Người biểu tình ôn hòa tại Singapore ngày 15-7 - Ảnh: Reuters |
Sự kiện này liên quan tới vụ tranh cãi thu hút dư luận thời gian qua giữa ông Lý và hai người em ruột về số phận căn nhà số 38 Oxley, nơi cha họ và là người sáng lập Nhà nước Singapore hiện đại Lý Quang Diệu đã sinh sống và làm việc trước đây.
Hai người em của ông Lý Hiển Long là bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương đã đăng đàn tố cáo anh trai cố ý không thực hiện di chúc của cha về việc phá hủy ngôi nhà.
Họ cáo buộc Thủ tướng Lý muốn giữ căn nhà như một biểu tượng quyền lực và có kế hoạch đưa con trai Lý Hồng Nghị “nối ngôi”.
Những người biểu tình ngày 15-7 yêu cầu một cuộc điều tra độc lập nhằm vào ông Lý Hiển Long để xác minh liệu ông có lạm quyền hay không. Một tấm biểu ngữ viết: “Singapore thuộc về người Singapore, chứ không phải FamiLee (chơi chữ mang nghĩa là “nhà họ Lý”)”.
Từ khi Singapore độc lập năm 1965 đến nay, vị trí thủ tướng gần như được hai cha con ông Lý Quang Diệu và Lý Hiển Long thay phiên nắm giữ. Trong vụ lùm xùm lần này, ông Lý Hiển Long từng khẳng định không có chuyện “truyền ngôi” cho thế hệ thứ ba.
Luật Singapore yêu cầu phải có sự cho phép của chính quyền mới được biểu tình, nhưng vừa qua không có sự hiện diện của cảnh sát tại Speakers’ Corner.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận