Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Du lịch được coi là cầu nối giao lưu quốc tế thiết thực, hiệu quả, để khách du lịch khắp nơi trên thế giới đến thăm, trải nghiệm, hiểu hơn, chia sẻ hơn, yêu quý hơn đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Du lịch còn đối mặt nhiều thách thức
Đây là hội nghị lần thứ hai được tổ chức trong năm, người đứng đầu Chính phủ đánh giá du lịch Việt Nam trong 10 tháng qua có khởi sắc hơn. Đến hết tháng 10-2023, tổng lượng khách quốc tế đạt khoảng 10 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 99 triệu lượt.
Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế 10 tháng năm 2023 mới chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Khách du lịch nội địa, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2022, đang có dấu hiệu chững lại.
Ngành du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức, vướng mắc, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chưa giải quyết được.
Vì vậy để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả.
Do vậy Thủ tướng đề nghị tìm được lời giải cho các bài toán để du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững: Đó là việc nhận diện thời cơ và thách thức của du lịch; chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, các nước trên thế giới.
Ông cũng yêu cầu các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và các bộ ngành, địa phương đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi. Tập trung nêu rõ những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng, thương hiệu, đào tạo nhân lực, sự phối hợp của các đơn vị...
Nghiên cứu một số chính sách visa cho khách quốc tế
Nhìn nhận nguyên nhân khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt kỳ vọng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19. Các yếu tố tác động khác như lạm phát, tỉ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm... đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế.
Ông Hùng cho biết các giải pháp trọng tâm là tiếp tục tăng cường phối hợp liên ngành, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho việc phục hồi, phát triển du lịch.
Nghiên cứu đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.
Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Úc, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...
Đẩy mạnh phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Triển khai quyết liệt các hoạt động xúc tiến du lịch, đẩy nhanh tốc độ phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế...
Loạt CEO du lịch hiến kế
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ tịch HĐQT Sovico Holdings, chỉ ra hàng không chưa có lợi nhuận; đang đóng băng vài chục ngàn phòng khách sạn, dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ.
Vì vậy, bà cho rằng cần hành động khẩn trương để đưa Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc về văn hoá, ẩm thực, nghỉ dưỡng. Trong đó, cần tạo điều kiện để hàng không thu hút nhanh nhất, phát động chương trình hành động quốc gia đẩy mạnh du lịch tới các sân bay, địa phương...
Theo đại diện tập đoàn Vingroup, đã đến lúc cần tháo gỡ điểm nghẽn du lịch. Trong đó, cần có chính sách miễn visa linh hoạt, miễn visa cho một số thị trường chủ lực trong một số giai đoạn ngắn hạn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel, đề nghị tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt trong quản lý khách, phát triển các khu du lịch. Cần cập nhật lại chiến lược phát triển du lịch, từ sự kiện Black Pink tới Việt Nam cần có các sự kiện mang tầm quốc tế để thu hút khách du lịch, đưa sự kiện quốc tế về Việt Nam...
Từ các kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ ngành địa phương phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn, liên kết vùng động lực tăng trưởng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận