Do đặc thù phân bổ dân cư, trong đó có nhiều người nhập cư là công nhân, người lao động nên có những vùng phía bắc của Bình Dương đã chuyển hóa thành "vùng xanh" nhưng các đô thị phía nam vẫn đang là những "vùng đỏ" với nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao - Ảnh: BÁ SƠN
Từ ngày mai (6-9), một phần của tỉnh Bình Dương sẽ được nới lỏng giãn cách xã hội, đây là thông tin mới nhất từ cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương trong ngày 5-9.
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản giao UBND 4 huyện (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên) báo cáo ban chỉ đạo cấp huyện nới lỏng giãn cách, trong đó, có thể chuyển từ chỉ chỉ thị 15+.
Bốn huyện thực hiện biện pháp giãn cách xã hội mới đã đạt được tiêu chí "vùng xanh", trong đó đáng chú ý là đề xuất cấp thẻ cho người đã tiêm vắc xin ở các "vùng xanh".
Ông Nguyễn Văn Lợi - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương - đề nghị đối với người ở trong "vùng xanh" đã tiêm 2 mũi vắc xin sẽ được cấp "thẻ xanh" để ra đường, còn người đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ được cấp "thẻ vàng", khi ra đường phải kèm theo giấy xét nghiệm. Trường hợp người dân chưa tiêm vắc xin thì không được ra đường.
Về lộ trình nới lỏng giãn cách tại 4 huyện "vùng xanh" thì cũng áp dụng theo từng bước: từ ngày 6-9 đến 9-9 chỉ cho lưu thông trong huyện, từ ngày 10-9 đến 15-9 cho lưu thông liên huyện nhưng phải áp dụng phân luồng. Đối với các "vùng xanh" cũng sẽ giảm bớt các chốt kiểm soát.
Việc tiêm vắc xin sớm không chỉ giúp tăng khả năng phòng chống COVID-19 cho người tiêm, mà còn là điều kiện để được ra đường khi nới lỏng giãn cách xã hội. Trong ảnh: người lao động một doanh nghiệp tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tiêm vắc xin Sinopharm - Ảnh: B.Đ.
Đối với những người đã tiêm vắc xin ở các khu vực còn lại thì sẽ áp dụng ra sao? Theo tìm hiểu, các đô thị còn lại của Bình Dương là những vùng đông dân, đang là "vùng đỏ đậm đặc" tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 tăng cường tới ít nhất ngày 15-9, bao gồm thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, thị xã Tân Uyên và Bến Cát.
Như vậy, người dân trong khu vực này, kể cả đã tiêm vắc xin thì cũng chưa thể ra đường mà phải chờ tới khi tình hình dịch được khống chế, giảm bớt thì sẽ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thời điểm đó.
Để sớm đạt được độ phủ vắc xin trong cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc xin, trong đó có 1 triệu liều Sinopharm nhận từ TP.HCM.
Bình Dương phấn đấu tới 15-9 sẽ khống chế được dịch, trở lại trạng thái "bình thường mới" nên đang khuyến khích người dân đi tiêm vắc xin với tiêu chí "mỗi người có ít nhất một mũi vắc xin", "vắc xin tốt nhất là vắc xin tới sớm nhất".
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tới 16h ngày 5-9 đã có gần 200.000 liều vắc xin Sinopharm được tiêm. Tổng cộng số vắc xin đã tiêm tại Bình Dương đạt gần 1,3 triệu liều (chiếm khoảng 50% tổng dân số); trong đó mới có trên 46.000 người được tiêm mũi 2.
Có thêm 3.540 ca mắc COVID-19 mới tại Bình Dương trong ngày 5-9, nâng tổng ca mắc trong cộng đồng lên 132.433 ca. Có tổng cộng trên 79.000 bệnh nhân F0 đã xuất viện, 1.097 người tử vong.
Vùng xanh vẫn phải đảm bảo chống dịch
UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành văn bản thực hiện mô hình "3 xanh" gồm: nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh.
Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp ở trong và ngoài khu công nghiệp tại các "vùng xanh" vẫn phải đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch mới được phép hoạt động, doanh nghiệp phải nắm thông tin về người lao động của mình (về nơi ở trọ, người ở chung, lộ trình di chuyển từ nơi ở đến doanh nghiệp...).
Các nhà trọ của công nhân, người lao động cũng được yêu cầu phối hợp, vận động chủ nhà trọ để sắp xếp lại, ưu tiên cho người lao động cùng chung công ty ở chung phòng, chung dãy trọ...
Theo các chuyên gia y tế, các trường hợp đã được tiêm vắc xin thì tuy nguy cơ giảm nhưng vẫn có thể mắc COVID-19, vì vậy người dân đã tiêm vắc xin cũng cần đảm bảo biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận