Đến thời điểm này, tất cả các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM đều đã công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, trong đó có thông tin về tổng nguồn thu hợp pháp của trường/năm.
Hiện Đại học Quốc gia TP.HCM có tổng cộng 7 trường đại học thành viên, gồm: Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường đại học Quốc tế, Trường đại học Công nghệ thông tin, Trường đại học Kinh tế - Luật, và Trường đại học An Giang.
Trường đại học Bách khoa doanh thu lên đến gần ngàn tỉ đồng
Theo thông tin các trường công bố trong đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024, hiện Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) là đơn vị thành viên có tổng nguồn thu hợp pháp/năm lớn nhất hệ thống đại học này.
Tổng doanh thu trong năm 2023 của trường lên đến 946,738 tỉ đồng, cao hơn năm học trước.
Trường đại học Bách khoa được thành lập vào năm 1957. Hiện nay, nhà trường là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn nhất các tỉnh phía Nam và là trường đại học kỹ thuật quan trọng của cả nước.
Trong năm học 2022 - 2023, nhà trường công bố tổng nguồn thu hơn 885 tỉ đồng, trong đó học phí là hơn 561 tỉ đồng, chiếm hơn 63%.
Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) được thành lập vào tháng 12-2003, nhưng có tổng doanh thu năm 2023 lớn thứ 2 trong khối đại học này, đạt 463,3 tỉ đồng.
Đây là cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đổi mới cơ chế quản trị đại học theo mô hình tự chủ và tiên tiến.
Và cũng là trường đại học công lập đa ngành đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam sử dụng hoàn toàn tiếng Anh trong công tác đào tạo giảng dạy và nghiên cứu.
Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) là một trong số trường đại học có tuổi đời cao nhất tại TP.HCM (tiền thân của trường đợt thành lập năm 1941), có tổng doanh thu năm 2023 ước tính khoảng 461 tỉ đồng.
Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) có tổng doanh thu năm qua đạt khoảng 440 tỉ đồng. Trường được thành lập vào năm 1957 với tiền thân là Đại học Văn Khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn), hiện trường là trung tâm nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lớn nhất miền Nam.
Trường đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) được thành lập tháng 6-2006 chuyên đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông. Tổng nguồn thu của trường năm 2023 đạt 348 tỉ đồng.
Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) là trường non trẻ được thành lập tháng 3-2010 (tiền thân là Khoa Kinh tế thành lập tháng 11-2000), có tổng doanh thu năm 2023 hơn 304,830 tỉ đồng/năm.
Trường đại học An Giang chính thức trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM từ tháng 8-2019. Xuất phát từ một cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập trên cơ sở Trường cao đẳng Sư phạm An Giang, nên có tổng doanh thu năm qua của trường đạt 236,187 tỉ đồng, thấp nhất trong số trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM.
Trường có chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên lớn nhất 55 triệu đồng/năm
Dù doanh thu của Trường đại học Bách khoa hiện lớn nhất nhưng tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của trường lại xếp thứ 3 trong khối Đại học Quốc gia TP.HCM.
Theo thông tin nhà trường công bố, tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của trường năm 2023 là hơn 35,71 triệu đồng.
Trong khi Trường đại học Công nghệ thông tin hiện có tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm (năm 2023) đứng đầu Đại học Quốc gia TP.HCM với 55 triệu đồng.
Tổng chi phí đào tạo của Trường đại học Quốc tế trong năm 2023 là 45 triệu đồng/sinh viên/năm; Trường đại học Khoa học tự nhiên hơn 28,2 triệu đồng/sinh viên/năm; Trường đại học Kinh tế - Luật 21,27 triệu đồng/sinh viên/năm.
Hai trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM có tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm thấp nhất trong hệ thống là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Trường đại học An Giang với khoảng 20 triệu đồng/sinh viên/năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận