25/04/2013 07:33 GMT+7

Cổ tức ngân hàng thua lãi tiết kiệm

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN

TT - Liên tục trong hai ngày 25 và 26-4 diễn ra đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của gần 10 ngân hàng (NH). Thế nhưng những thông tin công bố trước đại hội đã khiến nhiều cổ đông sốc vì kết quả kinh doanh sụt giảm, kéo theo cổ tức chia cho cổ đông còn thấp hơn cả tiền lãi tiết kiệm.

TDTUd0Fi.jpgPhóng to
Nhiều ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro hàng trăm tỉ đồng nên lợi nhuận giảm mạnh, kéo theo cổ tức thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Trong ảnh: giao dịch tại Sacombank - Ảnh: THANH ĐẠM

Nguyên nhân được NH đưa ra chủ yếu do nợ xấu, chi phí trích lập dự phòng gia tăng...

Lợi nhuận giảm

Theo kế hoạch, sáng nay 25-4 Sacombank họp ĐHCĐ thường niên. Do phải trích lập dự phòng rủi ro 2.054 tỉ đồng, hơn gấp đôi so với năm 2011, nên lợi nhuận trước thuế của Sacombank năm 2012 chỉ còn lại 1.315 tỉ đồng, chỉ đạt 39% kế hoạch. Kết quả này kéo theo tỉ lệ chia cổ tức dự kiến trình ĐHCĐ chỉ 6% trên vốn điều lệ, thấp hơn so với lãi tiết kiệm.

Nhiều năm nằm trong top những NH cổ phần có lợi nhuận cao nhất nhưng năm 2012 Techcombank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 1.018 tỉ đồng, bằng 41% so với năm 2011. Kết quả kinh doanh sụt giảm đã đưa đến quyết định không chia cổ tức cho cổ đông. Tại ĐHCĐ diễn ra ngày 13-4, phương án này đã được thông qua với lý do dành toàn bộ lợi nhuận năm 2012 vào việc củng cố và phát triển NH.

"Nhiều nhà đầu tư không quan tâm cổ tức vì họ lướt sóng. Nhưng cổ phiếu ngân hàng về cơ bản lại không có sóng. Bởi không ai tạo sóng cổ phiếu ngân hàng khi tình hình của họ khó khăn như hiện nay"

ông Huỳnh Anh Tuấn (tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC)

Tuy nhiên Techcombank chưa phải là NH có mức lợi nhuận thấp nhất. NH Hàng hải đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2012 là 1.350 tỉ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 255 tỉ đồng. Lý giải với cổ đông, NH Hàng hải nêu ra hàng loạt khó khăn như: năm 2012 kinh tế khó khăn, kinh tế tăng chậm, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ giảm, trong khi lãi suất cho vay cao, phát triển tín dụng khó khăn, do vậy việc tăng quy mô theo phương án kinh doanh đã được ĐHCĐ phê duyệt, trong đó chủ yếu dựa vào tăng trưởng tín dụng là không khả thi. Về cổ tức, ngoài mức 7% đã tạm ứng vào tháng 11-2012, NH này không chia thêm, đồng thời thay đổi nguồn tạm ứng cổ tức 2012 từ lợi nhuận để lại năm 2011 để đề phòng trường hợp lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập đủ các quỹ không đủ để chia cổ tức ở mức này.

Xảy ra hàng loạt biến cố trong năm 2012, NH ACB cũng không đạt được kế hoạch đề ra từ đầu năm. Năm 2012, ACB dự kiến chia cổ tức mức 6,85% bằng tiền mặt, thấp hơn nhiều so với mức 20% của năm trước.

Trả cổ tức khá nhất là các NH thương mại nhà nước. Vietcombank trả cổ tức ở mức 12% dù chỉ đạt 88% kế hoạch lợi nhuận. BIDV chia cổ tức ở mức 10,8%. Về vấn đề này, ông Trần Xuân Hoàng, phó tổng giám đốc BIDV, nói ngắn gọn là dù tình hình khó khăn BIDV vẫn đảm bảo cổ tức cho cổ đông bằng mức lãi tiết kiệm 12 tháng.

Trong khi đó nhiều NH nhỏ đã phải liệu cơm gắp mắm, ông chủ NH hi sinh để làm vừa lòng cổ đông nhỏ. Tại ĐHCĐ diễn ra ngày 29-3 vừa qua, hội đồng quản trị NH Nam Á đã trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2012 theo hướng ưu tiên cho cổ đông nhỏ, sở hữu dưới 10 tỉ đồng mệnh giá nhận cổ tức ở mức 9%. Các cổ đông lớn chỉ nhận được mức cổ tức 4,47%/mệnh giá.

Nhà đầu tư không mặn mà

Trước những thông tin về kế hoạch hoạt động, lợi nhuận và cổ tức của ngành NH đang được lần lượt công bố trước thềm ĐHCĐ, nhiều nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu NH đã mất vị thế cổ phiếu “vua”. Ông Đặng Hoàng Phúc, một nhà đầu tư chứng khoán ở TP.HCM, cho biết trước đây từng nắm giữ cổ phiếu NH, nhưng hiện nay không còn chú ý đến nhóm này vì cho rằng triển vọng của ngành NH không còn hấp dẫn. Cổ tức công bố thấp lẹt đẹt, thua xa cổ tức của một số doanh nghiệp ở nhóm ngành khác như hàng tiêu dùng, công nghệ... Trường hợp đầu tư dạng lướt sóng, cổ phiếu NH cũng rất ít có sóng trong thời gian gần đây.

Nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra các phân tích khá ảm đạm về bức tranh lợi nhuận và triển vọng đầu tư vào cổ phiếu NH trong năm nay. Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Phương Nam nhận định lợi nhuận NH năm 2013 sẽ không khả quan. Nợ xấu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành NH. Mặc dù có một vài NH vẫn là điểm sáng nhưng nhìn toàn cảnh ngành NH khá ảm đạm. Công ty chứng khoán Phương Nam khuyến nghị nhà đầu tư cần cân nhắc thời điểm đầu tư thích hợp với cổ phiếu ngành này. Trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán có trụ sở ở TP.HCM cho rằng khi các NH không chia cổ tức, chia quá thấp hoặc dùng dằng chưa quyết định được mức cổ tức trong năm 2012, dự kiến 2013, sẽ gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC, nhà đầu tư hiện nay đã không còn mặn mà với cổ phiếu NH. Tỉ lệ nợ xấu của các NH vẫn ở mức cao. Việc trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Chưa kể, lợi nhuận của NH đến chủ yếu từ hoạt động tín dụng. Tăng trưởng tín dụng bị giới hạn thấp. Dòng vốn đầu ra của NH cũng chưa được khơi thông càng khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng. Do đó mức chia cổ tức thấp là điều dễ hiểu.

Theo ông Tuấn, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm như hiện nay, có nhiều người chuyển hướng sang kênh chứng khoán nhưng họ so sánh rất kỹ khả năng sinh lời của đồng vốn đầu tư. Cổ phiếu NH thời điểm này sẽ khó có thể trở thành lựa chọn của nhà đầu tư khi so sánh với lãi suất tiết kiệm và cổ tức của nhiều doanh nghiệp sản xuất ở những ngành, lĩnh vực khác. Nhưng thực tế có những NH đã chia cổ tức thấp hơn cả hai yếu tố so sánh trên. Hiện các doanh nghiệp trong những ngành khác đã giảm được chi phí tài chính nhờ lãi suất vay vốn NH giảm. Giá cả đầu vào cũng hạ nhiệt dần nên lợi nhuận có khả năng được cải thiện.

Ám ảnh nợ xấu

Do lợi nhuận năm 2012 giảm, nhiều NH không còn dám đưa ra kế hoạch kinh doanh hoành tráng như những năm trước. Năm 2013, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.800 tỉ đồng, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.800 tỉ đồng, BIDV 4.720 tỉ đồng, Techcombank 1.543 tỉ đồng, thấp so với bình quân nhiều năm gần đây...

Còn TienPhong Bank đặt chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 316 tỉ đồng và mục tiêu đến năm 2015 sẽ bù hết các khoản lỗ của năm 2012.

Trong năm 2012 các NH đã phải đánh đổi lợi nhuận để giải quyết nợ xấu và không có điều gì chắc chắn rằng năm 2013 điều đó không lặp lại.

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên