24/02/2013 10:00 GMT+7

Xe ôm tính cước, alô là rước

HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ
HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ

TT - Alô là đến, không phải mặc cả, chạy lố đường sẽ được hoàn tiền. Kiểu xe ôm “lạ” và chuyên nghiệp này đã bắt đầu xuất hiện ở TP.HCM, rồi mới đây là Hà Nội.

k4hsJ8j2.jpgPhóng to
Xe ôm Thiên Khách ở TP.HCM - Ảnh: Viễn Sự

Thiên Khách: ra đời nửa năm, chưa có lãi

“Alô! Cho tôi một xe đến chung cư Gia Phú (Bình Tân) lúc 8g nhé!”. Đúng 8g xe đỗ xịch trước cổng chung cư và đồng hồ tính giờ bắt đầu hoạt động khi xe lăn bánh. Nghe cuộc gọi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc ai đó vừa gọi một cuốc taxi. Nhưng xe đỗ trước cửa chung cư là một chiếc Honda Wave với bác tài có trang phục phản quang, phía trước đầu xe là đồng hồ tính cước và hộp đèn điện tử với dòng chữ: Xe ôm Thiên Khách.

Anh Đoàn Hữu Phát, giám đốc Công ty Thiên Khách, cho biết: “Trước nay người đi xe ôm đều có thói quen trả giá và luôn có cảm giác bị chặt chém. Tôi muốn tạo thói quen mới cho khách hàng của mình, để nhiều người thấy xe ôm cũng có thể chuyên nghiệp như taxi”. Với mức đầu tư cả xe gắn máy, đồng hồ tính cước, thiết bị định vị trên xe, mỗi chiếc xe ôm được đầu tư với số tiền lên tới 15 triệu đồng (thường là xe số Honda cũ).

“Nhưng đến nay với mức trung bình một ngày mỗi xe chỉ thu về chừng 150.000 đồng thì công ty mới chỉ đủ tiền trả lương cho tài xế, mua xăng... chứ vẫn chưa có lãi” - anh Phát nói.

Với thiết bị định vị, màn hình máy tính sẽ hiển thị những chiếc xe gắn máy đang di chuyển trên đường và số còn lại đang ở chốt chờ khách, anh Phát nói: “Toàn bộ hành trình của xe đều hiển thị ở đây nên tổng đài hoàn toàn có thể kiểm soát được các xe”.

Không khác những tài xế taxi bốn bánh, tài xế xe ôm Phan Vũ Nguyên cũng nhận thông tin có khách từ tổng đài, chỉ khác thay vì qua bộ đàm thì bằng chính điện thoại đã được mã hóa từ công ty và luôn gắn tai nghe trên tai. Xe lăn bánh, tài xế Nguyên không quên gạt cần để chân cho khách, Nguyên giải thích đó là quy định bắt buộc vì đó cũng là công tắc đồng hồ tính cước.

Cũng lúc này, trong một con hẻm nhỏ trên đường Trường Chinh, trên màn hình máy tính nhân viên tổng đài của Thiên Khách bắt đầu theo dõi từng vòng xe của bác tài Nguyên.

Theo yêu cầu, Nguyên chở chúng tôi lên quận 12 rồi vòng xuống Phú Nhuận và cho biết sẽ chờ khách tối đa 30 phút, nhưng khác với taxi sẽ không tính phí chờ. Sau một quãng đường vòng vèo theo ý khách, tài xế Nguyên trả khách ở công viên Hoàng Văn Thụ với quãng đường đi 13,5km, giá tiền là 80.000 đồng.

Biết khách đi lần đầu, Nguyên giải thích cặn kẽ: “Cây số đầu tiên tụi em lấy 10.000 đồng, mấy cây số sau thì 6.000 đồng, còn từ cây số 11 trở đi chỉ 3.100 đồng thôi!”.

Nguyên là một trong 12 tài xế xe ôm của Thiên Khách, mỗi người chọn một điểm đỗ riêng trên dọc tuyến giao thông từ ngã tư Bảy Hiền về đến Tân Phú. Khác với những bác tài xe ôm bình thường, các bác tài xe ôm của Thiên Khách làm theo ca, 8 tiếng/ ngày và có khách hay không thì mỗi tháng đều nhận được 2,5 triệu đồng tiền lương, xăng và xe do công ty chịu. Ngoài ra, tùy theo số tiền chạy được sẽ được nhận từ 10% trở lên.

Cũng như Nguyên, tài xế Nguyễn Tiến Đạt đang đậu xe chờ khách tại địa điểm ngã ba Tân Thạnh thì nhận được điện thoại điều động từ tổng đài: “Đón khách”. Ghi vội dòng địa chỉ tổng đài cho và hình dung đoạn đường mình sẽ đến cùng thời gian ước tính rồi Đạt nổ xe gắn máy. Nếu không có chiếc áo đồng phục dán dải phản quang cùng chiếc đồng hồ trên đầu xe thì rất khó phân biệt Đạt với những lái xe ôm khác đang chờ khách trên đường.

Hiện là sinh viên năm 2 Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, Đạt xin vào Công ty Thiên Khách làm tài xế để tự lo tiền trang trải cuộc sống sinh viên với thời gian khá hợp lý: “Em bắt đầu công việc từ 6g sáng đến 11g trưa thì nghỉ, chiều đến trường học, 6g tối lại tiếp tục công việc cho đủ 8 tiếng/ngày”.

Đạt nói mình không phải là sinh viên duy nhất làm việc tại Công ty Thiên Khách. Hiện có đến năm sinh viên các trường đại học trên địa bàn đang làm việc bán thời gian. Trong đó có cả những bạn nữ, không đứng chốt chờ khách mà đưa rước học sinh đi học, công chức đi làm theo giờ hẹn.

k19WtBOY.jpgPhóng to
Xe ôm tính cước Nam Minh vừa mới ra đời ở Hà Nội - Ảnh: V.Dũng

Hà Nội bắt đầu có xe ôm tính cước

Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11-2012, 15 chiếc xe ôm có gắn đồng hồ tính cước của Công ty Thân Thiện (trụ sở tại Từ Liêm) có hai bến chính là bến xe Mỹ Đình và cổng Trường đại học Công nghiệp, sau hơn ba tháng đi vào hoạt động, hiện nay công ty đã tăng số lượng xe ôm lên 25 xe. Với giá cước ưu tiên cho sinh viên 5.000 đồng/km tại cổng Trường đại học Công nghiệp, còn tại bến xe Mỹ Đình giá cước được tính chung là 6.000 đồng/km.

Chị Đỗ Hà, nhân viên điều hành xe của Thân Thiện, cho biết dù mới đi vào hoạt động nhưng mô hình xe ôm tính cước này nhận được rất nhiều sự tín nhiệm của khách hàng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng tài xế cho công ty lại không được thuận lợi lắm.

Nguyên nhân theo chị Đỗ Hà là bởi hiện nay phần lớn lái xe là các bạn sinh viên làm nửa ngày, một số khác là các bạn cử nhân đã tốt nghiệp nhưng chưa đi làm. Bởi vậy vẫn còn khá nhiều người hơi ngại ngần khi làm xe ôm. Còn đội ngũ xe ôm đã dạn dày kinh nghiệm thì cho rằng mức thu nhập của xe ôm tính cước không cao bằng hành nghề tự do tha hồ mặc cả với khách nhất là dịp tết.

Tuy nhiên, đối với khách hàng tại Hà Nội, sau khi ra đời mô hình này họ rất quan tâm bởi hiện tượng xe ôm chặt chém khách khá phổ biến.

“Thậm chí nếu tính chi li mỗi lần ngồi lên xe ôm, người ta đều tính ít nhất là 20.000 đồng mới chạy. Còn quãng đường dài thì họ thường tính 15.000 đồng/km, nhất là khu vực bến bãi ôtô. Vào những dịp lễ, tết các bác tài xe ôm tha hồ chặt chém khách hàng nên tôi thấy mô hình xe ôm tính cước tự động thế này thật thuận lợi. Tuy nhiên, hiện ở Hà Nội còn ít quá và khu vực phục vụ chưa rộng khắp nên cũng hạn chế” - anh Ngô Hoàng Nam, ở quận Hai Bà Trưng, nói.

Ra đời sau mô hình của Công ty Thân Thiện, xe ôm của Công ty cổ phần đầu tư Nam Minh có bến đỗ là cổng Bệnh viện Bạch Mai. Với đội xe gồm 25 chiếc, từ ngày xuất hiện tại địa điểm trên, những tài xế của hãng luôn là đối tượng được thân nhân bệnh nhân trông đợi.

“Đi xe ôm ra bến xe để về quê hoặc nhân tiện đi thăm người quen ở đây đều phải trả mức giá cho xe ôm quá cao. Lần trước tôi đi từ Mỹ Đình đến Bạch Mai phải trả cho xe ôm số tiền là 150.000 đồng. Lần này có xe ôm tính cước giá tiền chỉ còn 66.000 đồng. Thật là thuận lợi quá” - chị Nguyễn Thị Thương, Yên Bái, đang chăm chồng ốm ở Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

Tuy nhiên, vì mới ra đời, đội ngũ chưa đông nên địa bàn phục vụ còn rất hạn chế. Chị Ngô Thu Giang ở đường Kim Mã (quận Ba Đình) sau khi biết đến mô hình xe ôm tính cước bằng đồng hồ đã gọi điện thoại đến cả hai hãng xe ôm trên nhưng nhân viên đều nói hiện chưa đủ xe để phục vụ tại khu vực Ba Đình. Bởi vậy, những khách hàng mong muốn có những chuyến di chuyển an toàn, tiện lợi trong địa bàn thành phố sẽ còn phải chờ đợi thêm.

___________

Kỳ tới: Biến tấu cà phê Sài Gòn

HOÀNG ĐIỆP - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên