải pháp, có thời điểm một số địa phương đã đối xử rất khó khăn, thậm chí ban hành các lệnh cấm tạm thời cũng như hạn chế hoạt động với xe công nghệ.
Lý do được đưa ra là nếu không quản lý được sự gia tăng của loại hình mới này thì tốt nhất là cấm. Tuy nhiên, mệnh lệnh cấm không nhận được sự đồng tình của người dân. Sau một thời gian, nhận thấy rõ phải quản lý loại hình này nên các địa phương đã dần điều chỉnh lại chính sách.
Thay vì cấm đoán, các địa phương ban hành các chính sách mới như yêu cầu các ứng dụng phải đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tài xế.
Bà Nguyễn Minh Thảo - trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) - cho rằng quan điểm "không quản được thì cấm" dù không mới nhưng vẫn cần tiếp tục nhắc lại để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Từ bài học xe công nghệ, bà Thảo bày tỏ sự sốt ruột khi các lĩnh vực mà Việt Nam đang thu hút đầu tư như công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới, phần mềm, ngành bán dẫn... song hiện vẫn chưa thực sự có đầy đủ cơ sở pháp lý. Trong khi đây là những lĩnh vực xu hướng có tính thời điểm, nếu không tận dụng sẽ có thể lỡ nhịp để tạo ra sự thay đổi đột phá.
Đơn cử như các mô hình mới như fintech, sandbox hay những cơ chế thí điểm như kinh tế tuần hoàn... dù đã được nêu ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản liên quan được ban hành, làm khung pháp lý cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Theo bà Thảo, nhiều chính sách hiện nay không thống nhất là khá phổ biến, dẫn tới vướng mắc trong thực thi. Có những văn bản pháp luật vừa ban hành xong phải sửa đổi do không thể thực hiện, đặt ra yêu cầu về chất lượng văn bản. Hệ thống pháp luật cũng còn mâu thuẫn, chồng chéo đan xen nhiều lĩnh vực quản lý. Đặc biệt trong lĩnh vực quy hoạch, đấu thầu, xây dựng, đất đai...
Thực tế này cho thấy việc xây dựng văn bản đang thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên để đảm bảo văn bản đó đồng bộ trong thực hiện.
Chưa kể việc tham vấn, tiếp thu giải trình, lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng có liên quan cũng là yêu cầu đặt ra về trách nhiệm giải trình và minh bạch công khai. Thực trạng này làm cho việc thực thi quy định pháp luật còn vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp và người dân.
"Có nhiều vấn đề lớn hơn cần đặt ra trong thay đổi tư duy cải cách lập pháp và thể chế nói chung. Các xu hướng, mô hình phát triển mới rất cần có các chính sách mới để nuôi dưỡng và tạo cơ hội cho các mô hình kinh doanh mới phát triển, thay vì cấm vận hành. Cơ chế quản lý cũng cần phải thích ứng với các mô hình kinh doanh mới, đòi hỏi hệ thống pháp luật mới linh hoạt hơn, chấp nhận những rủi ro nhất định", bà Thảo nói.
Nhiều quy định chồng lấn, xung đột
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay dù cải cách thể chế vừa qua đã mang lại hiệu quả nhất định nhưng trên thực tế triển khai còn nhiều chồng lấn, xung đột, là rào cản và gây nên sự trì trệ trong phát triển.
Đây là rào cản khiến cho việc huy động nguồn lực đầu tư tư nhân kém hiệu quả, khi chưa tạo dựng được lòng tin của người dân và doanh nghiệp.
Vì vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhìn nhận thông điệp chỉ đạo của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, chấm dứt tình trạng không quản được thì cấm sẽ có vai trò quan trọng để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn kinh doanh và khơi thông các nguồn lực của đất nước.
Từ thực tiễn của địa phương, ông Đồng nhìn nhận tư duy "không quản được thì cấm" không chỉ dừng lại ở các văn bản mang tính cấm đoán, hạn chế việc kinh doanh mà những chính sách, thủ tục phức tạp, chồng chéo không được tháo gỡ kịp thời cũng là lực cản phát triển.
Ông Đồng ví dụ vấn đề đang rất thời sự mà nhiều địa phương quan tâm là triển khai thi hành các luật về đất đai, bất động sản, nhà ở, đấu thầu. Do quy định cũ còn chồng lấn nên khi thực thi các luật mới tạo ra khoảng trống pháp lý khi chưa có hướng dẫn đầy đủ kịp thời, chưa phân cấp phân quyền mạnh mẽ để địa phương chủ động.
Vì vậy, những quy định rất cần sớm được ban hành như xây dựng bảng giá đất mới vẫn gặp nhiều khó khăn. Thực tế này khiến cho việc thu hút đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu thực hiện dự án bị ách tắc, trong khi đất đai lãng phí và địa phương thất thu ngân sách.
Hay tương tự như việc cấp phép chủ trương đầu tư, doanh nghiệp cũng kêu rất nhiều về thủ tục, giấy phép con như xây dựng, quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, đất đai, đánh giá tác động môi trường... Đây vẫn được xem là "rừng thủ tục", dù đi một cửa nhưng phải qua nhiều ngõ ngách, gây mất thời gian khi thực hiện dự án.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay tình trạng không quản được thì cấm trở thành hiện tượng tương đối phổ biến trên các địa bàn khác nhau, thậm chí các bộ, ngành còn đưa vào quy định ở các dự luật. Việc này gây ra tác hại với xã hội, khi dự định cấm cái không tốt nhưng đưa vào dự luật cấm chung như vậy lại ảnh hưởng tới cả cái tốt.
Ông Nghĩa ví dụ như việc sử dụng vỉa hè thì luật pháp đã quy định rất rõ ràng nhưng không quản lý được dẫn đến vi phạm tràn lan. Trong vi phạm này, chính quyền cấp xã/phường, quận/huyện nhìn thấy rõ ràng nhất.
Các bãi giữ xe vi phạm, các hàng quán bày bừa trên vỉa hè, thậm chí xuống lòng đường, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông.
"Nếu chỉ đưa ra quy định chung về cấm vỉa hè sẽ không ổn. Bởi ở nhiều quốc gia, kể cả các đô thị lớn ở Mỹ hay Pháp, có những vỉa hè tuyệt đối không cho bày bán nhưng có vỉa hè lại cho. Tuy cho nhưng phải quản lý được như vệ sinh, không được ảnh hưởng tới người khác, thậm chí phải đóng một khoản kinh phí nào đó", ông Nghĩa phân tích.
Ông Nghĩa cho rằng tư duy cấm do không quản được chính là thể hiện dù thuộc chức trách nhưng do nhiều lý do không quản được, dẫn đến tràn lan, từ đó ra lệnh cấm không hợp lý. Do vậy, yêu cầu của Tổng Bí thư về bỏ tư duy không quản được thì cấm là chính xác. Thêm vào đó, tư tưởng này thể hiện xây dựng Nhà nước pháp quyền trong đó người dân được làm những điều pháp luật không cấm.
"Nói như vậy không có nghĩa Nhà nước buông lỏng quản lý. Ở đây, người dân được làm và Nhà nước phải tổ chức quản lý làm sao để người dân thực thi quyền được làm nhưng không ảnh hưởng lợi ích công cộng, những người khác, không gây ra điều tiêu cực", ông Nghĩa nêu.
PGS.TS VÕ TRÍ HẢO (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - VIAC):
Nếu lệnh cấm là giải pháp tối ưu mới cấm
Lệnh cấm ít nhiều đều có tính hợp lý, vì nó hướng tới bảo vệ một số lợi ích chính đáng nhất định. Và khi đưa ra dự thảo lệnh cấm, cơ quan soạn thảo dùng các lý do này để thuyết phục lãnh đạo chấp thuận ban lệnh cấm.
Tuy nhiên lệnh cấm của Nhà nước không tự nó đi vào cuộc sống. Muốn đưa lệnh cấm vào cuộc sống cần phải có cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử phạt... Các cơ chế này đều đòi hỏi tăng thêm nhân lực, công cụ hỗ trợ, thiết bị kiểm tra... Tất cả chi phí này đều được đưa vào ngân sách và có nguồn gốc từ tiền thuế của nhân dân.
Nhìn rộng hơn, trong nền kinh tế thị trường cần sự đa dạng, cạnh tranh, có những lệnh cấm nếu không cân nhắc kỹ sẽ cản trở sự phát triển và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nền kinh tế thị trường phải đa dạng, cạnh tranh.
Một nguyên tắc căn bản của pháp luật sinh ra là bảo vệ quyền tự do của công dân, cho nên việc cấm một hành vi nào đó không phải vì Nhà nước không quản được mà phải đặt quyền lợi về tính mạng, sức khỏe khỏe cộng đồng, của những người dân lên trên hết.
Chính vì vậy khi đặt vấn để cấm hay cắt giảm đi quyền tự do của một cá nhân phải nhắm mục đích cao nhất là bảo vệ quyền của cộng đồng và của nhiều người khác. Như vậy trước khi cấm phải trả lời được giải pháp cấm có phù hợp hay không, cũng như phải chứng minh rằng để đạt được mục đích tốt đẹp có bao nhiêu phương pháp và phương pháp cấm là giải pháp tối ưu, và mức cấm như thế nào là phù hợp.
Mọi lệnh cấm phải trải qua sự thẩm định kỹ như vậy mới được chấp thuận. Nếu không xét như vậy thì sẽ có lệnh cấm rất tùy tiện, chỉ do ý thức cá nhân.
Những lệnh cấm bị dư luận phản ứng mạnh
- Cấm bán bia vỉa hè.
- Cấm bán bia trong môi trường nhiệt độ trên 30oC.
- Cấm "ngực lép lái xe".
- Cấm mua nhầm mũ bảo hiểm dỏm.
- Cấm xe biển số chẵn đi ngày chẵn và biển số lẻ đi ngày lẻ.
- Cấm đi xe không chính chủ...
Tạo sự phát triển ổn định
Cùng nhắc đến bài học xe công nghệ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng trong tư duy lập pháp cần phải giải quyết tốt nhất mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và quan hệ xã hội. Tức là Nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, xã hội làm những việc gì.
Trong phân vai chức năng - nhiệm vụ, Nhà nước cần quản lý bằng công cụ pháp luật và chính sách. Như vậy, Nhà nước chỉ đứng ra làm bà đỡ nhằm quản lý, thúc đẩy, khắc phục những khiếm khuyết của doanh nghiệp và xã hội.
"Việc các địa phương nhận thức rõ và tìm ra sự cân bằng giữa xe truyền thống và xe công nghệ đã giúp giải quyết các mâu thuẫn, bất cập, tạo sự phát triển ổn định. Đến nay, sự phát triển của các loại hình xe công nghệ trên thị trường đã cho thấy rõ.
Đây chính là bài học để nhìn vào và ứng phó với thực tế hiện nay, khi công nghệ ngày càng phát triển, các mô hình, loại hình mới ra đời và thay đổi liên tục.
Chúng ta phải có các ứng xử phù hợp, chuyển hướng và thúc đẩy hoạt động tích cực thay vì đưa ra các biện pháp cực đoan làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp, người dân, xã hội", ông Nghĩa nêu.
Luật cho phép nhưng không thực hiện
Cũng có những vấn đề dù luật cho phép nhưng không được thực thi cũng chẳng khác gì bị cấm. Điển hình như việc liên quan vấn đề đặt cược bóng đá quốc, đua chó, đua ngựa dù luật cho phép và Chính phủ đã có nghị định ban hành từ năm 2017 cho phép kinh doanh, nhưng đến nay, sau 7 năm, vẫn chưa được triển khai thực hiện do nhiều vướng mắc. Dẫn đến tình trạng cá cược bất hợp pháp, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói rõ ràng đây là vấn đề không ổn, bất cập trong tổ chức thực thi pháp luật. "Hiện nay tất cả mới chỉ nằm trên bàn giấy còn chưa thể tổ chức thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Đây là điểm rất bất cập.
Thực tế chúng ta không cho đua, không cho cá cược bóng đá quốc tế thì họ vẫn cá cược. Khi không cho mà vẫn cá cược là bất hợp pháp và phải xử lý, thậm chí xử lý hình sự", ông Hòa nêu.
Theo ông Hòa, rõ ràng ở đây quản lý được, đã có các quy định nhưng lại chưa tổ chức thực hiện để quản lý là điều không ổn và cũng phần nào đó cho thấy tư duy không quản được thì cấm. Do vậy, ông Hòa nêu rõ các cơ quan quản lý cần sớm xem xét, có giải pháp xử lý việc này.
Ông chỉ rõ ở đây có nhu cầu thực sự và doanh nghiệp làm được thì phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện theo quy định tổ chức đua chó, đua ngựa, cá độ bóng đá quốc tế. Khi họ làm theo đúng pháp luật thì chúng ta mới có thể quản lý và quan trọng hơn là có khoản thu thuế vào ngân sách nhà nước.
Còn hiện nay do không làm nên nguồn thu vào túi một số người hay chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.
Ông Hòa đề xuất Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên tổ chức đấu thầu, thậm chí có thể chỉ định cho doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện thí điểm cá cược bóng đá, đua chó, đua ngựa.
Sau đó rút kinh nghiệm thực hiện. Còn cứ nêu do vướng chỗ nọ chỗ kia rồi chờ đợi doanh nghiệp đăng ký sẽ rất lãng phí, mất cơ hội, thời cơ, mất tiền bạc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận