16/03/2023 09:15 GMT+7

Bỏ bớt các rào cản để thu hút du khách quốc tế

Ngày 15-3, tại hội nghị trực tuyến về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sẽ tăng số quốc gia được miễn visa khi nhập cảnh VN, kéo dài thời hạn lưu trú, mở rộng visa điện tử.

Du khách quốc tế trên con tàu Spectrum of the Seas ghé cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) - đi du lịch tham quan Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du khách quốc tế trên con tàu Spectrum of the Seas ghé cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) - đi du lịch tham quan Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây là những giải pháp để cải thiện sự "đi trước về sau" của du lịch sau tròn một năm kể từ khi VN quyết định mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế (15-3-2022).

Bỏ bớt rào cản để kéo khách du lịch nhà giàu

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Minh Trường - chủ tịch HĐQT Sun Group - cho rằng du lịch VN cần những giải pháp đột phá thực sự, nếu không du lịch sẽ bị tụt hậu.

Cụ thể, các bộ, ngành cần sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật xuất nhập cảnh.

Và cần phải làm sớm các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú từ 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, cần tăng từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cho nhập cảnh nhiều lần.

Cũng đề nghị nhanh chóng thay đổi điều chỉnh luật cần thiết để mở chính sách visa bằng các nước trong khu vực để cạnh tranh hơn, ông Nguyễn Quốc Kỳ - chủ tịch Vietravel Holdings - cho rằng chính sách linh hoạt và nhanh, đủ lâu để ngấm và thấm sẽ quyết định đến sự hồi phục của ngành du lịch.

"Chúng ta đang có thị trường Bắc Á, Đông Bắc Á, sau đó là thị trường nội địa rồi mới đến thị trường Âu, Úc, Mỹ. Tại sao không cân nhắc miễn thị thực theo từng thời điểm như ba tháng, sáu tháng... đối với thị trường Đông Bắc Á, lúc đó có tính cạnh tranh mạnh hơn với các nước trong khu vực", ông Kỳ đề xuất.

Theo ông Kỳ, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, người dân phải thắt chặt chi tiêu, giá cả là vũ khí cạnh tranh rất quan trọng trong cuộc đua cạnh tranh điểm đến. Giá bán tour bình quân một đêm ở VN hiện nay là 60 USD, trong khi Thái Lan chỉ 30 USD, Malaysia là 50 USD... Mức giá quá tốt mà Thái Lan xây dựng được là nhờ có hệ thống chuỗi và cùng nhau chia lợi nhuận chứ không lẻ mẻ như VN.

Khách chịu giá tour cao nhưng khi đến VN lại không biết chi tiêu gì là thực trạng phổ biến nhiều năm qua. Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), tỉ lệ tăng trưởng số lượng khách quốc tế tới VN đã vượt qua Indonesia để vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tổng mức chi tiêu của du khách tại VN chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Theo bà Nguyễn Thị Nga - chủ tịch Tập đoàn BRG, đối tượng khách chơi golf là tiềm năng lớn nhất với du lịch VN hiện nay. Tuy vậy, chính sách thuế đối với khách du lịch chơi golf là chưa thân thiện. "Mức thuế thu nhập cá nhân cộng tiêu thụ đặc biệt lên tới 30%, trong khi các nước xung quanh chỉ thu từ 5 - 7%", bà Nga nêu và kiến nghị xem xét giảm thuế cho nhóm du khách quốc tế đến VN tham gia du lịch đánh golf.

Đoàn du khách Argentina tham quan dinh Độc Lập, quận 1, TP.HCM chiều 14-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đoàn du khách Argentina tham quan dinh Độc Lập, quận 1, TP.HCM chiều 14-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chi thêm tiền quảng bá du lịch

Theo các doanh nghiệp, trong năm 2023 nếu muốn hút khách quốc tế nhiều hơn, du lịch VN cần tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia của các bộ, ngành.

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), nhấn mạnh đến vấn đề liên kết, quảng bá, khai thác đầu tư và thu hút khách du lịch quốc tế. Trong đó, sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn, cụ thể là chiến lược tiếp thị du lịch VN đến năm 2030 vừa được ban hành vào đầu tháng 3-2023 một cách chuyên nghiệp, hiệu quả và với ngân sách tương ứng.

Ông Hạnh Nguyễn đề xuất du lịch Việt cần phát động một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch như chiến dịch "SMILE" mà Thái Lan đã làm. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ.

"Các hãng hàng không sẽ bắt tay với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Khi khách quốc tế đổ về VN, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu.

Theo ông Nguyễn Châu Á - tổng giám đốc Oxalis Adventure, du lịch VN cũng phải có những thay đổi phù hợp bởi trong những năm gần đây, hành vi đi du lịch của nhóm du khách quốc tế đang rất khác trước. Du khách muốn tự sắp xếp cho kỳ nghỉ của mình thay vì thông qua công ty du lịch. Từ việc đặt vé máy bay, xin visa, đặt khách sạn và nhiều dịch vụ khác - với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì khách có thể làm điều đó một cách dễ dàng.

Như vậy, phương pháp quảng bá thông qua hội chợ và roadshow dành cho B2B như hiện nay là không còn hiệu quả. Cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi một phần từ kinh doanh và tiếp thị đến từng khách du lịch và mang du khách đến VN thay vì trông chờ hết vào các đối tác nước ngoài.

"Du lịch VN cần nghiên cứu lại mô hình kinh doanh hiện nay. Theo chúng tôi, đa số công ty du lịch Việt đang kinh doanh theo mô hình B2B, tức là xây dựng sản phẩm, chào bán cho đối tác xong thì đối tác mới bán cho khách du lịch, sau đó chúng ta nhận khách và thực hiện chương trình đó. Nhưng bây giờ VN cần xây dựng nội dung quảng bá và sử dụng nhiều kênh khác nhau để tiếp cận đến đối tượng đi du lịch và lôi kéo họ đến VN", ông Á hiến kế.

Du khách tham quan khu vực bến Bạch Đằng, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Du khách tham quan khu vực bến Bạch Đằng, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Sẽ tăng số nước được miễn visa

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh bên cạnh việc đáp ứng tốt nhu cầu du lịch nội địa, du lịch VN cần tập trung khai thác có hiệu quả các thị trường khách quốc tế lớn, các thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà VN có thế mạnh như du lịch văn hóa, du lịch hội nghị, du lịch golf...

Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo thời gian lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử...

Thủ tướng cũng giao Bộ VH-TT&DL tiếp tục triển khai thực hiện đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn", trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch. Triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất, đúng hướng đối với các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

"Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện ở nước ngoài tích cực chủ động phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa và du lịch VN ở nước sở tại. Việc này rất cần thiết trong bối cảnh chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhộn nhịp các chuyến bay đưa khách Trung Quốc đến Nha Trang

Chiều 15-3, lãnh đạo Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho hay từ ngày 26 đến 31-3 sẽ có 34 chuyến bay của Hãng Vietjet Air từ Trung Quốc đưa khách đến Khánh Hòa và ngược lại. Riêng ngày 27-3 có năm chuyến bay đi và năm chuyến đến, ngày 28-3 có sáu chuyến bay đi và năm chuyến bay đến.

Ngoài ra, Hãng hàng không China Southern (Trung Quốc) cũng có kế hoạch mở lại đường bay thương mại từ Trung Quốc đến sân bay quốc tế Cam Ranh từ ngày 26-3 với tần suất một chuyến/ngày. Dự kiến từ giữa tháng 4 trở đi, sân bay Cam Ranh sẽ đạt tần suất hơn 25 đến 30 chuyến bay quốc tế/ngày.

Theo các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc, việc Trung Quốc cho phép đưa khách đoàn đến VN từ ngày 15-3 sẽ tạo sự thuận lợi để các đại lý chào bán tour hè cho khách Trung đến Khánh Hòa.

Bà Đỗ Thị Vân Anh - giám đốc Công ty TNHH Khang Thái Vietnam Travel - cho biết ngày 26-3 sẽ đón chuyến bay đầu tiên đưa khách Trung Quốc đến Khánh Hòa với khoảng 200 khách.

"Công ty đã lên các tour cho du khách chọn lựa, đi kèm với các cơ sở lưu trú từ 4 sao trở lên. Trong đó, khách Trung sẽ tham quan Tháp Bà, Hòn Chồng... đi tour biển đảo, ngoài ra khách sẽ có một ngày tự do để khách tự đi khám phá hoặc đặt thêm tour một ngày của công ty", bà Vân Anh nói.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Kỳ Nghỉ Đà Nẵng, công ty dự kiến đón khách vào cuối tháng 4. Nha Trang là điểm đến có tiếng với khách Trung Quốc, nhưng việc gián đoạn bởi dịch bệnh nên các cửa hàng dịch vụ lưu niệm, thư giãn phải đóng cửa, đội ngũ nhân lực nói tiếng Trung cũng rất thiếu... "Hy vọng sau khi khách qua đông, các cửa hàng này sẽ mở cửa trở lại, việc gọi nhân viên quay về cũng dễ dàng hơn", vị này nói.

MINH CHIẾN

Du khách Trung Quốc kêu gọi đồng hương hãy du lịch Việt Nam nhiều hơnDu khách Trung Quốc kêu gọi đồng hương hãy du lịch Việt Nam nhiều hơn

Đó là chia sẻ của bà Lương Vân Yến (Bằng Tường, Trung Quốc) - một trong những du khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam sau đại dịch COVID-19 qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), ngày 15-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên