12/04/2018 11:28 GMT+7

Bình Dương xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ

B.SƠN
B.SƠN

TTO - Với kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Dương có kế hoạch xây dựng một khu công nghiệp khoa học công nghệ và nghiên cứu tuyến đường sắt chuyên dụng, tạo bước đột phá trong vận chuyển hàng hóa.

Bình Dương xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ - Ảnh 1.

Đồ họa mô phỏng một trung tâm logistics

Đây là các ý tưởng mạnh mẽ, góp phần xây dựng đô thị thông minh, nâng cao năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho các khu công nghiệp (KCN) của Bình Dương.

Thu hút chất xám

Theo quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, KCN Lai Hưng có diện tích 600ha tại huyện Bàu Bàng. Dự kiến, diện tích của KCN này sẽ được tỉnh Bình Dương dành để thu hút các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) vào đầu tư. Qua đó hình thành nên một KCN riêng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, thu hút được các lao động tri thức và có tay nghề.

Hiện nay, Bình Dương đang phối hợp với đối tác Hà Lan để nghiên cứu và triển khai những phần việc đầu tiên.

"Để có một KCN khoa học công nghệ đúng nghĩa thì cần có sự chuẩn bị rất bài bản, từ hạ tầng công nghệ, con người, cơ chế chính sách... chứ không phải chỉ đặt tên là có ngay KCN KHCN" - một cán bộ trực tiếp tham gia chuẩn bị KCN chia sẻ.

Theo chuyên gia, điều quan trọng để xây dựng KCN KHCN là phải có những chính sách tốt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và sáng tạo, hình thành được một cộng đồng doanh nghiệp thông minh, tương tác, phối hợp được với nhau để tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội đặt ra với Bình Dương sau khi đã có kinh nghiệm hơn 20 năm phát triển công nghiệp khá thành công.

KCN KHCN tỉnh Bình Dương có vị trí khá thuận lợi khi nằm liền kề với 2 trục giao thông quan trọng kết nối với TP.HCM là quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Ngoài ra, tuyến nhánh của đường Hồ Chí Minh cũng đi qua KCN này tạo ra sự kết nối dễ dàng với Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Các yếu tố kỹ thuật như nguồn điện ổn định, đường truyền internet tốc độ cao, các nguồn năng lượng tái tạo... cũng được Bình Dương chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vào KCN khoa học công nghệ.

Giải pháp đột phá vận chuyển hàng hóa

Một trong những yếu tố hàng đầu nhà đầu tư quan tâm và tác động nhiều tới giá thành sản phẩm, năng suất lao động là việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa từ các KCN tới các cảng và ngược lại. Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa bằng container tới các cảng ở Bình Dương nói riêng và khu vực lân cận nói chung chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ (chiếm tới 70%). Trong khi việc vận chuyển container bằng đường bộ tới các cảng hiện nay thường xuyên đối mặt với nguy cơ kẹt xe, tai nạn giao thông... nên giảm sức cạnh tranh đáng kể trên trường quốc tế.

Bình Dương xây dựng khu công nghiệp khoa học công nghệ - Ảnh 2.

Đồ họa: TUẤN ANH

Theo tìm hiểu, hiện các bộ phận chức năng tỉnh Bình Dương đang đề xuất và nghiên cứu xây dựng một tuyến đường sắt chuyên dùng để vận chuyển container giữa KCN và các cảng. Ý tưởng này cũng phù hợp với quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM đã được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Bình Dương nghiên cứu để đề xuất thực hiện một số đoạn của các tuyến đường sắt này với tổng chiều dài khoảng 100km. Khi hình thành, tuyến đường sắt này sẽ kết nối các KCN của Bình Dương thẳng với các cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM.

Theo các chuyên gia, để vận chuyển một container từ Bình Dương tới cảng ở TP.HCM bằng đường bộ hiện nay phải mất ít nhất 8-10 giờ. Trong khi nếu vận chuyển container bằng đường sắt, với tốc độ thiết kế 120km/h cho tàu chở hàng, có thể chỉ mất 2 giờ đã tới cảng.

Bình Dương cũng nghiên cứu triển khai 3 trung tâm logistics lớn nằm dọc tuyến đường sắt chuyên dùng được quy hoạch gồm: trung tâm logistics nằm kế bên KCN KHCN tại Bàu Bàng, một trung tâm logistics tại VSIP 2 và trung tâm tại Thái Hòa. Các trung tâm logistics này sẽ là đầu mối tiếp nhận và phân phối hàng hóa, nguyên liệu cho các KCN lân cận.

Tuyến đường sắt chuyên dùng sẽ tạo thuận lợi tốt hơn cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, đồng thời góp phần giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

B.SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên