Phóng to |
Trao đổi tài chính cá nhân, chơi trò chơi trí tuệ tại quán cà phê Cashflow - Ảnh: Bảo Châu |
Học tại quán
Tại quán cà phê Cashflow trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM chuyên về các trò chơi trí tuệ, tài chính vào sáng chủ nhật, khoảng 20 bạn đang chăm chú chơi trò cashflow, một trò chơi “học cách làm giàu” đang được ưa chuộng hiện nay. Người chơi có đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh lớp 10, 11 đến những người hơn 40 tuổi. Tất cả cùng bàn luận từng bước đi rồi rút kinh nghiệm cho nhau rất sôi nổi bên ly cà phê buổi sáng.
Bạn Trần Nguyên Hạnh (sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho biết: “Tuy tôi không học chuyên về kinh tế nhưng sau khi được nghe hướng dẫn viên phân tích kết quả trò chơi, chia sẻ cách ứng dụng vào thực tế, tôi đã có thể học được phần nào đó cách chi tiêu của chính bản thân mình, cũng khá thú vị. Gần như sáng chủ nhật nào tôi cũng tìm đến đây để tham gia trao đổi cùng mọi người!”.
Giá trung bình của các trò chơi này 50.000-65.000 đồng/lượt/nhóm bạn. Riêng đối với các lớp học về tài chính, đầu tư chứng khoán, học phí dao động từ 1-4 triệu đồng/khóa. Anh Võ Duy Anh (chủ quán cà phê Cashflow) cho biết: “Để có thể nắm bắt được cách quản lý tài chính, đầu tư hiệu quả, cách tốt nhất là phải tự trải nghiệm và có môi trường để giao lưu, trao đổi lẫn nhau. Thông qua các trò chơi, khách có thể trao đổi và hiểu nhau dễ dàng. Sau đó còn có thể thật sự cùng đầu tư vào một sản phẩm nào đó”.
Bên cạnh đó, việc đi uống cà phê và trao đổi về các vấn đề trong văn học, nghệ thuật, tâm lý... một cách nghiêm túc cũng đang là trào lưu. Chẳng hạn như Psych Café là chuỗi chương trình chuyên đề về tâm lý học do doanh nghiệp xã hội We Link, chuyên về dịch vụ tư vấn và giáo dục, tổ chức.
Mỗi sáng chủ nhật tại 34 Hồ Hảo Hớn, Q.1, chương trình sẽ có một chuyên đề trao đổi về tâm lý với các chuyên gia trong ngành. “Học phí” cho mỗi buổi cà phê trung bình 100.000 đồng, bao gồm tài liệu và nước uống. Khác với suy nghĩ tâm lý là ngành nghiên cứu chuyên sâu và khó tiếp cận, các chuyên đề này xoay quanh những vấn đề khá gần gũi với cuộc sống như trầm cảm sau sinh, sự khác biệt của nam và nữ trong tình yêu, tính nữ trong phân tâm học... Sau 18 kỳ tổ chức, đến nay chương trình đã duy trì được khá ổn định số lượng tham gia là 18-25 người/buổi.
Chị Nguyễn Đức Như Thủy - phụ trách phát triển nguồn lực We Link, cho biết: “Khoảng 60, 70% người đăng ký là những người đang học và làm việc trong ngành tâm lý, công tác xã hội, nghệ thuật và cả y khoa. Hầu hết đều có phản hồi khá tích cực về hình thức cà phê trao đổi gần gũi và rộng mở như thế này. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng hướng đi này phù hợp với xu hướng tìm kiếm không gian thư giãn, trao đổi phù hợp với sở thích của mỗi người”.
Ngoài ra, các hình thức cà phê sách, nơi mỗi tuần các bạn có thể trao đổi về một cuốn sách, một chủ đề sách cùng nhau hoặc chỉ đơn giản là đến quán để chìm đắm trong hàng trăm đầu sách, tự học ngoại ngữ cũng đang phát triển mạnh hiện nay tại nhiều quán như hệ thống PNC café, Hub café (quận Tân Bình), Snowbell café (quận Phú Nhuận)...
Phóng to |
Khách đến quán kem hiện nay đã có thể tự tay làm kem nguyên chất từ trái cây - Ảnh: Đỗ Phi |
“Làm đầu bếp” ở quán cà phê
Tự tay chọn nguyên liệu trái cây tươi ngon, cân đong từng muỗng sữa dùng riêng để làm kem, sau đó cho hỗn hợp vào máy làm kem bằng khí nitơ, chỉ khoảng 1 phút sau những viên kem nguyên chất trái cây đã ra đời. Đó là một trong những hoạt động đặc biệt mà khách đến ăn kem, uống cà phê hiện nay đã có thể trải nghiệm.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh Nga (nhân viên ngân hàng), khách quen của quán N2 Heaven, một quán chuyên dịch vụ làm kem tại chỗ trên đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, cho biết: “Con gái tôi thích ra đây thử làm kem lắm. Quan trọng hơn nữa, qua trải nghiệm này tôi đã dạy được cho con gái mình bài học muốn có được thức ăn thì phải do chính tay mình làm ra”. Được biết, hình thức vừa học vừa chơi này thu hút khá nhiều khách nước ngoài đến trải nghiệm. Ông Yamamoto Kosuke (du khách người Nhật) vừa hào hứng chọn mít làm kem, vừa chăm chú quan sát nhân viên hướng dẫn cho biết: “Ở Nhật chúng tôi đặc biệt thích những gì xuất phát hoàn toàn từ tự nhiên. Chính vì thế, khi trực tiếp chọn trái cây và tự tay làm ra kem, dù không đẹp như người chuyên nghiệp, tôi vẫn thấy rất thoải mái và yên tâm khi thưởng thức thành quả của mình như thế này, trái cây nhiệt đới ở VN quá ngon!”.
Ngoài làm kem, hiện khách đến quán cà phê còn có thể tự tay làm bánh. Các loại bánh phổ biến hiện nay là cupcake, pizza mini để khách có thể làm nhanh, trang trí tùy theo ý thích và thưởng thức ngay tại quán. Ưu điểm của hình thức này là thời gian học cấp tốc nhưng món ăn tự tay làm ra cũng “tạm được”, có nhiều màu sắc, đủ để khách cảm thấy vui vẻ và có trải nghiệm mới mẻ, thay vì chỉ đến và trò chuyện cùng nhau đơn thuần. Một số quán có dịch vụ này như Mọi Mọi Café (quận Phú Nhuận), Ba Cây Chổi (quận Phú Nhuận)...
Cà phê “xe máy”
Gọi năm ly trà tắc, anh Việt Anh, nhân viên siêu thị điện máy Chợ Lớn, cùng nhóm bạn chọn “chỗ ngồi” là một bãi cỏ cạnh trung tâm thương mại Crescent Mall (đường Nguyễn Văn Linh, Q.7). Ba phút sau, nước đã được bà chủ mang ra tận nơi. Nhóm anh là khách hàng quen thuộc ở quán cà phê di động của chị Nguyễn Thị Oanh (31 tuổi).
Gọi là quán cà phê di động bởi toàn bộ đồ đạc, hàng hóa của chị đều được chất lên một chiếc xe máy: đằng sau yên xe là thùng xốp lớn đựng đá viên và các loại nước giải khát đóng chai, phía trước chở thêm một bao tải to đùng với khoảng 50 chai nước đủ loại. Giỏ xe và hai bên treo đầy đủ ống hút, bao nilông, đường, sữa, nước trà, cà phê đen pha sẵn, chanh, tắc.
Mỗi ngày cứ độ 7g, “đội quân” cà phê di động lại luồn lách vào từng ngõ ngách của khu siêu đô thị, từ các khu biệt thự, trung tâm thương mại đến các khu căn hộ để phục vụ cà phê sáng cho khách hàng. Buổi chiều từ 16-19g, hàng nước di động của các chị “neo” lại, rất đắt hàng.
Ông Nguyễn Văn Hai, chạy xe ôm ở khu vực này, cho biết: “Trước đây đi làm, vợ tui ngày nào cũng dậy sớm chuẩn bị cho tui chai nước trà treo trên xe, khi nào khát thì uống. Từ ngày biết có mấy xe cà phê di động ở đây, cứ chạy vài cuốc xe tui lại ghé qua, giá rẻ, lại có đá lạnh uống đã hơn”. Một ly cà phê ở đây có giá 5.000-7.000 đồng, ly nước chanh, tắc 4.000-5.000 đồng, trà đá uống kèm miễn phí.
Không chỉ bán cho khách tại chỗ, các xe cà phê di động này cũng kiêm luôn dịch vụ giao cà phê tận nơi. Điện thoại reo, một khách quen gọi mang hai chai nước ngọt vào khu vực gần cầu Ánh Sao. Chị Nu, chủ một quán “di động”, ngay lập tức chuẩn bị chai nước kèm thêm một ly đá, ống hút, cho vào bịch nilông nhỏ vừa vặn, nổ máy đưa nguyên cả “cửa hàng” chạy vào khu đô thị để giao hàng...
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: “Có ai đi chợ giùm tôi với!” Kỳ 2: Học đủ thứ tại nhà Kỳ 3: Gặp mình qua... tượng Kỳ 4: Cho thuê “văn phòng ảo” Kỳ 5: Đô thị và 1.001 dịch vụ mới lạ Kỳ 6: Cho thuê... nữ trang ngày cưới Kỳ 7: Xe ôm tính cước, alô là rước
___________
Kỳ tới: Dịch vụ cho thuê... chú rể
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận