
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Ảnh: GIA HÂN
Sáng 17-2, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm các tập thể, cá nhân
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho hay hiện dự thảo nghị quyết mới đề cập đến chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, chuyển đổi số là quá hẹp.
Đồng thời, chưa đề cập đến việc tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ và lĩnh vực đổi mới sáng tạo.
Do đó, bà Thúy đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc nhằm thu hút nhanh chóng, mạnh mẽ các nguồn lực xã hội; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Bà cũng đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực.
Hiện nay dự thảo mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách, chưa có quy định miễn trừ trách nhiệm cho người tổ chức thực hiện chính sách như đã nêu ở trên.
Nêu ý kiến sau đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đồng tình quy định không truy cứu trách nhiệm và được miễn trừ rủi ro, nếu kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình, quy định.
"Tôi đề nghị phải nêu rõ, khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký mà không đạt được hiệu quả thì không phải trả lại kinh phí", ông Cường nêu.
Còn đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) băn khoăn vì ở đây mới chỉ quy định miễn trách nhiệm khi xảy ra thiệt hại với nhà nước.
"Cần phải miễn trách nhiệm dân sự đối với cả tổ chức, cá nhân khi làm thiệt hại cho cả nhà nước và tổ chức, cá nhân khác. Trong hợp đồng thương mại khi gây thiệt hại cũng phải miễn trách nhiệm", ông An nêu.
Ông dẫn chứng tại Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã quy định rõ việc miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra thiệt hại với cả nhà nước và tổ chức, cá nhân. Quy định như vậy sẽ bao quát được hết.
Về việc có miễn trách nhiệm hình sự không?, đại biểu An cho hay Bộ luật Hình sự đã nêu và giao trách nhiệm cho tòa án.
Song khi làm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã có đề xuất nội dung này nhưng tòa án chưa đồng ý.
"Tôi đề nghị cần có cơ chế miễn trách nhiệm hình sự với cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học nếu đáp ứng được các tiêu chí khách quan về quy trình thủ tục. Nếu không miễn, người nghiên cứu khoa học sẽ rất rủi ro.
Cùng với miễn trách nhiệm dân sự cần miễn trách nhiệm hình sự. Cần nghiên cứu nội dung này. Đây là nghị quyết thí điểm nên đặt vấn đề và tạo nền quy định trong các luật tiếp theo", ông An nói thêm.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Ảnh: GIA HÂN
Gỡ khó về cuộc sống cho người nghiên cứu khoa học
Giáo sư Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói dự thảo chưa quy định đậm nét về cơ chế chính sách để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
Ông nói đây là nội dung rất cần thiết, vì sẽ tạo ra động lực cho nghiên cứu khoa học từ tìm kiếm ý tưởng, triển khai cho đến nỗ lực để có kết quả cuối cùng. Việc này cũng tạo ra, bổ sung, bồi đắp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Cùng với đó, tạo ra vị thế trong nghiên cứu khoa học trong đời sống xã hội, nền kinh tế, và đảm bảo đời sống của nhà khoa học.
"Trong khóa đào tạo chỉ có vài người giỏi làm nghiên cứu khoa học, khi tốt nghiệp thường làm tại các viện nghiên cứu, trường đại học, về y khoa thường về các bệnh viện lớn, viện nghiên cứu về sức khỏe.
Đó là những người rất ưu tú. Thế nhưng bằng hoạt động nghiên cứu khoa học họ ngày càng khó khăn hơn trong cuộc sống, tiền lương, thu nhập. Đây là rào cản rất lớn để họ phát huy tài năng, năng lực", ông Trí nêu thêm.
Theo ông Trí, trên thế giới nhờ thương mại hóa được nghiên cứu khoa học, biến kết quả nghiên cứu thành hàng hóa đặc biệt của trí tuệ mà kết quả đã sớm đưa vào thực tế cuộc sống tạo ra của cải vật chất, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Tuy nhiên tại Việt Nam, các sản phẩm nghiên cứu khoa học được thương mại hóa còn quá ít, phần lớn các nghiên cứu khoa học chỉ ở trong ngăn kéo cho đến lạc hậu với thời cuộc và mục nát theo thời gian.
Ông lấy ví dụ một nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực huyết học là hệ thống phát hiện bất thường của hồng cầu trong quá trình truyền máu. Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã nghiên cứu thành công hệ thống này trong 5 năm với sự tham gia của nhiều chuyên gia.
"Hệ thống của chúng tôi rẻ hơn so với nhập từ nước ngoài và quan trọng nhất là sản phẩm phù hợp với đặc điểm hồng cầu của người Việt.
Đưa vào sử dụng rất tốt, nhưng để thương mại hóa cung cấp cho cả nước thay thế cho sản phẩm nước ngoài gặp vô vàn khó khăn về thủ tục. Vì vậy để rất lãng phí", ông Trí nêu thêm.
Tại dự thảo nghị quyết đề xuất, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận