Sáng 20-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về việc xem xét bỏ xin giấy chuyển tuyến với bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Từ tuyến huyện có lên trực tiếp được tuyến trung ương?
Bà Lan nói dù giải quyết giảm thủ tục, phiền hà cho người dân nhưng đồng thời phải đảm bảo sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên một cấp nào đó.
Theo bà Lan, việc giải quyết vấn đề quá tải, qua nhiều đời bộ trưởng đã phải giải trình và tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 đã quy định các tiêu chí của cơ sở khám chữa bệnh được phân làm 4 cấp chuyên môn, kỹ thuật và Luật sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 thành 3 cấp.
Việc này nhằm đảm bảo điều kiện các cấp nào được khám, chữa bệnh ở mức độ nào. Trong đó vừa căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở, tình trạng của người bệnh để bố trí phù hợp.
Với việc chuyển tuyến, bà Lan thông tin từ năm 2014, người bệnh phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách tuần tự nhưng từ năm 2016 đã thông tuyến ở cấp huyện và từ năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh.
"Bây giờ có vấn đề là từ tuyến huyện có lên trực tiếp được tuyến trung ương không, tuyến tỉnh có lên được tuyến trung ương không?
Việc điều chuyển tuyến này để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân nhưng cũng đảm bảo phù hợp với khả năng chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải dồn hết lên tuyến trên", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, hiện việc chuyển tuyến được chia làm 2 luồng gồm từ tuyến dưới lên tuyến trên nếu cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân; từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi bệnh ổn định, đảm bảo việc điều trị lâu dài.
Tuy nhiên, để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu và đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân.
Liên quan đến việc có bỏ giấy chuyển viện không, bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: "Vai trò giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án. Nên chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết".
Về vấn đề thuốc liên quan đến bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Lan cho biết năm 2024 sẽ ban hành thông tư rà soát sửa đổi, đáp ứng yêu cầu người bệnh và danh mục thuốc đáp ứng yêu cầu điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Số vay mượn thuốc, trang thiết bị vật tư y tế là 1.690 tỉ đồng
Về tình trạng các bệnh viện "vay mượn" thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, theo bà Lan, trong quy định đấu thầu không có quy định "vay trước trả tiền sau", hoặc vay đổi.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 nhu cầu phòng, chống dịch cấp bách, các cơ sở phải vay kit xét nghiệm, nhưng hết dịch, giờ mua lại cũng không được.
Nghị quyết 99 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ trước tháng 12-2024 phải ban hành hướng dẫn xử lý tình trạng vay mượn này.
Tuy nhiên, bà thừa nhận "việc này rất khó" và bộ đang phối hợp với UBND các tỉnh đề nghị báo cáo thực trạng vay mượn của các bệnh viện.
Bà thông tin đến nay số vay mượn theo báo cáo chính thức 1.690 tỉ đồng, trong đó vay mượn thuốc, thiết bị vật tư hơn 750 tỉ đồng; kit xét nghiệm khoảng 940 tỉ đồng...
Bộ Y tế đã phân loại các hình thức vay mượn, từ đó giao cho các đơn vị thuộc bộ xây dựng phương án xử lý.
"Do chưa có tiền lệ và quy định trong luật nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cơ chế xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế. Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng mở dần các hình thức vay trước trả sau..." - bà Lan nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận