12/01/2021 10:27 GMT+7

Big Tech thoát Trump, đụng Biden

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Cuộc "báo thù" của Thung lũng Silicon đã bắt đầu với tiếng "pháo hiệu" là việc Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản có gần 89 triệu lượt theo dõi của Tổng thống Donald Trump.

Big Tech thoát Trump, đụng Biden - Ảnh 1.

Một người ủng hộ tổng thống Trump giơ biểu ngữ phản đối các hạn chế của Big Tech đối với ông Trump trong cuộc biểu tình ngày 9-1 tại California - Ảnh: REUTERS

Nói như tờ Politico, các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) đã chờ giây phút này sau hơn 1.400 ngày cố gắng chịu đựng ông Trump.

Sau màn mở đầu của Twitter, Facebook, Google, Apple và các công ty công nghệ khác lần lượt nối gót. Tài khoản Facebook của ông Trump sẽ bị khóa ít nhất đến khi nhiệm kỳ của ông kết thúc. Google và Apple thì loại bỏ một mạng xã hội được ví như "nơi ẩn náu của những người ủng hộ Trump" khỏi cửa hàng ứng dụng CH Play và App Store.

"Thâm thù" chất chứa

Hành động của các Big Tech không chỉ là một màn biểu dương "sức mạnh mềm", mà còn phản ánh những "thâm thù" chất chứa của giới công nghệ với chính quyền. Dưới thời ông Trump, Big Tech phải đối mặt các cuộc điều tra chống độc quyền, với kết quả thường dẫn tới việc chia nhỏ những tập đoàn này để hạn chế tập trung quyền lực. Microsoft, Facebook và Twitter lần lượt bị đưa vào tầm ngắm.

Các cuộc điều tra chống độc quyền nhận được sự ủng hộ và thúc đẩy từ cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump thường bị đổ lỗi là người khơi mào vì các chỉ trích của ông đối với điều 230 trong Đạo luật chuẩn mực về truyền thông. Nội dung điều này bảo vệ các công ty công nghệ khỏi việc bị truy tố vì các nội dung do người dùng đăng tải. Tuy nhiên, theo Tổng thống Trump, các nền tảng công nghệ như Twitter và Facebook từ lâu đã ngầm kiểm soát nội dung được đăng tải. Do đó, các công ty này phải được xem như một "nhà xuất bản nội dung" và phải chịu một phần trách nhiệm.

Mặt khác, Trump cũng cáo buộc Big Tech "bịt miệng" ông và những người có quan điểm bảo thủ, áp dụng "tiêu chuẩn kép" khi dán nhãn cảnh báo với các bài viết của ông và những người ủng hộ ông. Đáp lại, Twitter và Facebook giải thích rằng họ phải làm thế bởi những phát ngôn của ông có thể gây hại.

Ông Trump đã liên tục phản đối việc duy trì điều 230. Lần gần đây nhất, ông đã phủ quyết Đạo luật chi tiêu quốc phòng cho năm tài khóa 2021 vì không có điều khoản bãi bỏ điều 230. Trước đó, trong tháng 5-2020, ông Trump ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu làm rõ khi nào hành vi của một công ty công nghệ vi phạm điều 230. Sắc lệnh này khiến các công ty công nghệ dễ bị khởi kiện hơn.

Chưa thoát "vòng kim cô"

Tờ Politico của Mỹ nhận xét sẽ là quá ngây thơ nếu Big Tech nghĩ rằng sự ra đi của ông Trump sẽ chấm dứt chuỗi ngày ác mộng của họ. Màn trả đũa của họ đã làm dấy lên nhiều lo ngại trong các chính trị gia Mỹ, kể cả đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa. Trong khi phe Cộng hòa lo sợ quyền lực của các Big Tech sẽ ngày càng lớn, những người Dân chủ bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh một ngày nào đó họ sẽ trở thành nạn nhân.

Luật sư Kate Ruane, cố vấn pháp lý của Liên minh Tự do dân sự Mỹ, cảnh báo các nền tảng như Facebook và Twitter đang sử dụng "quyền lực không kiểm soát" để quyết định ai được nói, nói nội dung gì và khi nào. 

Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến tiếp tục theo đuổi các vụ kiện chống độc quyền mà chính quyền Trump đã khơi mào. Trong tuần trước, ông Biden đã chọn ông Vanita Gupta - người chỉ trích Facebook kịch liệt - làm quan chức số ba trong Bộ Tư pháp. Các dân biểu Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã đề xuất một loạt thay đổi lớn, tạo điều kiện cho việc chia nhỏ các Big Tech.

Bà Jennifer Palmeiri, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời ông Barack Obama, tỏ ra lo ngại trước quyền lực ngày càng tăng của Big Tech. Nhiều đảng viên Dân chủ cùng chia sẻ quan điểm nếu các Big Tech như Facebook và Twitter có các đối thủ cạnh tranh tương xứng, họ sẽ hành động thông minh và có trách nhiệm. 

Ở chiều ngược lại, phe Cộng hòa cáo buộc việc Google và Apple xóa ứng dụng Parler hay các hành động khác của Facebook và Twitter là một sự "bịt miệng", đi ngược lại quyền tự do ngôn luận đã được đưa vào Hiến pháp Mỹ.

Ông Trump: Dự luật quốc phòng là Ông Trump: Dự luật quốc phòng là 'quà cho Trung Quốc, Nga và big tech'

TTO - Trong bối cảnh dự luật quốc phòng 2021 bị phủ quyết và Quốc hội Mỹ có thể bỏ phiếu lại vào tuần tới để vượt quyền phủ quyết, ông Trump tiếp tục chỉ trích đây là 'quà' cho Trung Quốc, Nga, và các công ty công nghệ lớn.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên