Việc các công ty xổ số kiến thiết không cho đại lý, người bán dạo bán online phải chăng là quá cứng nhắc và lạc hậu?
Tiện lợi cả người bán lẫn người mua
Theo Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để bán vé, thanh toán qua ứng dụng công nghệ. Vé người bán giữ hộ, khi trúng thưởng mới giao vé hoặc thanh toán tiền trúng thưởng.
Hội đồng cho rằng phương thức phân phối này vi phạm quy định thông tư 75 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoạt động kinh doanh xổ số. Do đó hội đồng này đề nghị các đại lý, người bán vé số không lên mạng bán vé số kể từ ngày 24-8.
Quy định này ngay lập tức nhận được những ý kiến phản đối từ phía người bán (đại lý, người bán dạo) lẫn người mua vé số bởi vô lý và không hợp xu hướng phát triển của công nghệ.
Chủ một đại lý vé số ở Sóc Trăng cho hay việc bán vé số online phát triển mạnh nhất kể từ khi COVID-19 lan rộng, các biện pháp cách ly được đưa ra.
Khi đó, những người bán vé số cầm tay không tiếp cận được với khách hàng mua vé số trực tiếp nên những đại lý phải bán vé qua mạng để đảm bảo tránh tiếp xúc trực tiếp và duy trì hoạt động, đạt doanh thu 70 - 80% như lúc bình thường.
Nếu không có sự linh động này của đại lý và người bán thì doanh thu của các công ty vé số đã giảm rất mạnh trong thời gian COVID-19.
"Lúc đó sao các công ty xổ số khu vực miền Nam không vào cuộc để can thiệp, giờ người ta lập được thị trường thì nhảy vào cấm cản?", chủ đại lý này đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ông Q. (ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cho hay cũng đã thay đổi thói quen mua vé số online thay vì mua trực tiếp vì có thể lựa chọn được những tờ vé số ưng ý.
"Không phải thấy ai đăng bán vé số trên Zalo, Facebook là mua đâu. Mua cũng phải chọn đại lý quen có uy tín mới mua, trước giờ cũng chưa xảy ra rắc rối gì", ông Q. giải thích.
Chủ một đại lý vé số cấp 2 tại Cần Thơ cho biết mỗi ngày tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tờ vé số, trong đó phần lớn giao cho đại lý cấp 3 và người bán dạo. Đại lý chỉ để lại 1.200 - 1.500 tờ để bán online cho khách quen.
"Lúc trước bán online thì tầm 7-8h sáng là hết vé, nhưng từ khi cấm đến giờ thì phần bán online không bán được, vé còn buộc lòng ngồi bán đến trưa hoặc chia ra cho người bán dạo bán tiếp", ông này nói.
Ông N.T.N. (ngụ TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết đã bán vé số online nhiều năm nhưng trước đây phương thức này chưa phát triển rầm rộ nên các công ty không siết.
Nay nhiều người bán online các đầu số đẹp, những khi trời mưa gió thì việc bán online rất hiệu quả cho vấn đề giải cứu vé số.
"Bán online cũng chỉ bán cho khách quen biết, tui thấy đây là chuyện bình thường, chỉ khác hình thức bán thôi, nên cho dân bán để bớt khổ", ông N. kiến nghị.
Không quản được là cấm?
Ông Lê Thanh Hải - chủ tịch Công ty TNHH Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau, cho biết đây là quy định của Bộ Tài chính về việc kinh doanh xổ số kiến thiết truyền thống.
"Quy định này góp phần ngăn chặn nhiều trường hợp phát sinh tranh chấp không đáng có xảy ra khi mua vé số qua mạng", ông Hải giải thích.
Ông Hải cũng cho biết thời gian tới sẽ tăng cường quản lý, nhắc nhở các đại lý việc cho trả lại vé số ế và siết chặt quản lý việc bán vé số online. Nếu đại lý nào vi phạm sẽ xem xét để xử lý và thậm chí cắt hợp đồng đối với đại lý không tuân thủ quy tắc.
Không đồng tình với quy định này, chị Tâm (người bán vé số dạo ở TP Cà Mau) góp ý là không nên cấm bán vé số online mà nên quy định rõ là mỗi tờ vé số bán cho một người nên ghi tên và số căn cước công dân người mua vào tờ vé số.
"Nếu quản lý được như vậy sẽ tránh được tình trạng một tờ vé số bán cho nhiều người, cũng góp phần giúp người bán vé số dạo bớt khổ hơn", chị Tâm cho hay.
Trong khi đó, giám đốc một công ty xổ số kiến thiết khu vực miền Nam (đề nghị không nêu tên) nhắc lại rằng quy định cấm bán vé số online có hiệu lực từ năm 2013, nhưng đến nay môi trường kinh doanh đã khác nên theo ông cũng cần có thay đổi.
"Hiện nay Bộ Tài chính cấm, công ty cũng chỉ biết chấp hành. Khi nào có sửa đổi, công ty sẽ thực hiện theo", vị giám đốc này cho hay.
TS Trần Khắc Tâm, nguyên đại biểu Quốc hội (tỉnh Sóc Trăng), cho rằng việc cấm đại lý và người bán vé số dạo bán vé qua online là hết sức phi lý. Mua bán vé số do hai bên tự thỏa thuận, nếu có phát sinh tranh chấp hay kiện tụng thì xử theo luật dân sự.
"Thời buổi công nghệ phát triển, bán ký ổi hay ly trà sữa, tô hủ tiếu... đều online được. Chúng ta phải thích ứng với xu thế phát triển chung, tìm cách quản lý hiệu quả chứ không phải cái gì quản lý không được thì cấm. Những quy định không còn phù hợp thì nên mạnh dạn sửa đổi thôi", ông Tâm kiến nghị.
Bán vé số online tranh chấp vẫn xử lý được
Theo TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế, các công ty xổ số kiến thiết và các đại lý đang thực hiện theo quy định của thông tư 75 Bộ Tài chính ban hành năm 2013, trong đó có quy định vé số truyền thống không được phát hành và bán qua các hình thức khác ngoài hình thức bán trực tiếp.
Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên không thể so sánh với các mặt hàng khác vì sao được rao bán trên mạng, còn vé số truyền thống lại không.
Theo ông Hiệp, các công ty xổ số kiến thiết cũng cần kiểm tra, giám sát lĩnh vực mua bán vé số qua online. "Nhiều ý kiến lo ngại xảy ra tranh chấp giữa bên bán và bên mua. Tuy nhiên nếu có xảy ra tranh chấp, vẫn xử lý được", ông Hiệp nhấn mạnh.
Nhiều bạn đọc không đồng tình
Sau khi thông tin cấm bán vé số online được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online, tòa soạn đã nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc, phần lớn trong đó cho rằng quy định không hợp lý, quản không được thì cấm là lạc hậu.
Bạn Nam Nguyen bình luận: "Thật vô lý, tại sao mọi thứ đều có thể rao bán qua mạng mà vé số thì cấm. Cấm theo văn bản luật nào? Nếu không có luật nào cấm thì phải cho phép, vì đó chỉ là giao dịch dân sự".
Bạn Huỳnh: "Đáng lẽ ra Nhà nước phải tạo điều kiện mới đúng". Bạn có nickname Thật: "Đáng lẽ nên yêu cầu quy định là khi bán online nên ghi tên, CMND người mua vào mặt sau và chụp hình gửi họ mới đúng... Ai lại chặn đường mưu sinh của họ?".
Bạn đọc Johny: "Hàng hóa cho bán online được lại cấm vé số, không nghĩ ra được lý do là gì. Lo bị lừa thì đã có pháp luật chế tài, mà lừa đảo thì bán hàng nào cũng có thể bị chứ có phải mỗi vé số là bị đâu. Tôi không thấy có lý do thuyết phục".
Bạn đọc Thành: "Đúng ra nên đưa ra luật quy định để quản lý người mua và người bán để không bị tranh chấp sau này, chứ ai lại không biết cách quản lý thì đi cấm người ta. Khi mua bán người ta có quyền thực hiện trên kênh mua bán nào thuận tiện nhất. Vietlott giờ dùng tin nhắn rồi mà".
Tuy nhiên, cũng có bạn đọc thông cảm cho quy định của các công ty xổ số. Bạn Quốc nói: "Các bạn có biết hệ lụy là gì không? Công ty xổ số sợ tranh chấp giữa người bán với người mua".
Bạn đọc tên Hương lý giải: "Rồi 1 vé bán cho 4-5 người, lúc đó trúng độc đắc rồi đợi tòa xử tranh chấp, cuối cùng thiệt hại vẫn là người mua. Nên thôi, ngăn ngừa từ trước".
Thông tư 75 nói gì?
Theo Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, có một số cá nhân sử dụng mạng xã hội để bán vé, thanh toán qua ứng dụng công nghệ, vé người bán giữ hộ, khi trúng thưởng mới giao vé hoặc thanh toán tiền trúng thưởng.
Phương thức phân phối này vi phạm quy định tại khoản 2 điều 12 của thông tư 75 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số.
Theo đó, các sản phẩm xổ số truyền thống không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, Internet và phương tiện viễn thông khác.
Cụ thể, điều 12 thông tư 75 ban hành ngày 4-6-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số quy định về phân phối vé xổ số như sau:
1. Tổ chức phát hành vé xổ số thực hiện phân phối các sản phẩm xổ số theo quy định tại điều 6 thông tư này tới khách hàng theo các phương thức sau:
a) Bán trực tiếp cho khách hàng;
b) Thông qua hệ thống đại lý xổ số theo quy định tại thông tư này.
2. Ngoài các phương thức phân phối vé xổ số quy định tại khoản 1 điều này, các sản phẩm xổ số quy định tại điều 6 thông tư này không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, Internet và phương tiện viễn thông khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận