
Các kỹ sư lắp ráp máy bay không người lái trang bị hệ thống AI phục vụ cứu hộ, cứu nạn, sản xuất nông nghiệp tại Công ty Real - time Robottics Việt Nam (TP Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Nghị quyết của Quốc hội được kỳ vọng sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ hóa các quy định pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Tại dự thảo, Chính phủ đã đề xuất giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó quy định về áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Là một nhà khoa học, giáo sư Hoàng Văn Cường (đại biểu đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình về đề xuất khoán chi và cho rằng việc này sẽ giúp các nhà khoa học không phải bận tâm trong chuyện phải thực hiện các thủ tục hành chính, lo hoàn thiện về các giấy tờ để đáp ứng các nhu cầu về quản lý.
Bởi thực chất hiện nay nhiều khi các nhà khoa học dành thời gian cho công việc hành chính còn nhiều hơn cả hoạt động nghiên cứu. "Do vậy đây là một điểm tháo gỡ nút thắt rất lớn", ông Cường nói.
Cùng với đó, ông đề nghị không chỉ giải quyết vấn đề khoán chi mà cần nghiên cứu bỏ tất cả các quy định liên quan đấu thầu trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Ví dụ như đấu thầu để chọn đề tài là hoàn toàn không phù hợp.
Nếu đấu thầu cho đề tài dẫn đến một đề tài nghiên cứu năm nay đấu thầu được, đang nghiên cứu dở dang sang năm không đấu thầu được thì đề tài đó sẽ bỏ đi. Vì vậy nên chuyển sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và khoán chi chứ không thực hiện các cơ chế đấu thầu.
Giáo sư Cường cũng bày tỏ đồng tình chính sách tăng ngân sách đầu tư cho khoa học và công nghệ, và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
"Khi nghiên cứu, chúng ta chưa thể biết được là có kết quả thu được hay không. Giống như người khai thác dầu khí có khi 10 mũi khoan may ra mới được một mũi khoan có dầu. Song dầu khí còn biết rằng khoan ra ở dưới có dầu, nhưng nghiên cứu khoa học thì chưa biết dưới đấy là gì, cho nên chấp nhận rủi ro còn nhiều hơn. Do vậy tôi cho rằng đây là một nút thắt, một lối mở rất lớn để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu", ông Cường nói.
Phần lớn nghiên cứu khoa học ở trong ngăn kéo
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết đề xuất cơ sở nghiên cứu được phép đăng ký kinh doanh; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và tổ chức quản trị theo mô hình doanh nghiệp.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí (đại biểu đoàn Hà Nội) chỉ rõ việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học rất cần thiết nhằm tạo động lực cho nghiên cứu, từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai cho đến nỗ lực để có kết quả cuối cùng. Việc này cũng tạo ra, bổ sung, bồi đắp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và đảm bảo đời sống, vị thế của nhà khoa học.
Ông Trí chỉ rõ trên thế giới, các nước giải quyết vấn đề này nhờ đẩy mạnh thương mại hóa nghiên cứu khoa học, biến kết quả nghiên cứu thành hàng hóa đặc biệt của trí tuệ. Kết quả càng sớm đưa vào thực tế cuộc sống và tạo ra của cải vật chất thì lợi ích mang lại cho cộng đồng và chính nhà khoa học càng nhiều.
Tuy nhiên tại Việt Nam, ông Trí cho rằng sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa còn quá ít, "phần lớn nghiên cứu khoa học chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc và mục nát theo thời gian".
Ông Trí đề nghị bổ sung vào nghị quyết một cách đầy đủ, hợp lý và khả thi nhất nhằm thương mại hóa cho được các kết quả, các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà cho rằng cần nhiều hơn cơ chế rút ngắn thủ tục thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ để đảm bảo đột phá thực sự so với hiện nay.
Bà đề xuất thời gian cấp bằng sáng chế phải rút ngắn tối đa xuống 3 năm, trong đó thẩm định nội dung không quá 12 tháng. Quy trình đăng ký lưu hành sản phẩm khoa học phải đơn giản hóa, rút ngắn thủ tục hành chính và cần quy định thời gian tối đa để đăng ký lưu hành sản phẩm theo lĩnh vực không quá 24 tháng.

Các sinh viên lập trình code vận hành các loại robot tại Trường đại học Bách khoa TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Chấp nhận có rủi ro, miễn trừ trách nhiệm
Nhìn ở góc độ huy động vốn cho hoạt động nghiên cứu khoa học là rất cần thiết được dự thảo nghị quyết đưa ra, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) chia sẻ bản thân cũng tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học thì thấy đến khi thanh toán các hóa đơn, chứng từ của hoạt động nghiên cứu khoa học có những khó khăn vướng mắc.
Vì vậy từ kinh nghiệm của thế giới xem rằng đây là một hoạt động đầu tư có rủi ro, ông Nam cho rằng cần có Quỹ đầu tư mạo hiểm (venture capital) để triển khai hoạt động này và khuyến khích thêm với cơ chế như miễn thuế, giảm thuế.
Ông ví dụ tại Israel tư nhân góp ba phần và là cổ đông nắm 30% vốn, Nhà nước góp bảy phần tương ứng với 70% vốn. Khi nghiên cứu khoa học này có thể thành công, cổ phần đó giá trị rất cao sẽ hài hòa lợi ích. Song nếu nghiên cứu đó không ra kết quả thì cần chia sẻ rủi ro, xác định trách nhiệm không quá nặng nề.
Do đó ông Nam kiến nghị cần nghiên cứu để bổ sung quy định để thông thoáng điều kiện khi thành lập quỹ, các hạn mức đầu tư để hoạt động theo đúng tính chất đầu tư mạo hiểm, linh hoạt và huy động đủ vốn cho hoạt động phát triển khoa học và công nghệ.
Với quy định tại dự thảo là không ghi truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro, nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định, các đại biểu đồng tình song cho rằng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đồng tình việc này và đề xuất thêm rằng cũng cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả các tổ chức và cá nhân, tức là khi làm thiệt hại đối với cả Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác.
Ví dụ như trong hợp đồng thương mại gây thiệt hại thì cũng cần phải miễn trách nhiệm sau đó có cơ chế để bù lại. Trong đó, những trường hợp được miễn trách nhiệm phải đáp ứng những tiêu chí về tính khách quan, về quy trình, thủ tục. Đồng thời cũng xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự.
Tập trung giải quyết vấn đề cấp bách

Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ robot hàn tại một cuộc triển lãm công nghệ ở TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, nghị quyết này theo hướng tập trung giải quyết vấn đề cấp bách như tăng tính tự chủ, khoán chi hoạt động khoa học công nghệ tạo đột phá, trao quyền tự chủ để không nặng nề thủ tục hành chính, giấy tờ thanh toán, tức chấp nhận nguyên tắc nghiên cứu khoa học phải có sai, chấp nhận rủi ro. Điều này tạo sự đột phá để tháo gỡ vướng mắc này.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng nghị quyết chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, tháo gỡ cho các cơ quan công lập, trong khi nghiên cứu khoa học công nghệ, đầu tư R&D và đổi mới sáng tạo diễn ra nhiều ở khu vực doanh nghiệp và đơn vị tư nhân, nên cần có cơ chế tháo gỡ đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nghị quyết này tập trung vào một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những nội dung được đưa ra đều đã rõ, có thể thực thi ngay, đánh trúng vào các điểm nghẽn kéo dài, vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Giải trình thêm về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, ông Hùng nêu rõ đây đang là điểm nghẽn lớn kéo dài. Ông nhấn mạnh kết quả nghiên cứu phải được thương mại hóa mới góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo nghị quyết thí điểm việc cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu, để chủ động việc thương mại hóa ngay sau khi kết thúc nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp.
"Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà. Vì kết quả nghiên cứu được thương mại hóa thì Nhà nước sẽ thu được thuế, tạo ra công ăn việc làm, đất nước có trình độ khoa học công nghệ cao hơn. Đây là cách thu hồi gián tiếp của Nhà nước với các khoản chi khoa học công nghệ", ông Hùng nhấn mạnh.
Về công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Hùng đánh giá là ngành công nghiệp chiến lược. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đầy đủ tất cả các công đoạn của ngành này, trong đó khó nhất là nhà máy sản xuất, hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm chip sản xuất tại Việt Nam. Do tính chất quan trọng của dự án này đối với nhân lực công nghệ cao, nhà máy này đòi hỏi quy mô dưới 1 tỉ USD.
"Cơ sở này giống như một phòng thí nghiệm hơn là nhà máy, Nhà nước nên đầu tư toàn bộ. Nhưng để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư, Chính phủ đề xuất hỗ trợ 30% giá trị đầu tư", ông nói.

Dây chuyền sản xuất hiện đại của một doanh nghiệp dược Việt Nam - Ảnh: M.P
Các cơ chế đặc thù "cởi trói" cho khoa học và công nghệ
* Trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Chính phủ đề xuất quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn.
- Quy định viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
- Tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định. Cùng với đó, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Ưu đãi thuế cho khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
- Khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
- Nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ là thông qua quỹ. Các quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thành lập theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ và từ nhiều nguồn khác nhau...
- Áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
- Các cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ chiến lược.
* Về chuyển đổi số quốc gia
- Sử dụng ngân sách trung ương để thực hiện đầu tư xây dựng, duy trì, vận hành, bảo trì nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin quy mô quốc gia và quy mô vùng để sử dụng chung cho các cơ quan, tổ chức.
- Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia nhanh hạ tầng mạng 5G.
- Phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư.
- Cho phép thí điểm thử nghiệm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.
- Ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ.
* Ông Võ Xuân Hoài (phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC):
Tạo thuận lợi tối đa cho nhà khoa học

Việc khoán chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo hướng tới sản phẩm khoa học cuối cùng. Nhà nước sau khi đặt hàng nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu thiết kế một con chip AI thì chỉ quan tâm đến chất lượng thiết kế con chip và thời gian bàn giao sản phẩm như thế nào, còn quá trình thực hiện các bước thế nào do nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu quyết định.
Ngoài cơ chế khoán chi khoa học và công nghệ, nghị quyết 57 cũng đưa ra cơ chế vượt trội cho phép tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo có quyền tự chủ cao nhất trong tuyển dụng và trả lương cho nhà nghiên cứu.
Đồng thời cho phép xây dựng các quỹ đổi mới sáng tạo về khoa học và công nghệ. Điều này gỡ vướng cho nhiều doanh nghiệp nhà nước như Viettel, VNPT đang có quỹ R&D lên tới cả ngàn tỉ đồng/năm nhưng không thể tiêu được trong nhiều năm qua.
Một cơ chế chính sách khác nữa là chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ. Trước đây những sản phẩm nghiên cứu rất khó chuyển giao, đưa vào thương mại hóa vì không định giá được kết quả nghiên cứu là bao nhiêu tiền. Nghị quyết 57 đã tạo ra quyền chủ động, tự quyết cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số cũng có nhiều cơ chế đặc thù để phát triển các công nghệ số chiến lược như bán dẫn, AI. Điều 17 nghị quyết 57 cũng đưa ra cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp (cụ thể là Tập đoàn Viettel đầu tư một nhà máy sản xuất chip).
Đây là bước đi đột phá vì ngành chip, ngành bán dẫn rất đặc thù, luôn cần sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước trong đầu tư cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm.
* TS Phạm Hùng Tiến (chuyên gia kinh tế):
Khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trong cả khu vực tư nhân

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đưa ra yêu cầu bố trí ít nhất 3% chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển hằng năm thì cần hướng tới một đích đến rộng lớn hơn là khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trong cả khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Lâu nay việc bố trí ngân sách cho nghiên cứu khoa học và công nghệ của các bộ, ngành, viện nghiên cứu vẫn xảy ra tình trạng không tiêu hết tiền phải trả lại ngân sách.
Vì thế, ngoài việc bố trí ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học của các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học thì cần sử dụng một phần ngân sách này để khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong chính doanh nghiệp và ngành sản xuất họ đang tham gia.
Suy cho cùng hoạt động nghiên cứu khoa học là để phục vụ sự phát triển của toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính các doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Nên cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hợp tác Nhà nước và tư nhân (PPP) trong phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Như vậy các sản phẩm nghiên cứu sẽ thiết thực hơn, đồng thời khắc phục được tình trạng các bộ, ngành, viện nghiên cứu không tiêu hết tiền chi cho nghiên cứu khoa học.
Doanh nghiệp mong chính sách hỗ trợ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Phước Tống - chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh - chia sẻ mong muốn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, phê duyệt vay vốn thuận tiện và thủ tục thông thoáng hơn, không chờ có dự án đầu tư mới duyệt thì doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư, đổi mới để tăng giá trị cho sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Còn theo ông Kiều Huỳnh Sơn - tổng giám đốc Công ty TNHH máy và sản phẩm Thép Việt (Vietsteel), nếu như trước đây khi bán một dây chuyền cán thép cho đối tác ở châu Á chỉ cần ra được sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn, thì nay đối tác yêu cầu cả dây chuyền phải tự động hóa, tích hợp số liệu, tự vận hành.
Vì vậy để xuất được vào các thị trường khó tính, yêu cầu cao này cần phải nâng cao năng suất, tính tự động hóa, ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa, số hóa dữ liệu, tích hợp công nghệ mới...
Dù vậy ông Sơn cho rằng đầu tư vậy cũng chưa đủ, mà còn yêu cầu phải tích hợp được quy trình công nghệ, số hóa, quản trị dữ liệu... Do đó năm 2025 và các năm tiếp theo, Vietsteel mong muốn được hỗ trợ để tiếp tục đầu tư cho vấn đề này, khi xác định đây là con đường dài để tiến tới cung ứng các sản phẩm được ứng dụng công nghệ 4.0 với tính tự động hóa, quản trị hiện đại để tăng giá trị cho sản phẩm Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận