![Dành hơn 20 tỉ USD/năm cho khoa học công nghệ, nhà khoa học sẽ không lo thiếu tiền - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/base64-17395223830421909192283-1739523227489-17395232277622113291351-1739523517110-17395235173631819517180.jpeg)
Ông Nguyễn Đức Kiên - phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Văn phòng Trung ương Đảng - cho rằng với nghị quyết 57 và sự đầu tư đặc biệt của Nhà nước, các nhà khoa học sẽ không lo thiếu tiền - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào ngày 22-12-2024.
Các nhà khoa học sẽ không lo thiếu tiền
Chia sẻ tại tọa đàm về nghị quyết 57 do Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 14-2, ông Nguyễn Đức Kiên - phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Văn phòng Trung ương Đảng - cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư làm trưởng ban đã được thành lập.
Ban chỉ đạo đã triển khai rất quyết liệt, nhanh, gọn rất nhiều nội dung quan trọng, loại bỏ tư duy không quản được thì cấm. Đặc biệt, phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo đã quyết định chi cho khoa học công nghệ 5% GDP, khoảng hơn 20 tỉ USD/năm.
"Nghị quyết 57 đặt ra 11 mục tiêu, trong đó phần kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm 60%. Nếu GDP Việt Nam năm 2024 là 470 tỉ USD x 2% bằng 9,4 tỉ USD/năm, mà kinh phí từ xã hội trên 60% thì ngân sách nhà nước dành hơn 3 tỉ USD/năm cho R&D, là nguồn lực rất lớn trong khi ngân sách còn hạn chế.
Đồng thời bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm (khoảng 60.000 tỉ đồng) cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Như vậy, các nhà khoa học sẽ không thiếu tiền. Đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng", ông Kiên nhấn mạnh.
![Dành hơn 20 tỉ USD/năm cho khoa học công nghệ, nhà khoa học sẽ không lo thiếu tiền - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/mai-thanh-phong-17395224288531429822677-1739523230811-17395232309021815471689-1739523519329-1739523519379137883049.jpg)
GS Mai Thanh Phong trao đổi tại tọa đàm về nghị quyết 57 do Trường đại học Bách khoa TP.HCM tổ chức - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Giúp cho các nhà khoa học cảm thấy yên tâm hơn
Nhận định về nghị quyết 57, GS.TS Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng bước đột phá quan trọng nhất trong nghị quyết 57 là về đổi mới, cải cách thể chế và cơ chế.
Trong thời gian dài, việc nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo thường gặp khó khăn về mặt thể chế, theo ý kiến chung của nhiều nhà khoa học. Lần đầu tiên, có một nghị quyết riêng do Bộ Chính trị ban hành với các quy định đầy đủ và toàn diện hơn, được tin tưởng sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong lĩnh vực này.
"Thể chế mới trong nghị quyết chấp nhận tính rủi ro đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.
Điều này giúp các nhà khoa học cảm thấy yên tâm hơn khi tiến hành nghiên cứu, từ đó có thể khơi dậy sự mạnh dạn và tinh thần sáng tạo của nhà khoa học", ông Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nghị quyết cho thấy mức độ đầu tư về kinh phí, hạ tầng,... mạnh mẽ hơn cho khoa học công nghệ, trong khi trước đây nguồn kinh phí này hạn chế.
Đây cũng có thể là bước đột phá, mang tính khơi thông mở đường cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước.
Khơi thông thể chế, chính sách
Ông Phong còn cho rằng nghị quyết 57 với những điểm khơi thông trong thể chế, chính sách về nghiên cứu khoa học đổi mới sáng tạo đối với các cơ sở đào tạo sẽ tạo ra động lực để Trường đại học Bách khoa - vốn đã có kinh nghiệm và lợi thế trong lĩnh vực này - tiếp tục thực thi các kế hoạch chiến lược đang ấp ủ.
"Trường hướng đến xây dựng chiến lược phát triển thành trung tâm khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo khu vực miền Nam, quy tụ các nhà khoa học, các tập đoàn công nghệ hợp tác với trường", ông Phong chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đàm Bạch Dương - vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) - kỳ vọng với vai trò đầu tàu về khoa học kỹ thuật ở phía Nam, Trường đại học Bách khoa TP.HCM sẽ nghiên cứu, chuẩn bị luận cứ và các đề xuất để nâng cấp các phòng thí nghiệm trọng điểm hiện có hoặc xây dựng thêm các phòng thí nghiệm trọng điểm mới (AI, đường sắt cao tốc…).
![Dành hơn 20 tỉ USD/năm cho khoa học công nghệ, nhà khoa học sẽ không lo thiếu tiền - Ảnh 5.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/dam-bach-duong-17395226023031584049631-1739523233819-17395232338941093488404-1739523524591-1739523524642321896442.jpg)
Ông Đàm Bạch Dương kỳ vọng các nhà khoa học Trường đại học Bách khoa TP.HCM sẽ có nhiều thuận lợi đóng góp cho hoạt động khoa công nghệ sau khi nghị quyết 57 được ban hành - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo tài năng tất cả các bậc học, hỗ trợ học bổng, học phí
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho hay Ban Chấp hành Đảng bộ Đại học Quốc gia TP.HCM đã xây dựng xong dự thảo về chương trình hành động thực hiện nghị quyết 57.
Đồng thời đại học này cũng đã gửi công văn cho UBND các tỉnh, thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận… để phối hợp tổ chức thực hiện nghị quyết 57.
"Chúng tôi muốn phối hợp với các tỉnh thành xây dựng cơ chế cho hoạt động khoa học công nghệ tốt nhất. Từ đó các nhà khoa học có thể dễ dàng hơn khi thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ của mình.
Ngoài ra, Ban khoa học công nghệ Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đang xây dựng một số chương trình nghiên cứu trọng điểm, thế mạnh của Đại học Quốc gia TP.HCM và đầu tư xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại.
Hiện tại Ban đào tạo cũng đang xây dựng chương trình đào tạo tài năng ở tất cả các bậc đào tạo (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ) với đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ học phí, cấp học bổng để người học yên tâm học tập, đặc biệt là đối tượng sau đại học.
Sắp tới, nếu có cơ chế phối hợp với địa phương, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn ngân sách đó", bà Mai cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận