Sáng 31-3, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban quý 1-2023 với các địa phương trên địa bàn TP nhằm bàn các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường, đầu tư, khai thác chợ, công viên.
Báo cáo về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tính đến hết ngày 25-3, Ban chỉ đạo 197 TP đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông (tăng 5.553 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 50,5 tỉ đồng.
Đồng thời, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm trật tự đô thị (tăng 3.498 trường hợp so với cùng thời gian liền kề trước đó), phạt thành tiền 9,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số hộ dân vẫn không chấp hành, chưa chủ động sắp xếp gọn gàng hàng quán, để phương tiện tràn lan trên hè phố, dưới lòng đường.
Thống nhất các tuyến phố cấm đỗ xe
Trước thực tế trên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thời gian tới, TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố.
Đồng thời, nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố như: bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc tuyến hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa lớn; các tuyến không thuộc tuyến đường vành đai, trục chính xuyên tâm phục vụ công tác điều tiết, phân luồng giao thông…
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ có quy định cụ thể về quản lý ô tô dừng, đỗ trên hè phố. TP cũng sẽ sửa đổi các quy định liên quan đã ban hành để bổ sung quy định hè phố chỉ được phép sử dụng một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy, không sắp xếp ô tô; không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ xe.
Các quận, huyện, thị xã cần phải sớm nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cho cuộc sống của người dân.
Đồng thời, nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân đang có nguồn thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi trên địa bàn.
Nâng cấp, cải tạo 45 công viên
Về công tác chỉnh trang, cải tạo công viên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thời gian tới TP sẽ đẩy mạnh cải tạo nâng cấp 45 công viên hiện có trên địa bàn 10 quận.
Trong đó, hoàn thành xây dựng mới 6 công viên trong giai đoạn 2021-2025 gồm công viên Chu Văn An, công viên CV1, công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, công viên văn hóa Kim Quy, công viên hồ Phùng Khoang, công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận