Chiếc lồng chim “Thập bát la hán” do nghệ nhân Đoàn Minh Căn tạo tác - Ảnh: N.LINH
Dưới đôi tay tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, ông Căn muốn biến "độc nghệ" riêng mình thành làng nghề du lịch.
Mỗi tác phẩm của tôi đều là độc bản. Không cái nào giống cái nào, bởi hoàn toàn được chạm bằng tay.
Ông Đoàn Minh Căn
Tài hoa chạm khắc trên tre
Những đường nét chạm khắc vô cùng tinh tế trên chiếc lồng chim “Thập bát la hán” do nghệ nhân Đoàn Minh Căn tạo tác - Ảnh: NHẬT LINH
Đó không phải là ước mơ, mà thật sự đã hiện hữu. Người đàn ông cả đời bên tre ấy muốn biến chính mình thành điểm đến của du khách ghé Huế và xa xôi hơn là một làng nghề mở ra cơ hội kiếm tiền từ du lịch.
Đi dọc con đường ven sông đào Phổ Lợi cắt ngang làng Dương Nỗ, xã Phú Dương, tiếng mũi dùi chạm vào tre tạo những thanh âm rất nhẹ. Nghệ nhân Đoàn Minh Căn đang tạo tác phẩm lồng chim "Thập bát la hán".
Ông Căn căng mắt với từng mũi đục. Nhiều chi tiết nhỏ như que tăm, cần đôi tay người nghệ nhân có độ chính xác tuyệt đối. Tiếp khách, ông Căn kể về "nghề tự tạo".
Câu chuyện kéo lùi khoảng trời của 30 năm về trước, lúc đó ông Căn đang là một người thợ mộc nổi tiếng ở xứ này. Nhưng rồi ông nhìn thấy gỗ ngày một hiếm, và hơn hết để có lõi cây gỗ phải mất hàng chục, hàng trăm năm, con người không thể chăm chăm vào việc lấy đi "xương tủy" của rừng.
Thế là ông quyết định chuyển nghề. Tre là cây trồng gắn với người Việt, ông Căn lấy tre làm nền tảng cho lần "khởi nghiệp" năm ấy. Từ suy nghĩ đến thực tế là khoảng cách xa vời, tre quá mỏng, "nặng tay" là bể vỡ. "Những mũi đục nhỏ trên gỗ cũng quá thô kệch khi làm trên tre. Thế là tôi tự nghiên cứu, chế ra những mũi đục dành riêng cho tre", ông Căn nói.
Trầy trật nhiều lần, cuối cùng ông Căn cũng "chinh phục" được tre. Chiếc lồng chim đầu tiên ra đời khiến ông mất ngủ vì quá sung sướng. Những năm 1990 của thế kỷ trước, ông Căn bán mỗi lồng chim như vậy từ 10 đến 40 triệu đồng.
Con số khiến nhiều người sửng sốt. Đỉnh điểm là năm 2009, tại Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ở Huế, nhiều người kinh ngạc trước một chiếc lồng chim bằng tre có tên "Thập nhị hoa giáp quần tiên" được chế tác hết sức công phu và thẩm mỹ.
Và chiếc lồng chim ấy cũng mang về cho ông giải nhất hội thi hàng thủ công Việt Nam. Cuộc thi ấy cũng mang tên tuổi của ông đi xa dù đó không phải lần đầu tiên ông mang "tre" đi thi và đoạt giải.
"Sau đó có một người chơi chim nổi tiếng bên Thái Lan biết thông tin, tìm đến tận nhà, đặt tôi làm một chiếc lồng chim "Thập nhị hoa giáp quần tiên" y vậy.
Nhưng tôi nói vì mỗi chiếc lồng là độc bản, không thể làm giống được. Họ chấp nhận để tôi sáng tạo, sau đó mua lồng chim đó với giá gần 10.000 USD. Đợt đó, tôi không nhớ vàng giá bao nhiêu, nhưng bán lồng chim xong vợ tôi mang tiền mua được nhiều cây vàng", ông Căn nói.
Đưa chúng tôi xem chiếc lồng chim "Thập bát la hán" đang khẩn trương hoàn thành để tuần sau chuyển đi Mỹ, ông Căn bảo rằng mấy chục năm làm nghề, hàng ngàn lồng chim của ông đã đi khắp cả nước và ra thế giới. Nhiều nhất là Mỹ, Pháp, Nhật và Thái Lan.
Trên chiếc lồng chim "Thập bát la hán", độ tinh xảo của từng mũi chạm hiện rõ. Chiếc móc treo lộng tạo dáng chim phượng mềm mại, bộ chao móc (ở đỉnh lồng chim) bốn nhánh được chạm lộng chủ đề thập bát quần tiên, giữa là quả bầu tròn chạm lộng xuyên hình người và cây lá, có thể xoay tròn được.
Chân lồng được chạm trổ Phật thiền. Dưới đáy lồng là bức phù điêu thập bát la hán, 13 ông Phật với những tư thế khác nhau...
"Mỗi tác phẩm của tôi đều là độc bản. Không cái nào giống cái nào bởi hoàn toàn được chạm bằng tay. Học trò tôi mấy chục năm qua cũng nhiều lắm. Nhưng ít người gắn bó lâu với tôi mà chuyển sang nghề chạm lồng chim gỗ cho dễ và cũng đi khắp nước hành nghề", nghệ nhân Căn nói.
Ông Đoàn Minh Căn truyền nghề làm lồng chim độc đáo cho học trò - Ảnh: T.MAI
Ước mơ làng du lịch
Ông Căn làm không hết việc, hiện có khoảng 10 người thợ vừa làm chính vừa học nghề đang ở nhà ông. Sau chừng ấy năm đi theo loại hình nghệ thuật này, ông là một phần không thể thiếu của Huế, nhiều năm qua các tour lữ hành dẫn khách tìm đến ông rất nhiều.
Thậm chí, nhiều du khách châu Âu tự tìm đến ông, đa số muốn tận mắt thấy những chiếc lồng chim và chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ công phu, có một không hai của ông Căn.
Hôm chúng tôi đến, một đoàn du khách nước ngoài hơn chục người vừa bước ra khỏi nhà, ông Căn bảo họ đến từ Pháp, biết ông qua video của một YouTuber người Mỹ. Dù bận, ông Căn vẫn vui vẻ đón tiếp và chạm trổ cho du khách xem.
Hai năm dịch, mọi thứ đình trệ, giờ bắt đầu đông lại. Ông chờ cái ngày du khách đến chật nhà, hết đoàn này lại đến đoàn khác tìm về. "Trước giờ tôi không lấy tiền của du khách. Nhưng sắp đến, nếu làm bài bản tôi sẽ lấy tiền từ việc làm cho du khách xem và hướng dẫn du khách chạm trên tre. Số tiền đó có thể làm học bổng, dạy nghề hoặc giúp đỡ người khó khăn", ông Căn nói.
Những chiếc lồng chim của ông Căn và chính ông là điểm đến thu hút khách nước ngoài. Điều đó cũng khiến giấc mộng biến nghề riêng mình thành làng nghề lớn dần trong ông. Điều ấy được chính quyền Huế hết sức khuyến khích.
Bà Hà, vợ ông Căn, bảo UBND xã Phú Dương đã trao đổi với gia đình sắp đến sẽ hỗ trợ gia đình một không gian rộng 200m2, dự kiến đặt ở gần đình làng Dương Nỗ dùng để làm nơi trưng bày sản phẩm và làm nghề.
Ông tâm sự lý do mình dạy gần cả trăm học trò từ trước giờ mà không giấu nghề làm kế sinh nhai bởi ông mong sau thế hệ ông sẽ có một làng nghề được lưu truyền. Hiện tại 10 người theo học nghề cùng ông sẽ khởi đầu cho câu chuyện làng du lịch mà ông ấp ủ và được các cấp ngành tích cực hỗ trợ.
Ông Căn rất hiểu thời cuộc, ông sẽ đi từng bước nhưng bước nào cũng hòa vào nhịp sống. Những năm đến, vợ chồng ông ấp ủ làm một tác phẩm để đời cho tre Việt Nam. Một cái lồng chim mà du khách sẽ phải trầm trồ trước tài nghệ của người thợ Việt. Ông không muốn tài hoa của người thợ nằm ngoài sự phát triển.
"Tại sao người Việt rất khéo tay lại sáng tạo tốt lại không thể như những làng nghề ở Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... họ làm những mặt hàng không tinh xảo bằng mình nhưng họ giỏi hơn mình là bán được cả sản phẩm lẫn câu chuyện văn hóa cho du khách. Họ làm được thì tôi làm được. Tôi sẽ để lại nghề và để lại một làng du lịch cho thế hệ mai sau", ông Căn nói.
Lớp trẻ theo nghề thầy
Chàng trai Đặng Phước Hòa mới 24 tuổi nhưng đã có 8 năm học và làm nghề chạm khắc tre làm lồng chim. Hòa hiểu những mong ước của ông Căn và đang cố học để có được tay nghề như thầy mình.
"Những điều cơ bản em đã thuần thục, nhưng chưa thể sáng tạo và làm sản phẩm tinh xảo như thầy Căn được. Những mũi chạm của em đều phải qua tay thầy chỉnh sửa. Đây là nghề cực khó, nhưng thầy làm được em cố nối bước của thầy", Hòa nói.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16-19...
Kỳ tới: Phục sinh nghề hoa giấy mấy trăm năm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận