Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper xác nhận Mỹ đang phát triển học thuyết chiến đấu mới cho thế kỷ 21 - Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng Esper xuất hiện tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức tối 21-7 (giờ Việt Nam).
Bài phát biểu của ông thu hút sự chú ý sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường mới của Washington, trong đó bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc và gọi chúng là phi pháp.
Trước câu hỏi Mỹ sẽ làm gì trước sự đã rồi mà Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông ngoài các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP), Bộ trưởng Quốc phòng Esper nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc tiếp tục gọi các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh là phi pháp, nhấn mạnh "Mỹ phản đối yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc" và sẽ tiếp tục phối hợp với các nước tiến hành các chiến dịch FONOP trong tương lai.
Theo ông Esper, có 3 lý do chính để Mỹ tiếp tục các hoạt động tại khu vực:
- Thứ nhất, ngăn cản các hành vi bắt nạt và cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc;
- Thứ hai, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông;
- Thứ ba, tăng cường năng lực các nước đồng minh và đối tác của Mỹ xung quanh Biển Đông, hướng tới việc giúp các nước này có đủ sức tự bảo vệ được vùng biển và lãnh thổ trước tham vọng của Bắc Kinh.
"Sẽ không ai ngăn cản được Mỹ tới Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt tại khu vực và hoạt động ở những nơi được luật quốc tế cho phép", ông Esper nhấn mạnh khi được hỏi về việc truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo các tàu sân bay Mỹ đang nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.
"Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành các vùng biển của riêng họ. Chính sách mới của Mỹ về Biển Đông đã rất rõ ràng, đó là công nhận các tuyên bố hàng hải phù hợp với luật quốc tế, ủng hộ quyền chủ quyền của các nước Đông Nam Á và phản đối các yêu sách hàng hải quá đáng, phi pháp của Trung Quốc", ông Esper khẳng định.
Tuần dương hạm USS Princeton (CG 59) và khu trục hạm USS Ralph Johnson (DDG 114) tham gia tập trận bắn đạn thật với hải quân Ấn Độ trên vùng biển gần eo Malacca ngày 20-7. Hai tàu chiến của Mỹ trước đó đã hoạt động trên Biển Đông, thách thức yêu sách vô lý của Trung Quốc - Ảnh: US NAVY
"Các yêu sách hàng hải phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã được họ sử dụng như một công cụ để bắt nạt các nước nhỏ hơn, ngăn cản các nước nhỏ tiếp cận các nguồn tài nguyên xa bờ vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ", Bộ trưởng Esper nhấn mạnh.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng kêu gọi các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng mạng lưới các đối tác an ninh "cùng chí hướng".
Theo ông Esper, hiện Mỹ đang phát triển học thuyết mới và sẽ thúc giục quốc hội nước này phối hợp với chính phủ đề ra "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương", trong đó ưu tiên duy trì khả năng răn đe và bảo đảm các cam kết của Mỹ đối với khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh và mong muốn có quan hệ thực chất với Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi hung hăng, cưỡng ép nước khác.
"Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế - thứ đã đem lại lợi ích to lớn cho cả nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong khi kỳ vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi hành vi của mình, Mỹ và quốc tế nên chuẩn bị cho các kịch bản thay thế khác", Bộ trưởng Mỹ nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận