Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết giải quyết vấn đề quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường, đầu tư, khai thác chợ, công viên.... nhằm xây dựng thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Cụ thể, chỉ đạo về vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố, ông Dũng yêu cầu Ban chỉ đạo 197 Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp theo kế hoạch, chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự an toàn giao thông và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp tổng thể, toàn diện, có tính căn cơ, bài bản và lâu dài.
"Lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa" - ông Dũng nói.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đề nghị phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.
Mặt khác, nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả giải pháp cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp... Trên cơ sở đó, công bố công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân.
"Sau khi có quy hoạch, có sự đồng thuận của nhân dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện. Trước mắt, có thể thí điểm làm trước một số khu vực ngay trong năm nay" - Bí thư Đinh Tiến Dũng nói.
Về việc quản lý, đầu tư hệ thống chợ, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo gắn với tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ, các cấp, các ngành phải đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý, nhất là quản lý về an toàn cháy nổ, trật tự, an ninh, văn minh đô thị.
Về hệ thống công viên, ông Dũng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển công viên, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương quản lý, khai thác.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online có bài viết nêu lên thực tế những năm gần đây, Hà Nội liên tục lặp lại "điệp khúc" lập lại trật tự, lấy lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng đều thất bại dù các chiến dịch ra quân rất rầm rộ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng việc buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt của chính quyền, thiếu chấp hành của người dân và thiếu tính toán trong vấn đề an sinh xã hội là những nguyên nhân khiến các đợt ra quân 'lấy lại vỉa hè' thất bại.
Còn kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: "Cần phải có sự kiểm kê phân loại vỉa hè để đưa ra các chính sách cụ thể. Việc này có làm nhưng chưa thực sự khoa học và sâu sắc. Để việc ra quân và đi vào cuộc sống thì cần có kiểm đếm, xác định rõ đặc thù của từng loại vỉa hè để có cơ chế, chính sách hợp lý. Việc này hiện chưa được triển khai mạnh mẽ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận