Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sáng 18-2, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng - trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) - cho biết trong 7 ngày, các ê kíp trực đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân đột quỵ cấp nhập viện.
Điều trị can thiệp và tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho 47 người.
Trong số đó, 162 bệnh nhân may mắn phục hồi tốt và xuất viện ngay trong Tết. Tuy vậy, do thêm những bệnh nhân nặng từ trước Tết nên hiện có khoảng 170 bệnh nhân đang được điều trị tại khoa. Dự kiến ngày mai 19-2, số bệnh nhân đột quỵ tại khoa tăng lên 200.
PGS Thắng cho biết thêm, số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện cấp cứu tại bệnh viện trong những ngày Tết bằng với ngày thường, trong đó chủ yếu có độ tuổi từ 55-65, có 15% bệnh nhân trẻ dưới 45 tuổi.
"Ngày thường cũng như ngày Tết, trung bình mỗi ngày có khoảng 40-50 bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Số lượng bệnh nhân nhập viện cao, nhưng quan trọng là số bệnh nhân được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Một ca bình thường khám và cho thuốc mất 30 phút. Một ca cấp cứu can thiệp phải mất nhiều giờ và theo dõi sát sau đó ít nhất 24 tiếng.
Vì số lượng bệnh nhân đông nên mỗi ngày bệnh viện phải cho xuất viện 40-50 ca, ngày cuối tuần có khi cho 80-100 bệnh nhân xuất viện", PGS Thắng nói.
Cũng theo chia sẻ của PGS Thắng về thông tin cảnh báo nguy cơ mắc đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới (World Stroke Organization) mới đây, cho thấy khả năng bị mắc đột quỵ ít nhất một lần trong đời đối với người trưởng thành (trên 25 tuổi) lên đến 25% (đột quỵ thiếu máu não chiếm 18,3% và đột quỵ xuất huyết não chiếm 8,2%).
Có nghĩa là cứ 4 người trưởng thành sẽ có 1 người có thể bị đột quỵ trong tương lai, thay vì con số 1/6 như trước đây. Điều này gây ra một sự lo ngại rất lớn cho cộng đồng, thậm chí gây bất ngờ cho những người làm trong chuyên ngành.
Riêng đối với người Việt Nam thuộc nhóm có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỉ lệ ước tính 218/100.000 dân. Tuy nhiên số lượng đơn vị điều trị đột quỵ ở nước ta hiện còn ít, đáng báo động, phần lớn các đơn vị đột quỵ tập trung tại những thành phố lớn như TP.HCM hoặc Hà Nội.
Còn khá nhiều tỉnh thành lớn tại ba miền cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Hậu quả là nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.
Đột quỵ để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong
Đột quỵ hay còn được biết đến với tên gọi là tai biến mạch máu não, đây là vấn đề sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để bảo toàn tính mạng.
Khi đột quỵ xảy ra, mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ và không cung cấp lượng máu cần thiết cho hoạt động của não bộ, gây ra các khiếm khuyết chức năng thần kinh.
Trên thực tế, bệnh thường xảy ra đột ngột và dễ dẫn tới các di chứng tàn phế nặng nề, thậm chí tử vong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận