Mệ Chiều (Trương Thị Hường) bán trống lùng tung và con quay vè vè - hai món đồ chơi truyền thống làm bằng tre được các bạn nhỏ ở phố đi bộ Hoàng Thành thích mê - Ảnh: NHẬT LINH
Thời nay, nghệ nhân đâu chỉ là những ông già bà lão ẩn thân, giấu nghề trong nhà kín, mà họ cũng phải đổi thay, cũng phải xuống phố, nhanh mồm nhanh miệng tiếp thị và khéo léo biểu diễn nghệ thuật để bán hàng...
Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chúng tôi là được khán giả đến xem, được nhìn thấy nụ cười trên môi của các em nhỏ. Thú thực tôi không nghĩ phố đi bộ Hoàng Thành lại là nơi đem lại một lượng lớn khán giả đến xem múa rối như vậy.
Ông Nguyễn Phi Tuấn
Chiếc trống lùng tung, con quay vè vè
7h tối, phố đi bộ Hoàng Thành trong lòng di sản kinh thành Huế ken đặc người. Dù lễ khai mạc tuyến phố này chưa đến giờ tổ chức nhưng gánh trống lùng tung và con quay vè vè (đồ chơi làm bằng tre và giấy) của nghệ nhân Trương Thị Hường đã trống trơn từ lúc nào.
Cụ Hường năm nay đã 76 tuổi nhưng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện chỉ trong một đêm có thể bán sạch sành sanh mấy chục chiếc trống tre do chính cụ tự làm một cách nhanh đến như vậy.
Chỉ một đêm xuống phố, cụ Hường kiếm được số tiền bằng cả tháng trời ngồi đường bán trống. Câu chuyện nghệ nhân xuống phố là một điểm sáng để níu kéo nghề và từ đó chấn hưng những làng nghề xưa.
Ở Huế chẳng ai là không biết cụ Hường. Nếu chẳng biết tên thì cũng không lạ gì với hình ảnh bà cụ có khuôn mặt hiền từ, dáng người mảnh khảnh thường ngồi bệt ở ngay đầu phía bắc cầu Trường Tiền, gần chợ Đông Ba, để bán gánh đồ chơi do cụ tự làm bằng tre.
Cụ Hường thường ngồi bán hàng buổi chiều nên nhiều người thương mến đặt luôn cho cụ biệt danh nghe "rặt Huế" là nghệ nhân "mệ Chiều". Gánh hàng của mệ Chiều rất đặc biệt, nếu không muốn nói là duy nhất ở Huế, do chỉ bán hai món đồ chơi trẻ em là chiếc trống lùng tung và con quay vè vè.
Có thể thấy chiếc trống và con quay đều được mệ tỉ mỉ tự tay cưa từng khúc tre, dán từng miếng giấy đủ màu sắc tạo thành.
Người nghệ nhân này đã yêu quý cái nghề từng là sinh kế của cả làng, và nó cũng là cuộc đời của bà. Mệ Chiều nói rằng hai món đồ chơi dân gian này có tuổi đời cả trăm năm, từ thời nhà Nguyễn. Tuổi cao, mệ làm nhiều khi vì niềm vui và cố giữ cái nghề cha ông truyền lại.
Vậy mà cả chục năm mệ Chiều vẫn ngồi ở đầu cầu Trường Tiền, tay quay đều con vè vè để mời khách. Dòng người cứ vội vàng lướt qua. Thi thoảng có người dừng xe máy lại, chọn mua một chiếc trống tay trong đống hàng chất cao của mệ.
Thế rồi một ngày có người tìm đến nhà mệ Chiều ở phường Đông Ba (TP Huế) để... mời mệ xuống phố đi bộ ngồi bán hàng. Mệ nghe mà không tin đó là sự thật. Đó cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, mệ thấy nghề còn được nhớ đến. Dĩ nhiên, mệ nhận lời ngay.
Ngày đầu xuống phố đi bộ, mệ Chiều đem theo vài chục chiếc trống và con quay vè vè như ngày thường mệ vẫn đem ra đầu cầu Trường Tiền ngồi bán. Nào ngờ chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ sau, túi đựng hàng của mệ đã hết sạch.
Mệ có ngờ đâu đám nhỏ được bố mẹ, ông bà dẫn đến phố đi bộ lại thích mê cái trống con nhỏ nhắn và tiếng vè vè từ con quay bằng tre ấy. Đứa nào đi ngang qua chỗ mệ cũng sà vào chơi thử và níu lấy cha mẹ đòi mua một cái cho bằng được.
Mệ vui lắm. Thấy mệ bán được hàng, nhiều người biết mệ ghé vô chúc mừng. Có người còn trêu vui, nói mệ bữa ni hết tên là mệ Chiều mà thành "mệ Túi (buổi tối) rồi", cụ Hường cười.
Một nghệ nhân hô bài chòi - trò chơi dân gian thu hút rất đông du khách đến xem và chơi ở phố đêm Hoàng Thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Xuống phố để giữ làng
Mời nghệ nhân xuống phố là bước đi quan trọng của TP Huế trong câu chuyện bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề. Cạnh gian bán chiếc trống lùng tung và con quay vè vè của bà Hường là gian hàng bày bán xăm hường của nghệ nhân Đặng Văn Tố (72 tuổi, phường Hương Sơ, TP Huế).
Ông Tố cũng là nghệ nhân cuối cùng còn giữ được cái nghề làm bài xăm hường bằng ống xương bò ở Huế. Xăm hường là bộ trò chơi dân gian thông qua việc đổ xúc xắc tính điểm để giành lấy cho mình những thẻ bài có chức vọng trong đường học hành thuở xưa như trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa...
Nhưng cũng chung số phận với nhiều trò chơi dân gian khác, nguồn thu nhập của ông Tố giảm dần bởi thời hiện đại chẳng mấy ai biết chơi xăm hường.
Cũng giống cụ Hường, ông Tố gật đầu liền ngay khi được chính quyền "mời xuống phố đi bộ". Đem theo mấy bộ bài được làm đẹp nhất, ông Tố bày hàng ra phố đón khách.
Kế bên gian hàng, ông trải một tấm bạt nhỏ để làm nơi thực hành cách chơi. Đêm đầu tiên ở phố đi bộ, cả trăm lượt người xúm lại xem ông Tố đổ xúc xắc chơi xăm hường.
"Thấy tui chơi xong, nhiều người họ mua mấy bộ xăm hường về nhà thử chơi. Họ nói bộ xăm hường tui làm đẹp, mua về không chơi thì cũng bỏ tủ kính trưng bày trong nhà đẹp lắm", ông Tố nói.
Hàng múa rối của Nhà hát múa rối cố đô Huế thu hút rất đông du khách đến xem ở phố đêm Hoàng Thành - Ảnh: ĐỨC QUANG
Còn đạo diễn múa rối Nguyễn Phi Tuấn, người sáng lập Nhà hát múa rối cố đô Huế, đã không kìm được xúc động khi lâu lắm rồi mới có một lượng khán giả đông đến vậy vây quanh khu biểu diễn múa rối ngay trước cửa Chương Đức (Đại Nội Huế).
Nuôi hy vọng sống được với nghề, ông Tuấn cùng một vài cộng sự chất con rối lên xe đi khắp các trường học ở trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế biểu diễn cho sắp nhỏ xem. Hai năm vừa qua dịch COVID-19 ập đến, học sinh phải học online, nên gánh rối lưu động của ông Tuấn cũng phải nghỉ dài hơi.
Đến khi được mời xuống phố đi bộ Hoàng Thành, ông không kìm được vui mừng khi hàng nghìn khán giả đủ mọi độ tuổi già, trẻ, lớn, bé đều thích mê những con rối chuyển động linh hoạt dưới sự điều khiển điêu luyện, tài tình của người nghệ sĩ.
"Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chúng tôi là được khán giả đến xem, được nhìn thấy nụ cười trên môi của các em nhỏ. Thú thực tôi không nghĩ phố đi bộ Hoàng Thành lại là nơi đem lại một lượng lớn khán giả đến xem múa rối như vậy", ông Tuấn nói.
Nghệ nhân là hồn cốt của phố đi bộ
Hàng múa rối của Nhà hát múa rối cố đô Huế thu hút rất đông du khách đến xem ở phố đêm Hoàng Thành - Ảnh: ĐỨC QUANG
Ông Phan Thiên Định, bí thư Thành ủy TP Huế, cho biết khi lập đề án xây dựng tuyến phố đi bộ Hoàng Thành, thành phố đã nhắm đến một số nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, làm đồ thủ công mỹ nghệ dân gian... để mời họ xuống phố và xem họ như một phần hồn cốt của phố đi bộ.
Theo ông Định, những nghệ nhân mà thành phố mời xuống phố chủ yếu là những người không có điều kiện kinh tế để mở cho riêng mình một quầy, một tiệm bày bán mặt hàng thủ công hay những đoàn nghệ thuật dân gian đang gặp khó khăn trong biểu diễn.
Ông Định cho biết sắp tới chính quyền TP Huế sẽ tiếp tục tìm kiếm những nghệ nhân dân gian còn lưu giữ được nghề truyền thống để mời xuống phố đi bộ. Lục tìm trong sử sách những làng nghề xưa, tìm kiếm xem còn ai giữ nghề không. Họ sẽ xuống phố và trở về giữ hồn làng.
Nghệ nhân thời nay đâu phải chỉ là những người khép kín, giữ bí quyết nghề trong mái nhà xưa. Họ cũng phải xuống phố và cũng phải tiếp thị, chào hàng để giữ lấy nghề xưa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận