10/04/2014 11:03 GMT+7

Bèo bọt cổ tức ngân hàng

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN

TT - Dù chuẩn bị vào cao điểm đại hội cổ đông của các ngân hàng (NH), nhưng kế hoạch chia cổ tức năm 2013 đến thời điểm này mới chỉ được công bố rất nhỏ giọt.

Thất vọng với cổ tứcCổ tức ngân hàng thua lãi tiết kiệmEximbank mua cổ phiếu quỹ để giảm chi phí cổ tức

IE0hOmcT.jpgPhóng to
Hoạt động kinh doanh khó khăn, lợi nhuận thấp, nhiều ngân hàng trả cổ tức theo kiểu “cho có”, thậm chí không trả cổ tức - Ảnh: T.Đạm

Tuy nhiên, những thông tin ban đầu cũng cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa về cổ tức của cổ phiếu NH.

Đến thời điểm này, ngoài hai NH có mức cổ tức cao là Sacombank và Vietcombank, trong đó Sacombank chia cổ tức 16% (8% bằng cổ phiếu) và Vietcombank dự kiến chia cổ tức 12% bằng cổ phiếu, hàng loạt NH khác quyết định không chia cổ tức hoặc chia với tỉ lệ thấp.

Không chia hoặc cổ tức “cho có”

Cổ đông vẫn thích cổ tức tiền mặt

Nhận định về xu hướng trả cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt của nhiều NH, ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC - cho rằng cổ đông vẫn thích chia bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu. Bởi nếu chia bằng cổ phiếu, ngoài chuyện giá trị cổ phiếu bị pha loãng, nhà đầu tư còn phải chờ đợi rất lâu mới nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu tại thời điểm về tài khoản, giá cổ phiếu tăng thì cổ đông có lợi, còn ngược lại thì nhà đầu tư thiệt đơn thiệt kép.

“Trong điều kiện huy động vốn từ cổ đông rất khó khăn, việc các NH chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, mở rộng quy mô cũng là phương án hợp lý và chính đáng. Dù vậy, với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, bản thân NH cũng phải đối mặt áp lực rất lớn về cổ tức trong những năm tới” - ông Tuấn nói.

Trong thông tin công bố trước đại hội cổ đông sẽ được tổ chức vào giữa tháng này, ACB dự kiến mức chia cổ tức năm 2013 là 7% bằng tiền mặt, cao hơn so với mức 6,85% của năm trước đó.

“Mức này chỉ tương đương với mức tăng của CPI, không thể so sánh với mức cổ tức của ACB thời hoàng kim, nhưng có còn hơn không” - ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc ACB, nói.

Theo ông Toại, dù trải qua một sự cố lớn vào năm 2012 mà vẫn có thể chia cổ tức ở mức 7% chứng tỏ NH đã phục hồi rất nhanh. Nhà đầu tư lâu dài nên nhìn vào những khía cạnh như vậy chứ không phải mức cổ tức.

Lãnh đạo OCB cũng cho rằng nếu làm phép so sánh có thể dễ dàng thấy cổ tức của nhiều NH còn thấp hơn cả lãi tiết kiệm, nhưng về lâu dài, khi kinh tế tốt hơn thì người giữ cổ phiếu sẽ được lợi hơn nhờ giá trị tăng thêm cũng như cổ tức mà cổ phiếu mang lại.

Trong khi đó, nhiều NH chưa niêm yết đã quyết định không chia cổ tức năm 2013 với nhiều lý do, như lợi nhuận thấp, giữ lại lợi nhuận để phục vụ hoạt động kinh doanh...

“Trong thời gian tái cơ cấu, chủ trương của NH là không chia cổ tức để tập trung nguồn lực tái cấu trúc” - ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nói về quyết định không chia cổ tức năm 2013, cũng là năm thứ hai liên tiếp SCB không chia cổ tức.

Theo giải thích của ông Văn, trong thời điểm khó khăn hiện nay, việc giữ lại lợi nhuận để đưa vào kinh doanh sẽ tiết giảm chi phí, tạo thêm nguồn lực cho NH, lợi ích của cổ đông vẫn còn đó.

Tương tự, NH Phương Nam cũng dự kiến sẽ xin cổ đông không chia cổ tức mà giữ lại dưới hình thức lợi nhuận chưa phân phối để hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh do kết quả năm 2013 quá thấp.

Trong tờ trình về trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2013 vừa công bố, Techcombank cũng không đề cập việc chia cổ tức.

Chỉ hấp dẫn với nhà đầu tư dài hạn

Ông Phan Dũng Khánh, trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng với mức cổ tức năm 2013 theo kiểu “cho có” và dự kiến năm 2014 cũng không khá hơn, cổ phiếu NH không còn hấp dẫn với những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

“Tại thời điểm chứng khoán đang rất sôi động như hiện nay, cổ phiếu NH lại không có biến động theo chiều hướng tăng như nhiều cổ phiếu khác nên nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không quan tâm nhiều” - ông Khánh nói.

Ông Trần Văn Minh, một nhà đầu tư ở sàn TP.HCM, thừa nhận với mức cổ tức chỉ 6-7%, cao nhất chừng 15-16%, cổ phiếu NH không thật sự hấp dẫn với những nhà đầu tư nhỏ, có xu hướng lướt sóng.

Thay vào đó, những nhà đầu tư này chọn cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, công nghệ đang có mức cổ tức khá cao, chưa kể biến động giá khá tốt khi thị trường sôi động.

Đặc biệt theo ông Minh, những ngành này, với thị trường tiêu thụ rộng lớn, có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu NH vẫn có sức hút với những nhà đầu tư dài hạn, do triển vọng ngành này thường dài hạn hơn ngành khác.

Hơn nữa, kinh tế đã có dấu hiệu đang tốt lên, những khó khăn của ngành NH cũng sẽ giảm dần, cổ phiếu ngành này sẽ lại được quan tâm nhiều hơn và sôi động hơn.

Ông Phan Dũng Khánh cho rằng các NH hiện đang trong giai đoạn tái cơ cấu hoạt động, rất cần giữ lại cổ tức để phục vụ nhu cầu này. Do đó về lâu dài, có thể tin tưởng hơn vào “sức khỏe” của các NH.

Còn theo một chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Bản Việt, các cổ phiếu NH niêm yết trên sàn TP.HCM vẫn được nhà đầu tư đánh giá cao và là chọn lựa của những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.

Maritime Bank lên kế hoạch sáp nhập

Theo báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh năm 2013 và một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho biết năm nay sẽ tập trung tái cấu trúc, xử lý nợ xấu, thu hồi nợ đọng. Đặc biệt, Maritime Bank dự kiến sáp nhập với một ngân hàng khác nhằm mở rộng quy mô, mạng lưới, năng lực kinh doanh để phục vụ định hướng chiến lược của mình.

Lý giải lợi nhuận sau thuế năm chỉ đạt 401 tỉ đồng, thấp hơn con số kế hoạch là 413 tỉ đồng, Maritime Bank cho rằng là do tình hình suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều khách hàng gặp khó khăn. Trong năm 2014, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 265 tỉ đồng, chỉ bằng 66% so với năm trước.

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên