Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành thông tư 09/2024 quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thông tư 09).
Thông tư này thay thế thông tư 36 về quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Nhiều điểm mới về quy định công khai đối với các trường
Thông tư 09 được bố cục lại theo hướng tường minh, rõ và gọn hơn, với nội dung công khai gồm hai phần: phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học (giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non); giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 2 phụ lục trong báo cáo thường niên).
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tránh chồng chéo trong việc thực hiện công khai của cơ sở giáo dục, thông tư 09 chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai để cơ sở giáo dục chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc của trang thông tin điện tử của các trường.
Về hình thức công khai, thông tư 09 đã lược bỏ một số quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục, mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại thông tư này trên trang thông tin điện tử của trường.
Ngoài ra, thông tư mới còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai.
Thời gian niêm yết công khai tại trường tối thiểu là 90 ngày và đồng thời phải lưu giữ nội dung công khai tối thiểu 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai (đối với trường không có website).
Đáng chú ý, thông tư lần này bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương, các trường chỉ phải báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác sẽ tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thông tư này bổ sung quy định về nội dung báo cáo thường niên. Báo cáo thường niên không phải là bản tổng hợp lưu thông tin công khai của thông tư mà là một trong các hình thức công khai thể hiện bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động của trường theo từng năm.
Quy chế công khai cũ gây khó khăn cho các trường
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tư 36 được ban hành từ năm 2017, đến nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đều đã được thay thế bằng các văn bản mới. Do đó, thông tư này không còn giữ nguyên tính tổng thể.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung công khai còn gắn với việc cập nhật số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành; các yêu cầu về bảo đảm quy định bảo mật dữ liệu cá nhân, bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
Với 21 biểu mẫu ban hành kèm theo thông tư 36 chi tiết các nội dung mà trường cần công khai có nhiều nội dung chồng chéo, không còn bảo đảm thống nhất với yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hiện hành: về tuyển sinh; mở ngành; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tài chính, cơ cấu tổ chức, bộ máy đối với đơn vị sự nghiệp công, cơ sở giáo dục tư thục, phần nào gây khó khăn cho cơ sở giáo dục khi thực hiện.
Quy chế công khai mới để người học, xã hội giám sát nhà trường
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu yêu cầu công khai của thông tư 09 minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Công khai theo đúng quy định pháp luật nhưng đơn giản hóa các thông tin công khai, hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu để góp phần thực hiện cải cách hành chính.
Đây là một trong các căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm và giải trình của cơ sở giáo dục đối với các bên liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận