02/06/2024 11:31 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Lương thấp khó thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá tiền lương vận động viên thể thao thấp dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Theo chương trình kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng là 1 trong 4 tư lệnh ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục

Phục vụ cho phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về các nội dung liên quan.

Về vận động viên thể thao, ông cho biết hiện nay có khoảng 2.500 vận động viên quốc gia (trong đó vận động viên trẻ 1.100; đội tuyển là 1.400). Còn các tỉnh, thành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có khoảng 22.000 vận động viên.

Theo ông, nhìn chung công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên thể thao trong thời gian qua đã từng bước đáp ứng yêu cầu đặt ra; góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thể hiện qua số lượng, cơ cấu huy chương đã đạt được tại các kỳ đại hội thể thao.

Việt Nam đã giành được các huy chương vàng tại Olympic và Paralympic, luôn nằm trong tốp 3 nước dẫn đầu các kỳ SEA Games, 2 lần liên tiếp dẫn đầu bảng tổng sắp tại SEA Games 31, 32.

Nhiều môn thể thao được đầu tư và đã giành được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ ở cả đấu trường khu vực lẫn châu lục.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, công tác tuyển chọn, đào tạo vận động viên trong thời gian qua còn gặp một số tồn tại, hạn chế.

Điển hình là đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao, tuy có tăng hằng năm song còn thấp so với nhu cầu;

Chưa đảm bảo nguồn lực đầu tư đúng mức theo tinh thần nghị quyết 08 của trung ương dẫn đến sự hẫng hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia;

Hệ thống các giải thi đấu thể thao trẻ trên phạm vi cả nước còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; Chưa thu hút và phát huy được tiềm năng to lớn của các nguồn lực xã hội tham gia công tác phát hiện năng khiếu, tuyển chọn đào tạo và bồi dưỡng tài năng thể thao trẻ.

Thời gian tới bộ trưởng cho biết sẽ trình Thủ tướng xem xét, ban hành chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó xác định tập trung đầu tư cho các môn, nội dung trọng điểm tham dự các kỳ ASIAD, Olympic và các kỳ SEA Games.

Tập trung phân nhóm, đầu tư trọng điểm cho các môn, nội dung thi đấu và lực lượng vận động viên có khả năng giành huy chương ASIAD, Olympic...

Bộ hướng tới thu hút nguồn lực xã hội hóa và đẩy nhanh quá trình phát triển thể thao chuyên nghiệp nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong đào tạo vận động viên.

"Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ với lớp vận động viên kế cận...", ông Hùng nêu rõ.

Tiền lương, chế độ dinh dưỡng với vận động viên còn thấp

Liên quan chế độ chính sách với vận động viên, Bộ trưởng Hùng cho hay các chính sách được ban hành thời quan qua đã phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn, góp phần quan trọng trong việc huy động, tuyển chọn tài năng và đãi ngộ đối với tài năng thể thao...

Tuy nhiên so với nhiều nước, các chính sách đãi ngộ đối với vận động viên thể thao nước ta còn hạn chế.

Điển hình chế độ tiền lương với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo nghị định 152/2018 còn thấp (vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng).

Bộ trưởng đánh giá tiền lương với vận động viên thể thao thấp dẫn tới "khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao".

Chế độ dinh dưỡng với vận động viên thể thao còn thấp, khó đáp ứng đối với một số môn thể thao có cường độ tập luyện ở mức độ cao.

Ngoài ra một số địa phương đã áp dụng chế độ đặc thù đối với vận động viên tài năng như hỗ trợ tiền lương với vận động viên đạt thành tích cao tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế hoặc trong chu kỳ tập luyện để chuẩn bị tham dự đại hội thể thao quốc tế.

Tuy nhiên đa số các địa phương chưa thể ban hành cơ chế đặc thù do nguồn lực đầu tư cho thể thao còn hạn chế.

Thời gian tới, theo ông, sẽ tiếp tục tham mưu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về thể dục, thể thao, trong đó bao gồm các cơ chế đặc thù đối với đối tượng là các vận động viên thể thao...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nghiêm cấm sử dụng huấn luyện viên Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Nghiêm cấm sử dụng huấn luyện viên 'quen biết', kém thành tích kéo dài

Ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - khẳng định ngành thể thao phải dũng cảm nhìn vào thiếu sót, quyết liệt tìm giải pháp nâng tầm thể thao ở Asiad, Olympic.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên