Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương nhìn từ công viên thành phố mới - Ảnh: T.L.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Hoàng Ngân - giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - cho biết:
- Việc thành lập thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An, các phường trên địa bàn thị xã Tân Uyên, các thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua là đúng định hướng, theo tiến trình nâng loại các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương đặc biệt chú trọng, nhằm từng bước định hướng phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân gắn với đề án xây dựng "Thành phố thông minh".
Đến nay, qua thời gian triển khai, có thể nhìn thấy những kết quả bước đầu đạt được hết sức khả quan trong tiến trình hình thành và phát triển đô thị.
Định hướng quy hoạch đi trước
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển cho các đô thị trên địa bàn như Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên được xây dựng tuân thủ theo chương trình phát triển đô thị quốc gia, và định hướng theo các quy hoạch của tỉnh.
Đây là cơ sở để các địa phương lập đề án nâng loại đô thị, có kế hoạch đầu tư và thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn lực kinh tế để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện hữu.
Công viên tại thành phố mới trở thành điểm đến vui chơi giải trí quen thuộc của các bạn trẻ và người lao động sau giờ làm việc - Ảnh: T.L
Công tác quy hoạch đô thị luôn được tỉnh chú trọng, ngoài quy hoạch chung đô thị Bình Dương còn có các quy hoạch chung cho từng đô thị, quy hoạch phân khu được phủ kín 100%.
Việc triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, khu nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, dự kiến quỹ đất bố trí các công trình hạ tầng xã hội đã tạo nên bộ mặt đô thị khang trang và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan đô thị đã được đầu tư và hình thành nên những không gian đô thị theo hướng hiện đại, nghệ thuật, văn minh.
Phát triển quỹ nhà ở
Trong lĩnh vực phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động luôn được chính quyền địa phương và nhiều thành phần kinh tế quan tâm.
Trong thời gian qua, thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương có thêm 133 dự án phát triển nhà ở mới được triển khai, lũy kế đến 2020, toàn tỉnh có khoảng 288 dự án nhà ở. Diện tích nhà ở bình quân đạt 28,9m²/người (năm 2019), dự kiến đến hết năm 2020 đạt 30m²/người, đảm bảo chỉ tiêu diện tích sàn nhà ở của đô thị.
Quá trình phát triển kinh tế luôn gắn với an sinh xã hội thông qua các chương trình được thực hiện hiệu quả. Tiêu biểu trong thời gian qua tỉnh đã gắn việc đầu tư phát triển, mở rộng quy mô các khu, cụm công nghiệp với việc phát triển nhà ở xã hội cho người lao động nhập cư đến làm việc, sinh sống tại Bình Dương.
Đến nay, tỉnh đã thu hút được 86 dự án phát triển nhà ở xã hội, với diện tích sử dụng đất khoảng 199,7ha; tương đương 3,9 triệu m² sàn xây dựng. Trong đó phải kể đến đóng góp rất lớn của Tổng Công ty Becamex IDC với khoảng 3 triệu m² sàn (hơn 141ha đất) để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đã giúp hàng trăm ngàn người lao động từ các nơi tới được "an cư lạc nghiệp", vững tâm đóng góp vào sự phát triển.
Song song với tiến trình đầu tư, phát triển các đô thị mới, các khu nhà ở; các địa phương cũng quan tâm đến các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị tại các đô thị hiện hữu. Điển hình có thể kể đến việc điều chỉnh công năng các khu đất trước đây của các cơ quan nhà nước để đầu tư các công viên cây xanh nhằm nâng cao mảng xanh, là "lá phổi" của đô thị.
Kết quả, đến nay toàn tỉnh với 77 công viên kết hợp các khu tập thể dục được xây dựng, cải tạo hoàn thiện đưa vào sử dụng; khoảng 21 công viên đang tiếp tục được đầu tư xây dựng, cải tạo.
Đầu tư hạ tầng
Đặc biệt, trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong đó có hệ thống giao thông được tỉnh luôn chú trọng đầu tư, nâng cấp mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của đô thị tạo nên sự kết nối giao thông vùng, liên vùng, liên khu vực.
Các trục giao thông mang tính kết nối vùng, kết nối Bình Dương với các tỉnh, thành trong vùng được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện như: đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng; đường Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên; nâng cấp mở rộng quốc lộ 13; nâng cấp mở rộng đường ĐT743A, ĐT743B; đầu tư mới đường Thủ Biên - Đất Cuốc...
Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng các hầm chui, cầu vượt, các trục đường đô thị được đầu tư đồng bộ; hệ thống thoát nước mưa được đầu tư mở rộng dòng chảy, đồng bộ nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước cho đô thị...
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển đô thị bền vững, đồng bộ, các địa phương cần chú trọng thêm nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác cùng với sự năng động và đồng lòng cao của người dân.
Trong đó các địa phương cũng cần tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với điều kiện phát triển mới; chú trọng việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc lập và triển khai đồng bộ, tuân thủ theo các quy hoạch được duyệt...
Cần có giải pháp hiệu quả nhằm quản lý chất lượng kiến trúc, cảnh quan các dự án dọc theo trục đường chính, tạo điểm nhấn cho mỗi đô thị.
Bên cạnh đó, ngoài sự nỗ lực của tỉnh, cũng cần sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và các địa phương lân cận trong việc triển khai các dự án về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy có tính chất kết nối vùng như: dự án đường Vành đai 3, 4; dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, Sài Gòn - Lộc Ninh; dự án nạo vét, khai thông thủy sông Sài Gòn, sông Đồng Nai.v.v. nhằm tạo kết nối lưu thông hàng hóa, kết nối dịch vụ đô thị, du lịch...
Dấu ấn thành phố mới Bình Dương
Đối với khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương trên cơ sở chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Khu liên hợp đã được lựa chọn gắn kết với đề án "Thành phố thông minh Bình Dương" nhằm đưa ra định hướng, tạo động lực cho tiến trình xây dựng đô thị thông minh trên toàn địa bàn tỉnh.
Trong đó, xác định khu đô thị mới thuộc Khu liên hợp sẽ trở thành một thành phố tri thức, kết nối giữa nhà nước - nhà trường, các viện nghiên cứu - nhà doanh nghiệp, trở thành nơi làm việc của các nhà khoa học, nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài; tạo tiền đề vũng chắc cho nền công nghiệp tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ cao.
Trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm về phát triển đô thị, dự án khu nhà ở chất lượng cao, trung tâm thương mại...đã được đầu tư và triển khai dự án tại Khu liên hợp, như Trung tâm thương mại thế giới, Sora Garden, Midori Park, Suncasa.v.v...đã góp phần tạo sức lan tỏa cho khu vực, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, nhiều lựa chọn tốt về chất lượng sống cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận