Hãng tin AFP dẫn thông tin từ một nhà báo cho biết hàng chục binh sĩ Israel, một số đeo mặt nạ và bắn chỉ thiên, đã hạ lệnh cho các thanh niên đang có mặt ở đó đầu hàng khi họ tiến vào Bệnh viện Al Shifa.
Israel tuyên bố họ thực hiện chiến dịch tấn công chính xác nhằm vào Hamas tại một số khu vực trong bệnh viện dựa trên thông tin tình báo.
Thảm cảnh ở Al Shifa
Theo Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), trong số các thành phần tiến vào Bệnh viện Al Shifa còn có "các đội y tế và người nói tiếng Ả Rập, những người đã được huấn luyện để chuẩn bị cho môi trường phức tạp và nhạy cảm này, với mục đích không gây hại cho những người dân thường đang bị Hamas dùng làm lá chắn sống".
Ông Youssef Abu Rish, quan chức Cơ quan y tế Dải Gaza, có mặt tại bệnh viện cho biết ông thấy xe tăng bên trong bệnh viện cùng "hàng chục binh sĩ và biệt kích trong các tòa nhà tiếp nhận người bệnh và cấp cứu".
Sau những cảnh báo mạnh mẽ từ Mỹ và các nước rằng Bệnh viện Al Shifa "phải được bảo vệ", Israel cho biết cuộc đột kích được thực hiện dựa trên "nhu cầu tác chiến".
Israel nói Hamas có một trung tâm chỉ huy bên dưới Al Shifa và sử dụng bệnh viện này cùng các đường hầm bên dưới để che giấu hoạt động quân sự và bắt giữ con tin.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cũng nói Mỹ có thông tin tình báo cho biết Hamas đang sử dụng Al Shifa cũng như các bệnh viện khác cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, Hamas đã bác bỏ thông tin này.
Những ngày gần đây, tâm điểm của xung đột Israel - Hamas là Bệnh viện Al Shifa với hàng trăm bệnh nhân, nhân viên y tế và dân thường đang mắc kẹt ở đó. Bệnh viện này đã ngừng nhiều hoạt động vào cuối tuần qua do nguồn cung vật tư cạn kiệt và thiếu điện nên không thể vận hành máy móc.
Sau nhiều ngày không có tủ lạnh, nhà xác đã đào hố chôn chung cho ít nhất 120 thi thể. Giám đốc Bệnh viện Al Shifa cho biết giao tranh trong nhiều ngày qua xung quanh Al Shifa đang biến nơi này thành một "nghĩa địa".
Theo Hãng tin AFP, các nhân chứng mô tả điều kiện bên trong Bệnh viện Al Shifa thật khủng khiếp. Các thủ thuật y tế được thực hiện trong điều kiện không có thuốc gây mê, nhiều gia đình thiếu thức ăn nước uống vạ vật trong các hành lang, mùi hôi thối của các thi thể đang phân hủy tràn ngập không khí.
Cơ quan Y tế Dải Gaza cho biết 40 bệnh nhân, trong đó có 3 trẻ sơ sinh, đã thiệt mạng kể từ khi máy phát điện khẩn cấp của Bệnh viện Al Shifa hết nhiên liệu hôm 11-11. Theo cơ quan này, 36 trẻ sơ sinh khác có nguy cơ tử vong vì không có điện chạy lồng ấp.
Quân đội Israel thông báo họ đã bắt đầu chuyển các lồng ấp cho Bệnh viện Al Shifa, nhưng người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Christian Lindmeier nói những lồng ấp này sẽ vô dụng nếu không có điện.
Nguy cơ đứt các cứu trợ
Cũng theo Cơ quan y tế Dải Gaza, các cuộc tấn công của Israel đã khiến ít nhất 11.320 người, hầu hết là dân thường, trong đó có hàng ngàn trẻ em, thiệt mạng ở Gaza. Không chỉ Al Shifa, WHO chỉ ra tình hình tại các bệnh viện khác cũng nghiêm trọng với 22 trong số 36 bệnh viện ở Gaza không hoạt động do thiếu nhiên liệu, hư hỏng hoặc do giao tranh.
"14 bệnh viện còn mở cửa hầu như không có đủ nguồn cung vật tư để duy trì các ca phẫu thuật quan trọng cứu sống bệnh nhân cũng như để cung cấp dịch vụ chăm sóc nội trú, gồm cả chăm sóc đặc biệt" - WHO giải thích.
WHO cảnh báo việc sơ tán các bệnh viện ở phía bắc Dải Gaza, theo như yêu cầu của quân đội Israel, sẽ là "án tử" với một số bệnh nhân vì các bệnh viện ở phía nam Dải Gaza không thể tiếp nhận thêm người bệnh.
Trong khi đó, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) cho biết cơ sở lưu trữ nhiên liệu của họ ở Gaza đã cạn sạch và cơ quan này sẽ sớm ngừng các hoạt động cứu trợ, trong đó bao gồm việc đưa các nguồn cung thực phẩm và thuốc men hạn chế từ Ai Cập tới hơn 600.000 người đang trú ẩn tại các trường học do Liên Hiệp Quốc điều hành và các cơ sở khác ở phía nam Dải Gaza.
"Nếu không có nhiên liệu, hoạt động nhân đạo ở Gaza sẽ kết thúc. Nhiều người sẽ phải chịu khổ và có thể sẽ chết" - người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini nói.
WHO mất liên lạc với nhân viên tại Al Shifa
Ngày 15-11, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tổ chức này đã mất liên lạc với các nhân viên y tế tại Bệnh viện Al Shifa sau khi Israel đột kích cơ sở này.
"Các báo cáo về cuộc đột nhập quân sự vào Al Shifa rất đáng lo ngại. Chúng tôi lại mất liên lạc với nhân viên y tế tại đây và vô cùng lo lắng cho sự an toàn của họ cũng như các bệnh nhân" - ông Tedros viết trên mạng xã hội X.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận