Bà Vũ Thị Hội Diễm - Ảnh: NVCC |
Bà Vũ Thị Hội Diễm - đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị quận Bình Thạnh - cho biết:
- Ứng dụng báo tin vi phạm trật tự đô thị qua điện thoại thông minh đã vận hành được hơn 10 ngày, có trên 300 người tải phần mềm.
Tính đến 17h ngày 21-4, hệ thống đã nhận được 215 tin báo về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự lòng lề đường, môi trường và trật tự xây dựng.
Hiện UBND 20 phường và Đội quản lý trật tự đô thị quận đã xử lý 210 tin báo. Trong đó, khoảng 75% tin báo của người dân là đúng sự thật.
* Qua ứng dụng này, người dân phản ảnh thông tin vi phạm cho cơ quan chức năng như thế nào, thưa bà?
- Người dân vào Google hoặc vào Appstore của hệ điều hành iOS tải ứng dụng “binh thanh truc tuyen”.
Người dân chọn mục phản ánh vi phạm trật tự đô thị, chọn mục gửi phản ánh, chụp hình hành vi vi phạm, điền thông tin địa chỉ vi phạm (số nhà, tên đường, phường), chọn nội dung vi phạm (xả rác, đổ nước thải, lấn chiếm lòng lề đường, hoặc xây dựng không phép) rồi gửi cho hệ thống.
Đối với những vi phạm thuộc các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trường Sa, Bùi Hữu Nghĩa (đoạn chợ Bà Chiểu), đường Hoàng Hoa Thám (khu vực chợ Cây Quéo) sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của Đội quản lý trật tự đô thị quận. Còn những tuyến đường khác sẽ do UBND các phường xử lý.
Trong vòng 60 phút, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra vi phạm, lập biên bản vi phạm và chuyển cho người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt theo quy định.
Đơn vị ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ tải hình ảnh quyết định lên hệ thống để lãnh đạo UBND quận và các cơ quan liên quan giám sát.
Cũng trên ứng dụng này, người dân gửi thông tin phản ánh có thể kiểm tra kết quả xử lý thông tin đã gửi. Nếu thông tin gửi không được xử lý đúng thời hạn thì hệ thống sẽ báo trễ hạn.
Nếu người dân báo thông tin vi phạm đúng mà thông tin không được xử lý hoặc xử lý không đúng thì cán bộ có trách nhiệm sẽ bị xử lý.
Vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã thông thoáng so với trước đây - Ảnh: T.T.D. |
* Mục tiêu của ứng dụng này?
- Từ nhiều năm trước, quận Bình Thạnh đã tập trung cho công tác quản lý trật tự đô thị. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thông tin phát hiện của lực lượng chức năng khi tuần tra, quản lý địa bàn thì chưa bao quát hết và vi phạm vẫn xảy ra.
Như vậy mục tiêu xây dựng đô thị văn minh khó thực hiện được. Lãnh đạo quận đã tính đến việc xây dựng phần mềm để quản lý thuận lợi hơn, đồng thời phát huy tính dân chủ của người dân trong việc đồng hành cùng chính quyền xây dựng văn minh đô thị.
Điện thoại thông minh giờ rất phổ biến nên đây là cách dễ dàng nhất, nhanh nhất để người dân phản ảnh đến chính quyền những hành vi vi phạm. Tính tiện dụng của phần mềm ứng dụng này là người dân có thể gửi hình ảnh trực tiếp chứ không phải kèm file.
* Theo bà, ứng dụng này mang lại hiệu quả gì cho người dân và cho cơ quan quản lý?
- Theo cảm nhận của tôi, thời gian qua trật tự đô thị trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trường Sa... có sự chuyển biến rất lớn. Với ứng dụng này, những hành vi vi phạm có thể bị “bắt” bởi bất cứ người nào, mọi lúc, mọi nơi.
Người buôn bán ở mặt tiền đường ban đầu chỉ muốn đối phó để không bị xử phạt sẽ dần hình thành ý thức phải tuân thủ quy định, chỉ buôn bán trong phạm vi được phép, dành vỉa hè cho người đi bộ...
Đối với người bình thường, việc sử dụng ứng dụng này sẽ làm tăng trách nhiệm của họ trong việc chung tay với chính quyền xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp. Qua đó còn tăng tính tương tác giữa chính quyền với người dân.
* Người dân báo tin đúng có được khen thưởng không?
- Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số người dân và nhận thấy nếu có khen thưởng kịp thời sẽ tạo động lực cho người dân tham gia cùng chính quyền giám sát, quản lý trật tự đô thị.
Vì vậy, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND quận về việc khen thưởng cho người dân báo tin chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận